Đầu tháng 12/2015, diễn viên Thương Tín ra mắt hồi ký Một đời giông bão tại hội trường Cung Văn hóa Lao động, TP HCM. Gần 10 năm trước, cũng tại nơi này, diễn viên Lê Vân giới thiệu tự truyện Lê Vân yêu và sống.
Đây là hai cuốn sách về đời tư nghệ sĩ gây xôn xao dư luận trong khoảng 10 năm qua tại Việt Nam. Thương Tín và Lê Vân đã chọn thể loại tự truyện - hồi ký để chia sẻ những điều họ khẳng định là sự thật trong cuộc đời mình.
Trước đó, rất nhiều cuốn sách cùng thể loại được độc giả đón nhận tích cực như: Hồi ký của Giáo sư Trần Văn Khê, Hồi ký Sơn Nam, Tự truyện Khánh Ly, Tự truyện Thành Lộc... hoặc sách của những gương mặt thuộc thế hệ sau, các nhân vật trong giới showbiz như: tự truyện Hương Giang Idol - Tôi vẽ chân dung tôi, Tự truyện Wanbi Tuấn Anh - Bắt đầu từ một kết thúc, Trần Lập bên kia bức tường... Còn sách của Thương Tín và Lê Vân lại gây chia rẽ dư luận, trong đó có những chỉ trích nặng nề. Bởi, ở ấn phẩm của mình, Thương Tín đề cập nhiều đến chuyện tình ái, về những người đàn bà xung quanh anh. Tự truyện Lê Vân khiến không ít người thất vọng vì cho rằng chị "vạch áo cho người xem lưng", kể nhiều điều không hay về gia đình.
Khi bàn về hai cuốn sách này nhiều người thường đặt vấn đề: liệu có một giới hạn nào đó cho chuyện tiết lộ sự thật đời tư, nhất là khi sự thật ấy liên quan đến nhiều người.
Hồi ký và tự truyện là thể loại xuất hiện ở châu Âu khá sớm. Nhìn lại khái niệm về chúng, có thể thấy, hồi ký (memoir) là một thể loại văn học, một dạng đặc biệt của tự truyện (autobiography). Một cuốn tự truyện thường tập trung vào biên niên ký toàn bộ cuộc đời của người viết. Còn hồi ký tập trung vào một khía cạnh hoặc giai đoạn đặc biệt trong đời nhân vật. Cả hai đều được viết bằng ngôi thứ nhất. Điều này khác biography (tiểu sử) thường do người khác viết về cuộc đời một nhân vật nào đó, dùng ngôi thứ ba.
Trong bối cảnh ở Việt Nam, việc sử dụng thuật ngữ hồi ký và tự truyện chưa có sự phân biệt rõ ràng. Sự thật là đặc tính quan trọng nhất của hồi ký. Tuy nhiên, chọn sự thật nào để kể là do nhận thức và mục đích của người viết. Một tác giả trong làng viết cho rằng, có sự đón nhận trái ngược từ độc giả về các cuốn hồi ký, tự truyện là vì nhiều người đọc sách ở tâm thế muốn đến với những câu chuyện có thể chấp nhận được. Do đó, nhiều nghệ sĩ khi quyết định kể chuyện đời tư thường chọn các chi tiết tập trung vào khía cạnh dễ được số đông ủng hộ. Ngoài ra, hầu hết sách thuộc dòng này trong nước đều được cân nhắc, tránh hoặc giảm chi tiết gây sốc về những nhân vật liên quan.
Ngược lại, sách của Thương Tín và Lê Vân đề cập đến nhiều nhân vật đương thời theo hướng khai thác sự thật trần trụi. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - người dành khá nhiều thời gian và sự hứng thú để tìm hiểu về thể loại hồi ký, tự truyện - nhận xét tự truyện có ưu điểm là mở cánh cửa tiếp nhận mới cho độc giả. Còn hạn chế là nghệ thuật triển khai nội dung. "Hồi ký không có giới hạn tiết lộ sự thật, mà hồi ký đòi hỏi năng lực phô diễn sự thật. Người chấp bút những cuốn hồi ký trong nước chỉ mới làm một việc là kể lại lời nhân vật mà chưa xử lý được yếu tố đặc trưng của thể loại", Lê Thiếu Nhơn nói.
Nhà thơ nêu ví dụ trong sách của Thương Tín có chỗ tên nhân vật viết tắt, lại có chỗ viết thẳng ra. Như thế cho thấy sự không nhất quán. Ở đây, người chấp bút cũng chưa chắc tay trong việc sử dụng kỹ thuật "làm mờ nhòe" các yếu tố về người liên quan xoay quanh nhân vật chính để tránh làm tổn thương đến họ. Trong khi hồi ký hoàn toàn cho phép người viết sử dụng kỹ thuật này.
