Mang logo đỏ trắng quen thuộc, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc giống như mọi tổ chức từ thiện khác khi luôn có mặt trong các thảm họa, cử nhân viên y tế hỗ trợ và gây quỹ khắp thế giới với tư cách là một tổ chức độc lập và trung lập về chính trị.
Nhưng Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc có một điểm khác biệt rất lớn, được xây dựng, cấp ngân sách và chịu sự lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã biến nó thành cánh tay đắc lực của nhà nước và đôi khi đặt lợi ích trong việc duy trì kiểm soát xã hội lên trên mục tiêu cứu giúp người của tổ chức này.
Đối với Bắc Kinh, Hội Chữ thập đỏ, với 90.000 chi hội trên cả nước, là phương tiện tin cậy để giải quyết những thách thức khó khăn nhất về sức khỏe cộng đồng. Chủ tịch Tập Cận Bình coi sự tín nhiệm của Hội Chữ thập đỏ là điều vô cùng quan trọng.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Hội Chữ thập đỏ tăng cường hoạt động ở nước ngoài nhằm xây dựng hình ảnh đẹp cho Trung Quốc trong mắt bạn bè quốc tế. Tổ chức này đóng vai trò lớn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của ông, mang đến một cách tiếp cận nhân đạo cho chương trình xây dựng mối quan hệ về kinh tế và địa chính trị ở châu Á, châu Âu và châu Phi.
Khi thảm họa tự nhiên xảy ra, chính phủ Trung Quốc thường cho phép Hội Chữ thập đỏ "độc quyền" tiếp nhận các khoản quyên góp. Điều này cho phép Bắc Kinh quyết định cách chi số tiền từ thiện và đảm bảo duy trì hình ảnh tốt đẹp về chính phủ.
Nhưng nó phơi bày nhiều vấn đề, như Hội Chữ thập đỏ được giám sát bởi những quan chức có ít kinh nghiệm về lĩnh vực này, hay chính quyền trung ương có thể trì hoãn việc ra quyết định.
Trong đại dịch ở Vũ Hán, các vấn đề này đã nhanh chóng đạt tới đỉnh điểm. Tại Vũ Hán, Hội Chữ thập đỏ bị kiểm soát bởi giới chức thành phố, những người đưa ra quyết định cách thức phân phối vật tư y tế một cách chậm chạp.
Khi Covid-19 càn quét Vũ Hán, hàng chục triệu đôla đã được quyên góp cho thành phố này và phần lớn được chuyển đến Hội Chữ thập đỏ, một trong 5 tổ chức từ thiện của nhà nước được phép nhận các khoản quyên góp để đối phó với dịch. Tổ chức này không có mạng lưới hậu cần để phân phát đồ cứu trợ nhưng không muốn để các tổ chức khác hỗ trợ.
Lệnh phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23/1 càng làm trầm trọng thêm vấn đề này khi Hội Chữ thập đỏ phải chật vật tìm kiếm phương tiện vận chuyển. Chính quyền địa phương kiểm soát cách thức phân phối hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đến các bệnh viện, nhưng nhanh chóng vấp phải chỉ trích vì cách làm việc lề mề.
Một ngày lạnh lẽo đầu tháng 2, một số nhân viên y tế sốt ruột chờ bên ngoài một trung tâm triển lãm ở Vũ Hán để lấy vật tư y tế được quyên tặng. Trung tâm này để đầy các thùng khẩu trang, áo choàng và nhiều thiết bị bảo hộ khác.
Trường Lạc, bác sĩ ở Bệnh viện Hán Khẩu, Vũ Hán, cho biết anh tới trung tâm để nhận 10.000 chiếc khẩu trang N95 được quyên tặng cho bệnh viện của anh. Nhưng khi tới nơi, số khẩu trang này đã được chuyển cho nơi khác và Hội Chữ thập đỏ đưa một lô khẩu trang khác không đạt tiêu chuẩn thay thế.
"Tôi muốn hỏi Hội Chữ thập đỏ rằng: Khẩu trang được quyên tặng cho chúng tôi tại sao lại có thể tự ý chuyển cho nơi khác?", Trường Lạc nói trong một bài đăng Weibo sau đó.
Anh thêm rằng nhận đồ quyên tặng trực tiếp từ cá nhân, tổ chức tư nhân là cách nhanh và hiệu quả nhất, bởi nó không bị cản trở bởi hệ thống quan liêu.
