Theo thông báo tối 6/8, Học viện Tài chính có năm ngành lấy điểm sàn 24 gồm: Hải quan & Logistics, Phân tích tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Kiểm toán. Các ngành này đều thuộc chương trình chất lượng cao, tiếng Anh chưa nhân hệ số hai. 10 ngành còn lại lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 20 điểm.
Vào tháng 3 khi công bố phương án tuyển sinh, Học viện Tài chính dự kiến lấy 18 làm điểm sàn với chương trình chuẩn, 19 với chương trình chất lượng cao, lần lượt thấp hơn 2-5 điểm so với mức mới thông báo.
Điểm sàn năm nay giữ nguyên so với năm 2020 và cao hơn 3-6 điểm so với năm 2019. Điểm sàn là tổng điểm ba môn thi trong tổ hợp đăng ký xét tuyển, đã bao gồm điểm ưu tiên.
Học viện Tài chính tuyển 4.000 sinh viên hệ đại học chính quy bằng 5 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển học sinh giỏi THPT, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài.
Ngoài ra, trường còn tuyển 120 sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng chương trình liên kết đào tạo giữa Học viện Tài chính và Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) và 200 chỉ tiêu ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính, Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán chương trình liên kết đào tạo Đai học Toulon (Pháp).
Năm ngoái, Học viện Tài chính lấy điểm trúng tuyển từ 30,17 đến 32,7 đối với các ngành có môn nhân hệ số 2. Các ngành tính theo thang 30 lấy điểm dao động từ 24,7 đến 26,2.
Thanh Hằng