Bà xúc động khi nhận cúp vàng từ Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM Trịnh Bích Ngân và đại diện ban tổ chức ở sự kiện sáng 6/1. Tác giả cho biết luôn quan niệm sức sáng tạo không phụ thuộc vào tuổi tác mà chính ở lòng nhiệt thành với nghề viết. "Tôi mong các cây bút trẻ giữ được mãi trái tim thanh xuân", bà Xuân Phượng nói.
Bà Trịnh Bích Ngân - thành viên hội đồng giám khảo - đánh giá tác phẩm có sức lan tỏa tốt, hơn 10.000 bản được phát hành trong hai tháng. Khác hồi ký Gánh gánh gồng gồng (2020) - kể cuộc đời tác giả, sách thuật lại quá trình bà nỗ lực đưa văn hóa Việt ra thế giới, thể hiện tâm huyết với mỹ thuật trong nước. "Chúng tôi thường gọi vui cô là 'người trẻ nhất của Hội nhà văn TP HCM' bởi khả năng sáng tác dồi dào, trở thành tấm gương cho nhiều hậu bối", bà Trịnh Bích Ngân nói.
Sách xoay quanh những ngày đầu ra đời phòng tranh Lotus của bà năm 1991. Bà có những chuyến đi nước ngoài tổ chức triển lãm, bán tranh, giúp các tác phẩm của họa sĩ Việt tạo dấu ấn trên thế giới. Thời gian đầu, bà gặp nhiều khó khăn bởi thập niên 1990, việc tổ chức triển lãm ở các quốc gia khác không dễ dàng. Bà và đội ngũ phải có thư mời, xin visa, lo vận chuyển, thuê mướn, bày biện không gian, quảng bá, lo chỗ ở cho cả đoàn. Trong sách, bà kể bị người xấu lừa ba lần với mánh khóe không ngờ tới.
Có lần, phòng trưng bày và xưởng sản xuất bị thiêu rụi, bà gần như trắng tay. Không nản chí, tác giả bán nữ trang, đi vay mượn bạn bè để gây dựng lại. Bà viết về chuỗi ngày nhọc nhằn bằng văn phong nhẹ nhàng, hài hước, xen lẫn hình ảnh minh họa cho những lần ra nước ngoài. Bà còn tìm kiếm tài năng họa sĩ chưa thành danh, khuyến khích, hỗ trợ họ trên con đường làm nghề. Với bà, cụm từ "khắc đi khắc đến" nghĩa là một khi đã quyết định làm điều gì đó, người ta sẽ kiên trì đến cùng.
Bà Xuân Phượng sinh năm 1929, theo kháng chiến chống Pháp từ năm 16 tuổi. Ngoài viết văn, bà từng thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự tại chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc và là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975. Những bộ phim bà thực hiện gồm: Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978). Khi về hưu năm 1989, bà trở thành nhà sưu tập tranh, chủ gallery Lotus ở TP HCM.
Sách Gánh gánh gồng gồng (2020) của bà phát hành hơn 25.000 bản, từng đoạt giải Văn học TP HCM năm 2021. Bà cũng từng xuất bản hồi ký Áo dài (viết chung nhà báo Danièle Mazingaber, xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 2001).
Tại sự kiện, một số hạng mục của Mai Vàng được công bố sớm, trước thềm lễ trao giải. MV Giá như (Soobin Hoàng Sơn) đoạt giải Video ca nhạc của năm. Vở diễn sân khấu thuộc về tác phẩm Lạc lối ở Bangkok của Nhà hát Thanh Niên (đạo diễn Hồng Ngọc). Phim Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn), 7 năm chưa cưới sẽ chia tay (đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh) lần lượt thắng ở thể loại điện ảnh, truyền hình. Nghệ sĩ Trà Giang được trao danh hiệu Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng với nhiều đóng góp thiện nguyện.
Mai Vàng là một giải thưởng thường niên tôn vinh những văn nghệ sĩ đóng góp tích cực cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nước, do báo Người lao động tổ chức từ năm 1995 đến nay. Giải bao gồm nhiều lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, truyền hình, sân khấu. Các nghệ sĩ đoạt Mai Vàng nhiều nhất gồm Hoài Linh (11 lần), Trường Giang (tám lần), Thành Lộc (tám lần), Đàm Vĩnh Hưng (sáu lần). Lễ trao giải năm nay dự kiến diễn ra ngày 8/1 tại Nhà hát TP HCM (quận 1).
Mai Nhật