"Học toán là để tư duy, không sai. Nhưng cách dạy như thế nào để học sinh tư duy mà không bị lạc lối? Tôi 8X, những năm tôi học toán ở Việt Nam thì hầu hết thầy cô chỉ dạy cách giải toán, chứ không hề vận dụng tư duy gì cả.
Tôi ví dụ đơn giản, khi bắt đầu học phương trình, thì việc đầu tiên giáo viên dạy là 'x là biến còn trong hai vế' sau đó dạy cách đổi vế, chuyển x, đổi dấu... vậy biến là gì? Phương trình là gì? Học phương trình để làm gì?
Thầy cô toán của tôi không hề nói tới. Hằng ngày chỉ luyện cách để tìm x. Sau này tôi qua Mỹ học, ngày đầu tôi học về phương trình thì giáo viên vẽ ra một cái máy làm bánh và nói cái máy đó là phương trình.
Khi ta bỏ dâu vào máy từ bên trái, bên phải sẽ ra sản phẩm là bánh dâu, nếu bỏ bí thì sẽ ra sản phẩm là bánh bí ngô... dâu hay bí ngô chính là x. Chỉ đơn giản như vậy mà tôi cảm giác được khai sáng rất nhiều.
Vậy theo bạn, cách dạy toán hiện tại là dạy cho học sinh tư duy hay chỉ là để nhớ bước giải bài?".
Độc giả nickname wtjxdd7brb kể lại câu chuyện và nêu vấn đề như trên, sau bài viết 'Đạo hàm, tích phân không quyết định năng suất lao động'. Bài viết nhận được nhiều thảo luận của độc giả VnExpress.
Dẫn lại câu chuyện học sinh bật khóc vì đề thi Toán vào lớp 10 ở TP HCM hồi tháng 6, độc giả nam.kienlam nói:
"Chẳng biết luyện tư duy kiểu gì khi mà đề thi lớp 10 ở TP HCM đưa toán vào minh họa thực tế (tính kích thước hộp sản phẩm, tính diện tích vườn, xem phương án thanh toán nào tiết kiệm hơn...) là học sinh 'ngắc ngoải'.
Nếu thực sự tư duy tốt thì các em phải nhìn ra bản chất vấn đề là gì để ra hướng giải quyết dựa trên kiến thức căn bản đã học. Trong khi đó, thực tế là toán tại Việt Nam đang đóng khung tư duy của học sinh, đến mức nhiều em chỉ có thể giải toán nếu như cách đặt câu hỏi giống hệt dạng đề được luyện.
Chưa kể có nhiều cách để luyện tư duy (và cũng nhiều khía cạnh tư duy thay vì chỉ giải vấn đề) như tư duy phản biện, tư duy sáng tạo... lại không được đầu tư bằng những cái đạo hàm tích phân mà bạn nói học rồi quên cũng được (như thể học sinh Việt Nam dư dả thời gian không bằng)".
Từng trải qua nhiều công việc, độc giả it.avng nêu nhìn nhận:
"Tôi cũng từng là kỹ sư, nhảy ngành từ điện tử viễn thông sang sản xuất và bây giờ là một lập trình viên, tôi hoàn toàn không đồng ý với góc nhìn 'đạo hàm, tích phân không quyết định năng suất'.
Tùy vào vị trí, tính chất công việc mà có thật sự cần cấp độ nào trong Toán học. Nếu chỉ làm bốc vác, tất nhiên sẽ khác với công việc phân tích hiệu suất của dây chuyền.
Và trọng tâm của các công việc khoa học xã hội sẽ khác với kỹ thuật.
Việc khái quát quá mức khi chỉ dựa vào quan sát hẹp trong phân tích dữ liệu rất nguy hiểm, nên các dữ liệu từ quan sát hẹp cần phải hiểu tích phân để có thể thêm hệ số sai sót".
Độc giả nguyễn giang nhận xét:
"Hiện tại giáo dục sau cấp phổ thông rất lan man, tốt nghiệp đại học ra làm chuyên gia thì không đủ kiến thức, quay qua làm thợ thì không đủ tay nghề. Theo tôi nên chia rõ thành hai nhánh:
- Nhánh một, đào tạo đại học chuyên sâu để đào tạo ra các chuyên gia, chương trình đào tạo nghiêm ngặt, đầu vào và đầu ra cạnh tranh cao. Cần chất lượng không cần số lượng. Số lượng trường được cấp phép đào tạo có giới hạn và nên để nhà nước quản lý.
- Nhánh hai, các trường đào tạo kỹ thuật, có sự tham gia của các trường tư nhân. Chương trình học của nhóm này nên để 50/50 là 50% thực hành và 50% lý thuyết có liên quan tới ngành, bỏ qua những môn học không liên quan làm tốn thời gian và tiền của sinh viên.
Mục tiêu là đào tạo ra thợ có đủ kiến thức cơ bản để sẵn sàng cập nhật sử dụng các máy móc công nghệ mới. thực tế những người thợ tay nghề cao không qua đào tạo mà đi lên từ kinh nghiệm làm lâu năm ở một vị trí dù họ có tay nghề nhưng không có khả năng tiếp thu cái mới, họ chỉ làm theo lối mòn.
Nhóm thợ này sẽ không còn phù hợp vì ngày nay công nghệ sản xuất thay đổi liên tục".
Liên hệ với năng suất lao động, độc giả Trung Dung nói:
"Theo tôi hiểu những gì tác giả nói, vấn đề học những môn mang nặng tính toán như tích phân, đạo hàm thì không cần phải học chú trọng vào nó quá nhiều, chỉ nên dừng ở mức độ vừa đủ và mang tính giáo dục chứ không phải đào tạo các học sinh giỏi cho toàn bộ học sinh. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này.
Khi đi làm thì hầu như bất kỳ công ty nào cũng có quy trình làm việc và đều yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình này. Trong quá trình làm việc thì chỉnh sửa quy trình là điều xảy ra khi cần thiết và nó thuộc về các bộ phận phụ trách việc này và dĩ nhiên nó cũng phải dựa vào các đóng góp của các nhân viên vận hành hệ thống.
Theo tôi nghĩ việc phân loại nên ở cấp độ đại học và sau đại học. Còn ở cấp độ phổ thông thì nên đúng như ý nghĩa của chữ này, học tập chỉ mang tính định hướng và phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh thì tốt hơn".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp