Ngày 3/8, Khoa Quốc tế là thành viên tiếp theo của Đại học Quốc gia Hà Nội công bố điểm sàn năm 2021. Trường lấy 18 điểm cho 6 trên tổng số 9 ngành đào tạo, áp dụng với mọi tổ hợp. Mức này cao hơn 2 điểm so với năm ngoái.
Ngoài ra, ba ngành còn lại là Kinh doanh quốc tế; Kế toán, Phân tích và kiểm toán; Phân tích dữ liệu kinh doanh lấy điểm sàn 20. Trừ ngành Kinh doanh quốc tế tăng 3 điểm, hai ngành còn lại tăng tới 4 điểm với năm 2020.
Mức điểm sàn này đã bao gồm cả điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi theo tổ hợp, tính theo thang 30 cùng điểm ưu tiên. Ngoài ra, điều kiện phụ là điểm thi Ngoại ngữ không dưới 5.
Trường hợp thí sinh lựa chọn các tổ hợp xét môn chính nhân hệ số hai, điểm xét tuyển = (Môn 1 + Môn 2 + Môn chính x 2)/ 4 x3 + Điểm ưu tiên. Sau khi quy đổi về thang 30, kết quả này cần vượt qua các mốc điểm sàn của trường.
Năm nay, chỉ tiêu của khoa là 750, trong đó dành 525 cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn 2020 của khoa Quốc tế dao động 17-23,25, cao hơn 1,75-4 điểm so với năm 2019.
Cùng ngày, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, công bố ngưỡng đảm bảo xét tuyển đầu vào đại học chính quy. Trường lấy hai mức 18 và 19 cho toàn bộ tổ hợp và ngành đào tạo, cao đều hơn so với năm ngoái.
Năm 2020, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lấy điểm sàn 15-20 nhưng phổ biến hơn là khoảng 15-17. Nếu so sánh giữa hai năm, nhiều ngành tăng tới 3-4 điểm, ba ngành top trên giảm 1 điểm gồm Báo chí, Đông phương học, Hàn Quốc học và Quan hệ công chúng, từ 20 xuống 19 điểm ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa).
Điểm sàn cụ thể của các ngành năm nay như sau:
Năm nay, trường tuyển 1.650 sinh viên, trong đó dành 1.375 tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn năm ngoái từ 18 đến 30, ngành Hàn Quốc học có đầu vào cao nhất.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy 20 điểm là mức sàn cho các ngành của cơ sở đào tạo phía Bắc, giữ nguyên so với năm ngoái. Còn ở phía Nam, điểm sàn là 19, tăng 1 điểm so với năm 2020.
Trường tuyển 3.500 sinh viên cho cả hai cơ sở phía Bắc và Nam, tăng gần 500 so với năm ngoái. Trường áp dụng ba phương thức tuyển sinh, gồm tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không giới hạn chỉ tiêu), căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (chiếm 80-85%) và xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của học viện (khoảng 15-20%).
Năm ngoái, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy điểm chuẩn 20-26,65 ở hai cơ sở.
Thanh Hằng