Nhiều nhà hoạt động phẫn nộ khi phát hiện khoảng 36.000 khẩu trang quyên tặng đã được Hội Chữ thập đỏ Hồ Bắc gửi tới hai bệnh viện tư nhân không điều trị bệnh nhân Covid-19. Một video khác được chia sẻ trên mạng cho thấy một nhân viên tại nhà kho của Hội Chữ thập đỏ ở Vũ Hán đã chuyển lô khẩu trang 3M lên xe của quan chức chính phủ. Sự phẫn nộ của công chúng càng nổi lên khi ngày 30/1, Hội Chữ thập đỏ tuyên bố chỉ chi 7,6 triệu USD trong tổng số 56 triệu USD tiền quyên góp.
Hội Chữ thập đỏ đã quá tải. Cứ ba phút lại có một cuộc gọi đến, theo truyền thông địa phương. Các nhân viên tình nguyện phải chia ca trực suốt ngày đêm để trả lời điện thoại. Một tình nguyện viên cho biết đã phải ghi chép các khoản quyên góp bằng giấy bút, thay vì máy tính. Hai nhân viên tình nguyện cho biết một số người đã bị đuổi khỏi nhóm chat của Hội Chữ thập đỏ sau khi đề xuất cải thiện quy trình làm việc.
Cuối tháng 1, Hội Chữ thập đỏ Hồ Bắc xin lỗi vì những sai sót trong việc quản lý các khoản quyên góp. Tổ chức từ thiện này cho hay các nhà từ thiện có thể chuyển đồ quyên tặng trực tiếp cho bệnh viện. Hội Chữ thập đỏ Hồ Bắc sau đó cũng công bố những báo cáo chi tiết hàng ngày về việc sử dụng các khoản quyên góp. Ít nhất ba quan chức của tổ chức này đã bị kỷ luật.
Cho tới cuối tháng 4, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã nhận được hơn 300 triệu USD tiền quyên góp và các vật tư y tế để chống Covid-19.
"Covid-19 thậm chí còn phơi bày nhiều thiếu sót của Hội Chữ thập đỏ hơn. Tổ chức này không thể tự quyết định", Cổ Tây Tân, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Công ích Từ thiện, Đại học Thanh Hoa, cho hay.
Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc không bình luận về vấn đề này, trong khi Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế lên tiếng bảo vệ hành động của tổ chức này ở Vũ Hán.
"Các đội Chữ thập đỏ đã làm việc suốt ngày đêm để cung cấp nhân lực và viện trợ nhân đạo thiết yếu cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất", tuyên bố của liên đoàn nêu rõ.
Khi làn sóng chỉ trích tiếp tục dâng cao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Hội Chữ thập đỏ cần rõ ràng hơn. "Các tổ chức từ thiện và Hội Chữ thập đỏ phải hoạt động hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, chủ động chấp nhận sự giám sát, để thể hiện đầy đủ tinh thần làm việc thiện", ông Tập nói hồi tháng 2.
Những hoạt động yếu kém của Hội Chữ thập đỏ trong cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán đã khiến nhiều người nhớ lại những chỉ trích về tổ chức này hơn 10 năm trước. Hội Chữ thập đỏ từng bị lên án rộng khắp về "chuyển nhầm địa chỉ" hơn 11 triệu USD mà nhóm nghệ sĩ Trung Quốc quyên tặng để xây dựng trường nghệ thuật và hỗ trợ tái thiết sau trận động đất khủng khiếp ở Tứ Xuyên năm 2008. Ngôi trường mà họ mong muốn đã không bao giờ được xây dựng.
Hội Chữ thập đỏ đã xin lỗi sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích của dư luận, nhưng kiên quyết cho rằng đó chỉ là do việc truyền đạt giữa các bộ phận gặp vấn đề, chứ không chiếm dụng khoản tiền quyên góp.
Dư luận lại một lần nữa sôi sục vào năm 2011, khi Quách Mỹ Mỹ, người tuyên bố làm việc ở Hội Chữ thập đỏ, tung lên mạng các bức ảnh chụp với siêu xe hoặc túi xách hàng hiệu. Nhiều người cho rằng quỹ của Hội Chữ thập đỏ đã bị chiếm dụng để phục vụ lối sống xa hoa của người phụ nữ này.
Quách sau đó cho hay cô không có bất kỳ mối quan hệ nào với Hội Chữ thập đỏ. Nhưng sự việc đã phơi bày một số nhóm liên kết với tổ chức này đang theo đuổi các dự án vì lợi nhuận. Hội Chữ thập đỏ sau đó tuyên bố giải tán các nhóm liên kết tương tự.
