Hà An
Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18/7/1928 tại Vĩnh Yên. Năm 1945, ông tham gia cách mạng. Năm 1949, Phùng Cung lên chiến khu Việt Bắc tham gia công tác văn nghệ và đến 1954 về Hà Nội tiếp tục công việc này. Phùng Cung nằm trong số những văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc những năm 1955 - 1957. Ngay sau khi trình làng truyện ngắn "Con ngựa già của Chúa Trịnh" đăng trên báo Nhân văn năm 1956, Phùng Cung bị đình chỉ công tác và năm 1961, ông bị bắt giam không có án suốt 12 năm trời. Năm 1973, Phùng Cung được phóng thích. Ông về quê sinh sống bằng nghề làm đinh và vẫn âm thầm làm thơ. Tập thơ "Xem đêm" của ông được nhà nước cho phép xuất bản vào năm 1995. Phùng Cung qua đời năm 1997.
Chịu cái “án văn chương nghiệt ngã” nhất, nhưng so với những nhân vật khác của Nhân văn Giai phẩm, ông ít được biết đến. Cuộc tọa đàm thơ Phùng Cung được tổ chức nhân dịp Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam phối hợp in lại “Xem đêm”. So với tập thơ cùng tên của Phùng Cung năm 1995, bản in lần này có bổ sung một số bài trong di cảo của ông. Phần Phụ lục, ngoài truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” còn có các bài viết của những người bạn chung thủy cùng thời với ông là Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm và Phùng Quán.
Nhà thơ Hoàng Cầm khi đọc "Xem đêm" bản in lần đầu của Phùng Cung viết: "Nhìn chung ở tập 'Xem đêm', mối quan hệ giữa những người miền quê nghèo được Phùng Cung diễn tả chân thực đến mức không thể bỏ hoặc thay một từ nào. Tương quan của từ với điệu, của ngữ điệu với ý và tứ thơ đã gắn bó chặt chẽ như những tế bào sống và hoạt động trong cùng một thớ thịt".
Bà Thoa (trái), vợ nhà thơ Phùng Cung tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nhã Nam. |
Tập thơ là bức tranh quê mộc mạc, giản dị, với cánh đồng, ruộng lúa, vườn dâu, bến đò, quán chợ, ao bèo, hoa cau, hoa bưởi, là một thế giới động vật nhộn nhịp những trâu, bò, gà, chó, đom đóm, chuồn chuồn, xung quanh những con người thôn quê hiền lành lam lũ. Những hình ảnh quê hương xuất hiện trong nhiều bài thơ: "Đêm về khuya/ Trăng ngả màu hoa lý/ Tiếng gọi đò/ Căng chỉ ngang sông" (Đò khuya); "Chó sủa làng xa/ Sủa hơn xóc ốc/ Sáo diều ai hóc - gió ven sông" (Đêm ven sông); “Nắng hẩy gió lên/ Hoa bầu rụng/ Lèo tèo tóp mỡ/ Pháo đất 'bốp!' bờ ao/ Con cò cói giật mình/ 'Giũ lụa'/ Bóng râm rẽ nắng sang sông” (Nắng gió); "Mưa vừa tạnh/ Rau cỏ quanh vườn/ Dậy mùi - dòng giống/ Dưới bóng cây/ Gà rình mổ hạt - nắng - non" (Tạnh mưa).
Thơ Phùng Cung không chỉ có cảnh làng quê mà còn có những bài thể hiện thân phận, khí phách của ông. Nhà nghiên cứu Phạm Toàn nhận định, "xem đêm" là xem cái bối cảnh đã làm mình phải sống trong đêm, xem những cảnh-ngộ-đêm ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Chính vì thế, thơ Phùng Cung ít cảnh đêm mà thường là những ban-ngày-giữa-đêm. Nhà thơ thường xem đêm trong nắng. "Rất lắm khi xem đêm giữa các màu nắng khác nhau và những sắc độ màu khác nhau, nắng Âu Cơ, nắng bổ cau, nắng ngả tương, mặt trời cốm Đông Đô, hoàng hôn đỏ gạch, hoàng hôn dạt tím, hoa gạo cắm cờ, hoa chuối tiêu lầm lũi, ngay cả khi trời tạnh mưa, cũng vẫn còn ban ngày đây gà rình mổ hạt nắng non", theo nhà nghiên cứu Phạm Toàn.
Trong thơ Phùng Cung, ta thấy hiện lên một khí phách rất rõ. Như trong bài thơ “Lênh đênh”: "Lênh đênh muôn dặm/ nước non/ Dạt vào ao cạn/ Vẫn còn lênh đênh". Phạm Toàn cho rằng, "lênh đênh" không phải là cách than khổ, mà Phùng Cung muốn khẳng định ta vẫn là ta. Người đọc còn thấy được một tinh thần tự do không thể nào ngăn cản. Phùng Cung không đi đòi tự do, mà tự do vốn là phẩm chất của những văn nghệ sĩ như ông.
Bìa tập thơ "Xem đêm" của Phùng Cung. |
Phùng Quán sinh thời mô tả cách làm thơ của Phùng Cung: “Sau mười hai năm cách ly đời thường, Phùng Cung như xa lạ với môi trường văn nghệ. Được trả lại tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ "Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán". Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề đập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, gỉ sắt, mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn".
Thơ Phùng Cung chắt đúc câu từ, cô đọng và mỗi một bài thơ là một con chữ của một lần nhúng tay vào đáy chén trà. Phạm Toàn nhận định: "Mỗi lần chỉ nhớ lấy một chữ coi như là đã quá đủ: Bèo, Lạt, Mẹ, Vạc, Rắn, Ao, Đò, Bạn, Làng, Chiều, Ốm, Em, Gió, và rất nhiều lần Nắng, Nắng, Nắng,… rất nhiều xanh, tím, đỏ, hồng, vàng… và rồi nhà thơ có đi đâu lang thang rất xa, rồi quẩn quanh lại về với con chữ đầu tiên gần như duy nhất mở màn cho cả đoàn quân trong 'Xem đêm', đó là chữ bèo, bèo, bèo".
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng cho rằng Phùng Cung là một trong những nhà thơ Việt Nam đi theo con đường của nghệ thuật tối giản. Thơ Phùng Cung đặc sắc bởi thi tứ, thi ảnh, thi từ, thi điệu, thi pháp đậm đặc chất đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Mặc dù xem đêm, nhưng toàn bộ tập thơ để lại ấn tượng về cái nắng. "Cái nắng rất đa sắc nhưng không phải của màu mà là của văn minh sông Hồng. Cái nắng lấp lánh trong đêm mà Phùng Cung đã dẫn dắt mọi người cùng xem", Nguyễn Thụy Kha viết.
Thơ Phùng Cung, có thể xem là một cuốn từ điển chắt đúc về làng quê. Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, đọc "Xem đêm" là để học về ngôn ngữ (những từ ngữ có thể đã mất đi theo thời gian) và tiếc thương những phong cảnh đã mất. Quên đi những con dấu nghiệt ngã đã đóng lên cuộc đời Phùng Cung, “Xem đêm” là sự tự do của một tâm hồn nghệ sĩ và là một tác phẩm thi ca giá trị.
Tọa đàm thơ Phùng Cung diễn ra tối 28/6, với sự góp mặt của nhà nghiên cứu Phạm Toàn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Thái Kế Toại và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.