Thất Sơn -
- Tại sao ông đặt tên cuốn sách mới nhất của mình là "Nhà văn về làng"?
- Ban đầu tôi định đặt tên là Dòng sông trôi, vẫn trôi, nhưng có người góp ý nghe sao giống thơ quá. Mà thơ bây giờ thì rất khó bán nên tôi đặt lại cái tựa khác vậy thôi.
- Trong "Nhà văn về làng", ông gợi lại nhiều ký ức về những gương mặt bạn bè như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, đạo diễn Hồng Sến, nhà thơ Thu Bồn, Lê Giang... Nhưng có nhiều kỷ niệm với những người quen biết khác vẫn chưa thấy ông nhắc đến, vì sao vậy?
- Tôi sẽ còn viết tiếp nhiều cuốn sách như thế này nữa, viết về những người hay đi chơi với tôi, về những người tôi từng có kỷ niệm. Viết để nhớ chứ không phải để so sánh ông này ông kia.
Đúng là trong cuốn sách mới ra mắt, tôi còn thiếu kỷ niệm với nhiều người. Ví dụ như với Bùi Giáng. Tôi khẳng định, không có thơ Bùi Giáng thì giống như một ngày mà không có buổi hoàng hôn. Hồi ấy, lúc còn là Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật, có lần tôi đến nhà Trịnh Công Sơn. Sau đó, gặp tôi ngoài đường Bùi Giáng đạp xích lô chạy theo tôi gọi tôi là "vua" và "có tiền cho xin một mớ".
Tôi cũng có kỷ niệm với Đoàn Giỏi, vì tôi và ông ấy từng có thời gian ở chung trong nhà tập thể tại Hà Nội. Tôi nhớ có lần ông ấy đã ký hợp đồng viết Đất rừng Phương Nam nhưng đến ngày giao nộp bản thảo mà ông ấy làm vẫn chưa xong, nên ông ấy treo một cái bảng. Cái bảng làm tôi sợ hết hồn: "Một là hoàn thành. Hai là tự sát". Mà có cái lạ là Đoàn Giỏi mỗi khi bắt tay vào viết đều thắp nhang
- Trong cuộc đời viết văn của ông, từng có lời nhận xét nào về tác phẩm của ông khiến ông nhớ mãi?
- Có lần tôi đưa tiểu thuyết Đất lửa cho nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa. Văn Cao đọc xong nhận xét: "Cậu viết hiền quá!".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ảnh: Anh Vân. |
- Trong nhiều tác phẩm của mình, ông thích cuốn sách nào nhất?
- Là tiểu thuyết Đất lửa. Đó là cuốn sách tâm huyết của cả đời tôi. Trong đó, tôi gửi gắm tâm sự vào nhiều nhân vật, mang tâm hồn của lứa tuổi hai mươi. Tôi có chuyện vui là hiện giờ, có một người ở Phú Yên đang làm luận văn, hình như là luận văn thạc sĩ, về cuốn Đất lửa của tôi và anh ta đánh giá tiểu thuyết này rất cao.
Đời viết văn của tôi cũng vui. Có những thứ viết ra mà mình không thích lắm thì được nhiều người hoan hô. Còn cái mình rất thích thì ít người biết đến. Cũng như truyện tôi thích vừa vừa là Chiếc lược ngà, tôi thấy đâu bằng những truyện ngắn khác nhưng được mọi người rất thích.
- Khi nhắc về làng quê của ông, ông nhớ nhất những điều gì?
- Quê tôi ở xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hồi nhỏ nhà suy sụp, tôi từng đi bán thuốc lá dạo, nên bây giờ vô quán nào thấy con nít bán thuốc lá tôi thương lắm, nhớ lại tuổi thơ của mình nên mua ủng hộ tụi nó cả chục cây thuốc.
