Người dân vẫn được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt cách ly và các biện pháp cách biệt cộng đồng. Dù chính quyền thành phố kêu gọi doanh nghiệp và các tổ chức khác nối lại hoạt động bình thường nhanh nhất có thể nhằm ngăn chặn đà lao dốc của nền kinh tế, những biện pháp kiểm dịch chặt chẽ khiến mục tiêu này trở nên vô cùng khó khăn.
Nhiều địa điểm công cộng như viện bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, rạp hát vẫn đóng cửa. Hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại đã hoạt động trở lại nhưng để vào bên trong, khách hàng phải kiểm tra thân nhiệt. Tương tự, nhà hàng và quán cà phê phải sắp xếp lại bàn ghế nhằm đảm bảo họ không tiếp quá nhiều khách cùng lúc.
Đến ngày 18/4, Bắc Kinh vẫn xác định Triều Dương, quận có diện tích 470 km2 và dân số 3,6 triệu người, là "vùng nguy cơ cao" Covid-19 duy nhất ở thủ đô, chủ yếu vì các trường hợp nhiễm nCoV "nhập ngoại".
Ngoài Sân bay Quốc tế Thủ đô, Triều Dương còn là nơi đặt những tòa nhà văn phòng đắt giá nhất Trung Quốc, đại sứ quán và một số trung tâm mua sắm nổi tiếng.
Chen Xi, một nhân viên ngân hàng đầu tư ở Triều Dương, chia sẻ anh bất ngờ trước mức độ nghiêm ngặt của các quy định phong tỏa ở Bắc Kinh sau khi trở về từ chuyến công tác tỉnh An Huy hồi đầu tháng.
Chuyến công tác này liên quan tới cơ hội niêm yết một công ty triệu đô trên thị trường chứng khoán nên rất đáng đi, nhưng Chen cho biết anh đã phải trả cái giá quá cao.
"Hành trình tới An Huy khá êm đẹp nhưng lúc trở về, tôi bị sốc bởi những biện pháp giám sát nghiêm ngặt đến mức khó tin trong thời gian tôi cách ly 14 ngày bắt buộc", anh nói.
Vì sống một mình, Chen được tự cách ly tại căn hộ riêng. Tuy nhiên, ủy ban giám sát khu phố đã lắp một hệ thống video an ninh tại nhà anh. Chúng sẽ báo động nếu phát hiện bất kỳ ai muốn vào hoặc rời khỏi căn hộ.
"Tôi bị theo dõi rất chặt, tôi có cảm giác mình giống như tù nhân vậy", anh nói. "Tôi biết kiểm soát dịch bệnh quan trọng nhưng việc sử dụng các biện pháp như vậy dường như đã đi quá xa".
Ngoài các biện pháp cách ly áp dụng với người dân, Trung Quốc còn cấm phần lớn các chuyến bay quốc tế nhằm ngăn đợt sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát, đồng thời cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh, bao gồm cả người có thị thực và giấy phép cư trú.
Các biện pháp kiểm soát dường như đã phát huy tác dụng khi số ca nhiễm mới của Trung Quốc những tuần gần đây liên tục giảm. Hôm nay, Trung Quốc chỉ báo cáo 10 ca nhiễm mới, trong đó có 6 ca "nhập ngoại", nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 82.798 và không ghi nhận ca tử vong nào.
Ngày 3/4, trước thông tin về việc xuất hiện ca lây nhiễm tại các đại sứ quán nước ngoài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khuyến cáo tất cả phái đoàn ngoại giao ở Bắc Kinh ngừng luân chuyển nhân sự tới ngày 15/5, đồng thời yêu cầu những nhà ngoại giao đang ở bên ngoài thành phố không quay trở lại trước thời điểm trên.
"Nếu cuộc sống bình thường trước kia đạt 10 điểm thì nay chỉ 6 điểm là cao nhất", một nhà ngoại giao nước ngoài giấu tên ở Bắc Kinh nói. "Những ngày này, bạn gần như không thể di chuyển, gặp mặt người khác hay trò chuyện trực tiếp quá lâu. Tôi đến văn phòng mỗi ngày nhưng chẳng được làm gì nhiều. Tôi thấy buồn chán, mệt mỏi và vô dụng".