Sự việc còn kéo theo nhiều cuộc tranh luận, trong đó nổi bật là những nghi ngại về tình trạng "chuyên nghiệp hóa" luyện thi IELTS, tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa điểm số trên chứng chỉ và năng lực sử dụng ngôn ngữ thực tiễn.
IELTS là hệ thống kiểm tra đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, bao gồm bốn kỹ năng, nghe - nói - đọc - viết. Thông qua kết quả này, người học đủ điều kiện nộp hồ sơ theo các chương trình đại học trong nước và quốc tế, thường yêu cầu điểm chuẩn điều kiện tiếng Anh học thuật 6.5-7.5 IELTS tùy từng khoa, ngành. Khối ngành kỹ thuật có thể chỉ bắt buộc 5.5 IELTS, nhưng các ngành ngôn ngữ thường yêu cầu điểm điều kiện cao hơn, chẳng hạn, từ 7.0.
Điều này nghĩa là gì? Điểm số phản ánh một phần năng lực hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ của người học. Nếu một người đạt 7.0 IELTS, họ được kỳ vọng có thể tổng hợp và xử lý được 70% thông tin với bất cứ chủ đề nào trong cuộc sống, biểu đạt qua cả văn nói và văn viết.
Mười năm trước, khi nhập học chương trình thạc sĩ ở Vương quốc Anh, tôi bị choáng ngợp bởi hiểu biết và lập luận về khoa học, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của bạn bè từ khắp năm châu. Dù nhận học bổng toàn phần và đã qua điểm điều kiện ngành học đòi hỏi, tôi phải tham gia khóa học tiền thạc sĩ, 20 tuần mùa hè, cùng các bạn đạt 4.0-5.0 IELTS. Đầu ra của khóa học là bài nghiên cứu dài 4.000-5.000 từ và phần thuyết trình trước lớp 20-30 phút về chủ đề đó, với lập luận sắc bén và thuyết phục.
Trong buổi thuyết trình cuối khóa, tôi rơi vào trạng thái rất khó hiểu điều bạn bè đang nói, dù bắt được hết các từ, các âm. Thông tin họ chia sẻ nằm ngoài hiểu biết của tôi nên tôi gần như không có dữ liệu để thảo luận.
Bài học đầu tiên của tôi ngày ấy là: không phải cái vỏ ngôn ngữ, mà thông tin, hiểu biết và khả năng tư duy bằng ngôn ngữ về một vấn đề nào đó mới thực sự quan trọng. Bạn có thể nói ngọng, nói lắp hay nói sai ngữ pháp nhưng nhất định phải có thông tin trong đầu. Đầu tôi lúc đó thực sự trống rỗng và tôi nhận ra hiểu biết của mình quá nghèo nàn.
Sau trạng thái choáng ngợp ban đầu, tôi tự đặt ra cho mình một loạt câu hỏi: Liệu mình đã có thói quen dùng tiếng Anh để trau dồi tri thức hàng ngày? Nếu không có dữ liệu và thông tin trong đầu, mình sẽ lấy gì để chia sẻ với người khác? Vậy liệu có phải hiểu biết đến trước, rồi thông qua quá trình tư duy, tần suất sử dụng, năng lực ngôn ngữ sẽ được cải thiện?
Thực tế, khi đạt 7.0 IELTS, người học có khả năng tổng hợp, ghi chép, tóm tắt ít nhất 70% nội dung của một văn bản, một bài nghiên cứu hoặc một bài giảng, một bộ phim tư liệu. Nhưng tại sao người học Việt Nam dù điểm số IELTS rất cao, 7.0 hay 8.0, vẫn chưa chắc có thể chia sẻ hiểu biết thực tiễn ở cấp độ tương ứng hoặc sử dụng tiếng Anh để chứng minh, phân tích, lập luận, thuyết phục, phản biện bất cứ chủ đề nào ở cấp độ ấy. Quan sát thị trường luyện thi IELTS hiện nay, tôi thấy có cơ sở để tin rằng, đó là do người học đa phần tập trung luyện đề thay vì trang bị hiểu biết thực tiễn và rèn luyện thói quen tư duy bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ.
Bất cứ ngôn ngữ nào cũng chỉ thực sự tồn tại khi được dùng trong đời sống hàng ngày, để kết nối người với người, chuyển hoá thông tin và chia sẻ, thảo luận với nhau. Nhìn vào cách một người dùng ngôn ngữ, có thể cảm nhận rõ họ hiểu biết thế nào, kỹ năng giao tiếp và thảo luận ra sao. Ngôn ngữ khi ấy chỉ là một công cụ biểu đạt. Giành điểm IELTS cao chỉ thông qua chiến thuật luyện đề, học tủ là bạn đã bỏ qua điều kiện cốt lõi để thực sự làm chủ một ngôn ngữ.
Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy, những ai có thói quen nghe đọc hàng ngày, nạp thông tin và hiểu biết xã hội bằng tiếng Anh trong đời sống hoặc trong công việc thường xuyên, có cơ hội trao đổi hoặc thảo luận càng nhiều, họ càng dễ thành thục ngôn ngữ.
Từ khi hiểu được điều này, tôi không để mình rơi vào những cuộc tranh luận không hồi kết về chất lượng và phương cách chinh phục các thang điểm IELTS. Tất cả phụ thuộc vào mục tiêu cá nhân của người học. Nếu mục tiêu đầu ra là hiểu biết và tri thức, nhất định cần ba điều kiện cần gồm "bộ sạc" thông tin, tần suất chia sẻ hiểu biết, và năng lực ngôn ngữ. Càng "sạc" lượng lớn thông tin, càng chia sẻ nhiều lần, càng tương tác với nhiều nhóm người, năng lực ngôn ngữ sẽ càng sắc bén. Với những người có hiểu biết đủ rộng, và kỹ năng phân tích, lập luận vấn đề tốt, họ hầu như không cần luyện đề vẫn đạt điểm IELTS cao.
IELTS đơn thuần là một phương thức đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, bên cạnh các phương thức, công cụ khác. Nếu một cá nhân muốn trở thành người thực sự làm chủ ngôn ngữ, họ sẽ chọn được cách phù hợp để chinh phục tiếng Anh, thay vì học "gạo", luyện đề trên giấy.
Chu Thị Vân Anh