Sáng 10/10, tại Thư viện Hà Nội, Hội nhà văn Hà Nội tổ chức trao giải thưởng năm 2012 và kết nạp hội viên mới. Giải thưởng năm nay trao cho "SBC là săn bắt chuột" của nhà văn Hồ Anh Thái - hạng mục Văn; "Buổi câu hờ hững" của Nguyễn Bình Phương - hạng mục Thơ; tác phẩm "Dĩ vãng phía trước" của Ngô Thảo - Phê bình và ở lĩnh vực Dịch thuật là bản dịch "Lolita" (V.Nabokob) do Dương Tường dịch. Tập thơ "Xem đêm" của nhà thơ Phùng Cung (1928-1997) được trao giải Thành tựu thơ.
Không bỏ sót hạng mục nào, tìm được những tác phẩm chất lượng để trao giải, chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên dùng từ "sum suê" để tổng kết mùa giải năm nay. Đặc biệt, giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2012 khiến nhiều người tâm phục khẩu phục khi bỏ qua tất cả những yếu tố ngoài văn chương để trao giải cho những tác phẩm thực sự xứng đáng, với tiêu chí "chất lượng" là duy nhất.
Các tác giả nhận giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2012. Từ trái qua: nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Ngô Thảo, dịch giả Dương Tường, Phùng Ngô Trường - con trai cố nhà thơ Phùng Cung - lên nhận giải thay cha. Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên chúc mừng các tác giả. |
"SBC săn bắt chuột" được đánh giá cao ở khả năng tìm tòi, không ngừng làm mới văn chương và biểu đạt đời sống ở những vỉa tầng tươi mới của nhà văn Hồ Anh Thái. Tập thơ "Buổi câu hờ hững" chứa đựng một thái độ nghiệm sinh bằng những câu thơ mang vẻ đẹp trầm tư. Trong khi đó, với "Dĩ vãng phía trước", nhà phê bình Ngô Thảo bằng tư cách một người "có thẩm quyền trong văn học" cung cấp những ghi chép sống giá trị, cho người đọc thấy được đời sống văn học nước nhà những năm cận kề trước và sau 1975. Nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ chặng đường đến với văn chương từ năm 16 tuổi và cho biết, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông tự hào vì dẫu chưa "có danh gì với núi sông" như lời Cao Bá Quát thì cũng đã để con cháu biết rằng, mình đã đứng ở đây để nhận giải thưởng danh giá của Hội nhà văn Hà Nội. Nhà phê bình Ngô Thảo tặng phần thưởng của mình cho sinh viên Huỳnh Thủy Tiên, khoa Viết văn, Đại học Văn hóa, như một nghĩa cử khích lệ thế hệ trẻ vững tâm trên con đường văn chương.
Gây chú ý trong giải thưởng năm nay là hạng mục Dịch thuật với tác phẩm "Lolita" từng gây nhiều tranh cãi. Cho rằng, không có bản dịch nào toàn vẹn so với bản gốc, mặt khác, tự thân mỗi bản dịch đã là một tác phẩm mới, Hội nhà văn Hà Nội quyết định trao giải thưởng cho "Lolita" của Dương Tường, bởi chất lượng và tâm huyết của dịch giả muốn đưa một tác phẩm thuộc hàng hay nhất, khó dịch nhất của văn học thế giới đến Việt Nam. Lên nhận giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2012, dịch giả Dương Tường chia sẻ, ông bắt tay vào dịch "Lolita" cách đây hai năm vì không muốn một cuốn sách hay của thế giới bị bỏ phí. Dịch "Lolita" trong điều kiện thể lực và trí lực đều suy giảm, một mắt trái bị hỏng nhưng Dương Tường coi sách như một người yêu. Cuốn sách của V. Nabokob có "văn phong khác thường, vốn văn hóa mênh mông và các ngón chơi chữ dày đặc trong tác phẩm", theo Dương Tường. Với hơn 500 chú thích, dịch giả cho biết, ông đã cố gắng để đưa đến cho độc giả một bản dịch hay nhất có thể, bằng tất cả sức mình và sự cẩn trọng với nghề.
Dịch giả Dương Tường phát biểu cảm xúc khi nhận giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2012 cho bản dịch "Lolita". |
Nguyễn Bình Phương - tác giả vốn được biết đến với những tiểu thuyết như "Người đi vắng", "Vào cõi", "Những đứa trẻ chết già", "Trí nhớ suy tàn" - lên nhận giải cho tập thơ "Buổi câu hờ hững". Không nói gì trong buổi giao lưu, Nguyễn Bình Phương chia sẻ với VnExpress: "Sau khi nhận giải thưởng thơ, tôi mới chợt nghĩ ra mình chưa từng có giải thưởng văn chương nào. Tôi cảm thấy một chút xúc động và tự hào khi đoạt giải của Hội nhà văn Hà Nội, vì đây là một giải thưởng được quan tâm, nhờ vào tính khách quan và chính xác. Hội nhà văn Hà Nội tuy là hội nhỏ nhưng phong cách đạo đức xét giải lớn. Và tôi hưởng thành quả của phẩm hạnh đạo đức ấy". Nguyễn Bình Phương cũng không quên cảm ơn Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã hỗ trợ xuất bản tập thơ "Buổi câu hờ hững". Không coi giải thưởng là điều quá quyết định đến công việc sáng tác, Nguyễn Bình Phương cho biết, giải này "giống như một chiếc khăn lau mồ hôi trên mặt", để anh tiếp tục con đường văn chương của mình.
Lên nhận giải còn có con trai nhà thơ Phùng Cung - Phùng Ngô Trường. Anh xúc động trước việc tập thơ "Xem đêm" của bố mình được tái bản và trao giải Thành tựu Thơ 2012 - như một cách đưa Phùng Cung trở lại văn đàn và đến gần độc giả. Việc "Xem đêm" nhận giải Thành tựu Thơ thể hiện sự trân trọng trước giá trị thi ca đích thực và bù đắp thiệt thòi cho tác giả trong nhiều năm qua. Nhà văn Hồ Anh Thái bận công tác nên vắng mặt trong buổi trao giải.
Các hội viên mới được kết nạp của Hội Nhà văn Hà Nội. |
Ngoài phần trao giải thưởng, Hội nhà văn Hà Nội 2012 cũng tổ chức kết nạp 26 hội viên mới. Ở lĩnh vực văn có những gương mặt trẻ như nhà văn Xuân Thủy, Đỗ Minh Thúy, Nguyễn Quỳnh Trang, Linh Lê. Lĩnh lực phê bình kết nạp nhiều hội viên mới có tuổi như Trương Đăng Dung, giáo sư Nguyễn Huệ Chi... xin vào hội với sự tin tưởng và tinh thần tự nguyện. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đùa rằng ông là người trẻ nhất ở hội. Theo giáo sư, việc tham gia một nhóm, hội nào đó xuất phát từ tâm lý "vui đâu chầu đó", nhưng tìm một địa chỉ đặt chân, một mái ấm để giao lưu, chia sẻ, tâm định thì địa chỉ tin cậy mà ông chọn là Hội nhà văn Hà Nội. Nhà văn trẻ Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, chị vào hội vì cảm thấy đây giống như một gia đình ấm cúng. Lễ trao giải và kết nạp hội viên Hội nhà văn Hà Nội 2012 kết thúc trong tinh thần phấn chấn và mong đợi mùa giải năm sau thắng lợi hơn.
Hà An
Ảnh: Thành Duy