"Tôi đọc Hồi ký Lý Quang Diệu, hoặc Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư, Hồi ký Nguyễn Hiến Lê... đều thấy các tác giả xử lý khéo léo khi đề cập về người liên quan đến đời mình. Thể loại hồi ký khi viết khéo léo sẽ giúp nâng tầm nhân vật, tránh đi vào các chi tiết tủn mủn, vụn vặt. Với cuốn hồi ký Thương Tín, tôi cho rằng tên sách Một đời giông bão mang một tầm bao quát nhưng nội dung triển khai chưa tới", Lê Thiếu Nhơn nhận định.
Theo thông lệ, nếu muốn xuất bản một cuốn hồi ký dạng tell-all (kể toàn bộ), người kể có thể thay tên, thay đổi địa điểm, thay đổi tất cả những dấu hiệu nhận diện người liên quan, trong khi chỉ giữ sự thật về nội dung câu chuyện. Những điều này sẽ giúp những người liên quan tránh bị nhận diện và cũng giúp người viết giảm thiểu nguy cơ phải đối diện pháp luật.
Có những sự thật của người kể liên quan đến nhiều người trong cuộc, làm dấy lên nhiều nguồn dư luận trái chiều. Có người tôn trọng bản chất nghệ sĩ của chủ nhân cuốn sách. Nhưng có người lại cho rằng không phải sự thật nào cũng nên được viết ra, nhất là khi những sự thật ấy có thể làm ảnh hưởng đến người khác, gây tổn thương cho họ. Những người có mặt trong hồi ký nếu thấy thông tin sai hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống của mình có thể lựa chọn phản ứng, yêu cầu gỡ bỏ thậm chí đưa ra pháp luật.
Chính vì những rắc rối và hệ lụy có thể xảy ra từ một cuốn hồi ký, nhiều nghệ sĩ trong nước, sau khi tuyên bố viết sách kể chuyện đời mình đã im hơi lặng tiếng để tránh khơi lại quá khứ. Cũng có nghệ sĩ như danh ca Ái Vân, từng bắt tay thực hiện hồi ký, nhưng khi câu chuyện chạm đến mối quan hệ với nhiều người, chị đã hủy ý định này. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chia sẻ với VnExpress ông không bao giờ viết hồi ký vì ông nhận xét: "Đọc hồi ký có cái lạ là cuốn nào cũng nói về cái hay hết mà mình thì chưa chắc cái nào cũng hay".
Trên thế giới, nhiều người nổi tiếng đã phát hành những cuốn hồi ký gây sốc kể về đời tư, liên quan đến nhiều người khác.
Trong cuốn hồi ký No Lifeguard on Duty, người mẫu Janice Dickinson nói về mọi thứ, từ cuộc chiến chống chứng rối loạn ăn uống tới nghiện ma túy và mối quan hệ của bà với nam diễn viên Sylvester Stallone và chuyện phòng the với các người tình.
Năm 2013, nữ diễn viên Shirley Jones gây chú ý với tiểu sử của mình. Trong đó, cô khiến cho Joan Collins giận dữ bởi chi tiết chồng của Joan - Anthony Newley - đã mời vợ chồng Shirley cùng khỏa thân và xem phim cấp ba sau một bữa tiệc tối. Joan Collins gửi một lá thư cảnh cáo đó không phải sự thật, yêu cầu nhà xuất bản Simon & Schuster đính chính và bỏ tên của bà khỏi bản ebook của hồi ký cũng như những lần tái bản. Shirley và nhà xuất bản Simon & Schuster đã phải đồng ý thực hiện theo yêu cầu này.
Năm 2009, nữ diễn viên Mackenzie Phillips phát hành cuốn hồi ký High On Arrival trong đó tái hiện quãng thời gian nghiện ngập và gặp nhiều rắc rối của mình. Mackenzie Phillips khiến cả thế giới sửng sốt với thông tin cô và bố ruột - ca sĩ John Phillips - quan hệ tình dục trong suốt 10 năm. Mackenzie cũng tiết lộ hai bố con đã hút chích ma túy cùng nhau. Khi hồi ký phát hành năm 2009, bố cô - John Phillips - đã qua đời được tám năm nên không có cơ hội kiểm chứng hay lên tiếng. Tuy nhiên, Mackenzie nói cô bị bố lạm dụng lần đầu tiên năm 17, 18 tuổi nên hoàn toàn có thể nhớ chính xác. Vợ hai của John Philipps - Michelle Phillips - chia sẻ với CNN rằng dù chuyện đó có thật hay không, cuốn hồi ký khiến cả gia đình họ tổn thương sâu sắc.
Việc kiện khi bị đưa tên vào hồi ký là hãn hữu, tuy nhiên không phải không có. Susanna Kaysen bị bạn trai cũ - Joseph Bonome - kiện vì cuốn sách The Camera My Mother Gave Me năm 2001. Sách cáo buộc một bạn trai không nêu tên đã có hành vi tình dục mà cô cho là cưỡng bức mình trong thời gian bị bệnh. Dù không được chỉ mặt đặt tên trong sách, Bonome cho rằng nhiều bạn bè và đối tác kinh doanh đều nhận ra đó là anh. Anh kiện vì bị xâm phạm quyền riêng tư.
Thoại Hà - Hoàng Anh