Ngay trong trang bìa của sách đã viết "1 tiểu thuyết - 3 truyện dài". Những đứa con rải rác trên đường gồm ba phần: "Truyện thứ nhất: Thư đi không thấy thư lại", "Truyện thứ hai: Đời biết mấy chuyến xe" và "Truyện thứ ba: Chuyến thu gom xuyên Việt".
Tác phẩm mở ra bằng những trang viết về chuyện cho con đi du học thời nay. Đó là một vấn đề thời sự, thu hút những bậc cha mẹ vốn cho rằng đi du học là giải pháp "trăm năm trồng người".
Tiếp sau đó, xuất hiện rải rác những bất hạnh của từng gia đình. Nhưng cuốn tiểu thuyết không viết về chuyện gia đình, sách dẫn theo cuộc đời một người lái xe. Nhân vật chính có sự thăng tiến dần trên những nấc thang cấp bậc: từ một người lính chuyển sang dân sự, trở thành người quản lý. Đó cũng là quá trình xã hội chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, trải qua thời cải tạo tư thương, ngăn sông cấm chợ sang kinh tế thị trường. Người lái xe ấy còn rất đào hoa với những mối tình trên từng cây số...
Tác giả gói gọn nhiều sự kiện của từng thời vào trong một câu chuyện. Trong đó có sự ác liệt, tàn bạo, đầy bất trắc của chiến tranh. Nỗi thống khổ, sự cứng nhắc của thời bao cấp cũng được nhắc tới. Tác phẩm cũng đề cập đến sự hỗn loạn khi xã hội vào cơ chế thị trường: tham nhũng, thực dụng, vô đạo đức... Cùng với việc tái hiện đời sống xã hội, tác phẩm kể về những số phận tha hương xứ người, những thân phận đang sống ở xứ mình với nhiều trắc trở.
Để khắc họa những đặc trưng của từng thời, tác giả dùng nhiều chi tiết điển hình. Đó là những câu chuyện khắc nghiệt như buôn người, vượt biên, chuyện mua bằng giả của tiến sĩ giấy... Các câu chuyện luôn đặt ra những nghi vấn, hoang mang, đâu là chân, đâu là giả của sự việc.
Tác phẩm vẫn viết theo lối hiện thực xen lẫn huyền ảo vốn làm nên phong cách của Hồ Anh Thái. Đời sống xã hội cũng như số phận con người được tái hiện bằng giọng văn nghiêm ngặt, bi thương hòa trộn với giễu cợt, hài hước.
Lam Thu