Làm chủ được nhiều từ vựng tiếng Anh là mong muốn của nhiều người khi bắt đầu học ngoại ngữ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách học, số lượng và cách ghi nhớ từ mới của mỗi người lại khác nhau.
Bài phân tích của trang giáo dục eJoy chỉ ra các vấn đề khiến bạn học từ vựng chưa hiệu quả và giúp bạn chọn chiến lược tốt hơn để học từ vựng nhanh chóng qua văn cảnh.
Tại sao bạn hay quên từ mới?
Một phương pháp thường gặp nhất khi học từ mới là học từng từ riêng biệt ngoài văn cảnh. Chúng ta cố nhớ danh sách từ mới mà mỗi từ hầu như không có sự liên quan tới nhau. Điều này khiến bạn phải học thuộc lòng từng từ riêng lẻ, rất tốn thời gian và công sức.
Với cách học này, theo thời gian, bạn sẽ dần quên từ mới do không thực sự làm chủ được chúng. Bạn sẽ không thực sự hiểu được cách sử dụng từ trong giao tiếp cũng như viết vì sự đa dạng ngữ nghĩa của mỗi từ. Do ít sử dụng, bạn sẽ dần quên đi ngữ nghĩa của từ vựng, dẫn tới khó nhớ sau một thời gian dài kể từ khi học. Đến một thời điểm, bạn sẽ quên hoàn toàn việc mình đã học những từ này.
Đây là cách dạy từ vựng của phần lớn lớp học truyền thống, cách học kém hiệu quả dẫn đến nhiều khó khăn cho học sinh, cản trở các em thành thạo ngoại ngữ.
Cách tốt nhất để học ngoại ngữ là qua văn cảnh cụ thể
Khi bắt đầu học, kiến thức mới sẽ được ghi nhớ ngắn hạn và biến mất sau thời gian ngắn. Với ngôn ngữ, đặc biệt là từ vựng, bạn chỉ có thể làm chủ được kiến thức sau khi đã chuyển sang ghi nhớ bằng trí nhớ dài hạn.
Cách đơn giản nhất để học điều này là tưởng tượng từ ngữ trong văn cảnh cụ thể, với hình ảnh, câu chuyện từ những tài liệu thực tế. Qua đó, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn tư duy về một câu chuyện có mạch phát triển logic, dẫn tới khả năng ghi nhớ cao hơn.
Ví dụ, khi học từ "budget" (quỹ tiền, ngân quỹ cá nhân...), bạn có thể liên tưởng đến cụm "travelling on a tight budget" (đi du lịch tiết kiệm, với ngân quỹ hạn chế) và tưởng tượng về một ai đó đã đi du lịch thật xa, trong thời gian ngắn, mà chỉ tốn một số tiền rất nhỏ.
Bạn cũng có thể tìm một số câu chuyện thực tế liên quan để giúp việc liên tưởng hiệu quả hơn. Bằng câu chuyện như thế này, bạn sẽ luôn nhớ ý nghĩa của từ "budget", cũng như các cụm từ liên quan và có thể là từ đồng nghĩa, gần nghĩa.
Vừa học từ vựng, vừa học ngữ pháp
Một lợi ích nữa của việc học từ vựng bằng văn cảnh là cơ hội để ôn tập ngữ pháp một cách vô thức, giúp sử dụng thành thạo hơn trong thực tế.
Ví dụ, với một câu nói "life is full of choices" (cuộc sống có đầy những lựa chọn), bạn không chỉ học và ôn ngữ nghĩa của 5 từ vựng mà đồng thời học về các chức năng ngữ pháp như chia động từ số ít của động từ "to be", hay giới từ "of" thường đứng trước danh từ. Sau quá trình học bằng văn cảnh này, ngữ pháp sẽ dần trở thành phản xạ tự nhiên và bạn sẽ không mất thời gian suy nghĩ khi sử dụng thực tế nữa.
Học văn cảnh giúp tăng khả năng nói và viết
Việc học bằng văn cảnh cũng giúp bạn hiểu rõ cách sử dụng thực tế của từ vựng hơn, dẫn đến khả năng nói và viết ngoại ngữ tự nhiên, dễ hiểu hơn.
Điều này đặc biệt quan trọng khi giao tiếp. Với việc ghi nhớ các cụm từ thường được sử dụng trong văn cảnh thực tế, bạn sẽ giao tiếp với người bản xứ bằng những cách biểu đạt quen thuộc với họ, giúp họ dễ hiểu được thông điệp của bạn. Điều này có thể giúp ích rất nhiều, khi những vấn đề như phát âm của bạn có thể chưa tốt.
Mỗi ngôn ngữ có những cách diễn đạt riêng biệt. Ví dụ, có những cụm từ, khi tư duy bằng tiếng mẹ đẻ, có thể có ý nghĩa tương đồng với nhau, nhưng khi dịch từng từ sang ngoại ngữ, có thể rất dễ hiểu hoặc rất khó hiểu với người bản xứ. Trong tiếng Anh, nếu bạn hỏi "how are you", hoặc "how are you doing" (bạn khỏe không", toàn bộ người bản xứ sẽ hiểu ngay lập tức, trong khi nếu bạn hỏi "is your health good" (sức khỏe của bạn có tốt không), dù có ý nghĩa tương tự trong tiếng mẹ đẻ, lại có thể rất khó hiểu trong tiếng Anh.
Phan Nghĩa (Theo eJoy)