Các khoản quyên góp đã giảm khoảng 60% sau đó và nhà chức trách phải cử một bí thư đảng mới phụ trách Hội Chữ thập đỏ để thanh lọc bộ máy. Sau vụ bê bối, tổ chức này thường bị gọi là "Hội Chữ thập đen".
Nhưng chỉ trong ba năm sau, bí thư đảng ủy Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc Triệu Bạch Cáp lại phải từ chức vì một vụ bê bối khác. Hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh đã cho các công ty tư nhân thuê nhà kho do chính phủ tài trợ, nơi vốn được dùng để chứa các đồ cứu trợ khẩn cấp. Bà Triệu cho hay đây là hành động cần thiết để trả lương cho nhân viên của Hội Chữ thập đỏ.
Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc được thành lập năm 1904 để cung cấp viện trợ cho hàng nghìn dân thường Trung Quốc bị bắt khi cuộc chiến tranh Nga - Nhật nổ ra ở vùng Mãn Châu.
Những năm gần đây, đảng Cộng sản Trung Quốc mở thêm nhiều chi nhánh của tổ chức từ thiện này trên khắp cả nước. Nó thúc đẩy các nhân viên chính phủ và người làm trong các doanh nghiệp nhà nước trở thành tình nguyện viên và quyên góp cho tổ chức.
Chính quyền Bắc Kinh cam kết sẽ đẩy mạnh giám sát Hội Chữ thập đỏ. Năm 2017, chính phủ đã ra những quy định mới, yêu cầu tổ chức này phải công khai báo cáo thường niên và các chi hội phải thông báo chi tiết về việc sử dụng các khoản quyên góp.
Năm 2018, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc Lương Huệ Linh đưa ra kế hoạch cải tổ để tổ chức này trở giảm bớt quan liêu và minh bạch hơn.
Khi Trung Quốc tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài, Hội Chữ thập đỏ luôn song hành. Tại Pakistan, khi Trung Quốc xây dựng mạng lưới đường bộ, đường sắt dài gần 3.000 km, Hội Chữ thập đỏ đã huy động xe cứu thương và nhân viên y tế hỗ trợ. Tại Afghanistan, tổ chức này giúp điều trị cho trẻ em mắc bệnh tim. Tại Sri Lanka, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc quyên góp cho nạn nhân lũ lụt.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sử dụng viện trợ nhân đạo để thúc đẩy lợi ích chính trị. Nhưng Trung Quốc đã sử dụng Hội Chữ thập đỏ để theo đuổi những dự án chính trị quốc tế tham vọng nhất, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá một nghìn tỷ USD được xem là trọng tâm trong tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ba năm trước, Hội Chữ thập đỏ đã thành lập Quỹ Huynh đệ Con đường Tơ lụa, nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho các quốc gia từ Đông Á tới châu Âu. Hiện giờ, Trung Quốc đang theo đuổi một kịch bản tương tự trong chính sách ngoại giao thời Covid-19. Hình ảnh về Hội Chữ thập đỏ trở nên quan trọng đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm dập tắt sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã đưa bác sĩ, khẩu trang và thuốc men tới Iraq, trong khi chuyển lô hàng bộ xét nghiệm và mũ trùm y tế trị giá hơn 600.000 USD tới Pakistan. Họ thảo luận để xây dựng trung tâm xét nghiệm nCov ở Bagdah, giúp trẻ em Pakistan đeo khẩu trang.
Ngày 15/3, tổ chức từ thiện này đã gửi chuyên gia và thiết bị y tế tới vùng Lombardy, Italy. Số hàng quyên tặng này được Hội Chữ thập đỏ Italy tiếp nhận và phân phối.
"Khi tôi nhận được tin vào đêm hôm đó rằng 40 thiết bị trợ thở sẽ được Hội Chữ thập đỏ gửi tới, tôi gần như bật khóc. Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi đã có thể mang hy vọng tới cho 40 cư dân Lombardy", Giulio Gallera, quan chức y tế hàng đầu khu vực chia sẻ.
"Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc là một cơ quan hoàn hảo đóng vai trò hàng đầu trong 'chính sách ngoại giao thời Covid-19' của Trung Quốc", Carl Thayer, giáo sư về chính trị tại Đại học New South Wales, Australia, nhận định.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)