Lại có chuyện vui là hồi đó trường làng có phong trào bắt học sinh nộp đuôi chuột để thày chấm điểm. Tôi sợ chuột lắm nên làm sao có được đuôi chuột. Một cô bạn tên Chi tặng đuôi chuột cho tôi. Giờ cô bạn đã là cô giáo Chi, mỗi lần tôi về quê, bạn bè đều nhắc đến mà cười và nhớ lại một thời dễ thương.
Ngày trước, cha tôi cũng không biết tôi viết văn. Khi nghe tin trên đài trên báo tôi có tác phẩm, một người cô của tôi chèo xuồng qua biết bao nhiêu đồn bót trên kinh rạch để báo tin mừng cho cha tôi biết.
- Trong đêm nhận giải Cánh diều vàng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con trai ông từng nói chưa bao giờ được đến 5 điểm môn Văn thời đi học, ông nghĩ gì về điều này?
- (cười) Nó giống tôi thôi. Tôi chưa bao giờ học giỏi môn Văn. Tôi nhớ có lần, hình như là lúc Quang Dũng học lớp 5 là lần duy nhất nó được 19 điểm môn Văn (thang điểm 20) với đề bài: "Cảm nhận của em về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng". Thế là chàng "trúng tủ" rồi.
Dũng không giỏi văn nhưng nó thông minh và được cái tính là rất thích đọc sách, chịu khó đọc sách.
- Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể qua điện ảnh, nhưng đến nay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chỉ chuyển thể một tác phẩm là "Con gà trống" thành phim. Ông nghĩ trong tương lai con trai mình sẽ tìm nguồn cảm hứng trong tác phẩm nào của ông?
- Điều đó còn tùy vào nó thôi, tôi không biết trước được. Lúc nó làm phim Con gà trống tôi nghĩ nó đã cảm nhận rõ về những gì tôi viết. Con gà trống là câu chuyện về sự thất thường trong chiến tranh, như cô văn công có thể hát mà không được quyền yêu, còn con gà trống có thể đạp mái mà không được quyền gáy.
Hình ảnh này khó thể hiện qua điện ảnh. Khi con tôi đi quay tôi cũng đi theo xem. Thấy mấy cô diễn viên đóng vai giao liên mà chuẩn bị ủi quần áo, quấn khăn rằn tôi nói bỏ hết
Tôi tha thiết làm phim về đề tài chiến tranh lắm. Trong chiến tranh có nhiều chuyện rất lạ. Như ngày trước, khi lính ngoài Bắc vào Nam còn chưa biết chữ "lội" cũng là chữ "bơi". Khi chỉ huy nói lội qua một con sông thì cứ tưởng là đi bộ qua thành ra có người chết đuối. Rồi chuyện cả một cánh quân mất 4 tiếng đồng hồ mới đi qua được cây cầu khỉ. Hay dù đã có trinh sát rất kỹ và đội quân tưởng là đi trong yên lặng sẽ trót lọt mà quên mất là trên cánh đồng rộng có cả hàng nghìn con vịt đang ngủ, nghe tiếng người nó rộ lên. Thế là địch nhả pháo xuống.
Nhiều chuyện hay nhưng đạo diễn trẻ bây giờ sợ làm phim về chiến tranh vì thiếu vốn đầu tư. Nên có chuyện nhiều phim chiến tranh bây giờ xem xong thấy bối cảnh và con người được xây dựng trật lất.
- Ông có một cuộc đời và những trải nghiệm hết sức phong phú, sao chưa bao giờ nghe nói ông sẽ viết hồi ký?
- Tôi sẽ không bao giờ viết hồi ký. Tôi chỉ thích đọc hồi ký của người khác. Mà đọc hồi ký có cái lạ là cuốn nào cũng nói về cái hay hết mà mình thì chưa chắc cái nào cũng hay.
Hồi ký đời tôi đã nằm lẫn trong các tác phẩm của tôi. Tôi là người biết cái gì thì viết cái đó, chứ tôi nghĩ mình không đủ tư cách và không đủ trình độ để viết một cuốn sách về toàn bộ cuộc đời mình đâu.
Thất Sơn ghi