Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời ngày 30/11 tại Thượng Hải sau thời gian mắc bệnh bạch cầu và suy đa tạng, hưởng thọ 96 tuổi. Trong giai đoạn ông giữ cương vị chủ tịch Trung Quốc từ năm 1993 đến 2003, nước này đã đạt những bước đột phát lớn về cải cách và phát triển kinh tế.
Một trong những di sản nổi bật nhất của ông về mặt lý luận đối với đảng Cộng sản Trung Quốc và nỗ lực phát triển kinh tế quốc gia là thuyết "Ba đại diện". Học thuyết này nhằm "giải phóng tư tưởng", theo lập luận của ông Giang trong diễn văn Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 16, và duy trì đà phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ Trung Quốc.
Thuyết Ba đại diện được ông Giang Trạch Dân khởi xướng trong chuyến thị sát tỉnh Quảng Đông năm 2000, nhằm đảm bảo đảng Cộng sản Trung Quốc thích ứng hài hòa hơn với điều kiện trong nước và tình hình quốc tế trong thế kỷ mới. Ông Giang cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc cần đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất, cho nền văn hóa tiên tiến nhất, cũng như cho quyền lợi của đa số quần chúng.
Ông giải thích rõ hơn những nội dung cơ bản của thuyết "Ba đại diện" trong kỳ họp kỷ niệm 80 năm thành lập đảng vào tháng 7/2001 tại Bắc Kinh. Một năm sau, học thuyết này được đưa vào điều lệ đảng tại Đại hội 16 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2002.
Khái niệm do ông Giang khởi xướng được xem là một trong những lý luận "dẫn đường cho hành động" của đảng Cộng sản Trung Quốc, bên cạnh chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình, theo Trung tâm Thông tin Mạng Trung Quốc thuộc Văn phòng Thông tin Quốc vụ Viện.
Trong diễn văn tháng 7/2001, ông Giang Trạch Dân nhận định cơ cấu các tầng lớp xã hội Trung Quốc sau khi mở cửa đã nảy sinh những thay đổi mới, xuất hiện các tầng lớp xã hội như người khởi nghiệp và nhân viên kỹ thuật thuộc doanh nghiệp khoa học kỹ thuật tư nhân, nhân viên quản lý kỹ thuật thuộc xí nghiệp liên doanh, hộ cá thể, chủ doanh nghiệp tư nhân, nhân viên làm việc trong các tổ chức môi giới, nhân viên hành nghề tự do.
Ông nhận định những tầng lớp xã hội mới này đều lao động, công tác, kinh doanh hợp pháp để đóng góp cho sự phát triển của Trung Quốc. Ông từ đó lập luận nên xem xét lại tiêu chí kết nạp đảng viên mới là "tự giác phấn đấu thực hiện đường lối và cương lĩnh của đảng, phù hợp điều kiện đảng viên".
Theo thuyết Ba đại diện của ông, ngoài các thành phần nòng cốt là công nhân, nông dân, trí thức, quân nhân, cán bộ, đảng Cộng sản Trung Quốc cần thu hút vào đội ngũ những người ưu tú đến từ các tầng lớp khác trong xã hội.
Theo giới chuyên gia, thuyết Ba đại diện của ông Giang Trạch Dân đã mở đường cho giới doanh nhân bước chân vào hàng ngũ đảng Cộng sản Trung Quốc. Lý thuyết này cũng dung hòa những bất cập vốn nảy sinh trong xã hội khi kinh tế và mức sống gia tăng, củng cố vai trò lãnh đạo cho đảng Cộng sản Trung Quốc trên nền móng là tăng trưởng kinh tế.
Với thuyết Ba đại diện, đảng Cộng sản Trung Quốc giảm nhẹ trọng tâm đấu tranh giai cấp và mở rộng vai trò đại diện cho mọi nhóm xã hội, trong đó có những tầng lớp vốn được xem là nằm ngoài truyền thống như doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp.
Học thuyết cũng khẳng định vai trò của khu vực phi nhà nước trong nền kinh tế, hướng đến "đại cục" là xây dựng và phát triển đất nước. Ông Giang nêu trong bài diễn văn năm 2001 rằng lý luận này thể hiện tinh thần "gắn liền với thực tiễn" của đảng.
Học thuyết mới do ông Giang khởi xướng còn được đánh giá là lời giải đáp của thế hệ lãnh đạo thứ ba đối với câu hỏi duy trì vai trò lãnh đạo của đảng trong tiến trình cải cách kinh tế và mở cửa hội nhập với thế giới. Ông đặt ra thuyết Ba đại diện một năm sau khi ký Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Trung, gạt bỏ một trong những trở ngại lớn nhất trên đường gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Sau khi gia nhập tổ chức này, Trung Quốc theo lý thuyết cần thừa nhận và thực hiện các nguyên tắc của WTO, tuân theo quy tắc cạnh tranh quốc tế, sửa đổi chính sách và quy định pháp luật phù hợp hơn, tạo ra tác động sâu rộng ở Trung Quốc trên mọi mặt từ kinh tế, chính trị đến văn hóa.
Trong bối cảnh đó, thuyết Ba đại diện và nỗ lực thu hút giới doanh nghiệp tư nhân của ông Giang Trạch Dân được xem là nỗ lực củng cố vai trò lãnh đạo của đảng đối với khu vực tư nhân trong tiến trình mở cửa với phương Tây.
Một số chuyên gia, học giả Trung Quốc cho rằng thuyết Ba đại diện giải quyết nhu cầu cấp bách của thời đại mới về mặt xây dựng đảng. Một khi kinh tế tư nhân được thừa nhận và giữ địa vị đáng kể trong nền kinh tế quốc dân, họ cũng phải được thừa nhận vai trò chính trị, đồng thời mở đường cho công tác tổ chức đảng trong xí nghiệp tư nhân.
Trung Quốc sau giai đoạn lãnh đạo của của ông Giang, trong hai nhiệm kỳ tổng bí thư của ông Hồ Cẩm Đào, tiếp tục xem thuyết Ba đại diện là một trong những kim chỉ nam hoạt động.
Trung Quốc phát triển nhảy vọt trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, với mức tăng trưởng GDP thường niên luôn trên 9% và đất nước bắt đầu sản sinh những triệu phú, rồi tỷ phú đầu tiên, để rồi trở thành nền kinh tế số hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Thanh Danh (Theo China.org.cn)