Quả thật, ba phần tư sĩ số lớp con tôi đã cầm chắc một suất ở đại học từ tháng 5/2024, dù tháng 6 mới thi tốt nghiệp. Để thu hút sinh viên, mở rộng quy mô, tăng nguồn thu và nhiều mục đích khác, các trường hiện nay đều nới lỏng quy định tuyển sinh, đưa ra nhiều phương án xét tuyển để đa số người có nhu cầu đều có thể theo học.
Với tiêu chí xét điểm thi tốt nghiệp THPT, hàng chục trường đưa ra điểm chuẩn chỉ 14-15/30 điểm, tức chỉ cần 5 điểm một môn là đỗ.
Vào đại học dễ như vậy, vì sao học sinh vẫn đi học thêm?
Có nhiều lý do để một đứa trẻ lao đầu vào những lớp phụ đạo, nhưng chủ yếu có lẽ vẫn xuất phát từ mong muốn chính đáng của phụ huynh. Ai chẳng muốn con mình đỗ đạt, học trường tốt, ngành tốt, mai sau có thu nhập cao, vươn lên tầng lớp tinh hoa trong xã hội.
Không nhiều, nhưng bắt đầu có những phụ huynh thẳng thắn thừa nhận, ép con đi học thêm chính là vì khát vọng, hoặc tham vọng sâu xa trong lòng bố mẹ. Nhưng quá trình học thêm đằng đẵng cả chục năm trời có đảm bảo tương lai đó hay không, thì ít ai tự tin trả lời được.
Quan trọng hơn, không thể đong đếm hết chi phí cho quá trình ấy. Nếu chỉ tính bằng tiền thì thật phiến diện. Trong kinh tế học có khái niệm "chi phí cơ hội", là những lợi ích bị bỏ qua do đã không lựa chọn một cơ hội nào đó. Như vậy, khi chọn học thêm, chi phí mà mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình và toàn xã hội phải bỏ ra không chỉ là học phí, mà còn là cơ hội được nghỉ ngơi, được phát triển thể chất và tinh thần bằng các hoạt động khác, được hiểu biết những kỹ năng mà lớp học thêm không dạy... Đó là chưa kể, quá trình đi học thêm sẽ gánh thêm nhiều rủi ro khó lường như tai nạn giao thông, áp lực, trầm cảm, các bệnh về đường tiêu hóa hoặc cơ xương khớp... Tổng chi phí có thể không tương xứng với giá trị mà các cháu nhận được từ việc học thêm.
Thế nên khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT của các con vào giữa tháng 7, phụ huynh chúng tôi mỗi nhà một trạng thái. Các gia đình vẫn giữ được không khí yên bình, vì không cháu nào trượt đại học. Nhưng tôi quan sát thấy, nhóm phụ huynh cho con đi học thêm nhiều có xu hướng không thỏa mãn với kết quả, do kỳ vọng quá lớn: phải vào được trường top, hoặc hơn nữa là ngành top của trường top. Bố mẹ của những đứa trẻ ít học thêm, trái lại, dễ thỏa mãn hơn, như nhà tôi chẳng hạn.
Sau ba năm cấp ba hoàn toàn không đi học thêm, con tôi nhận kết quả thi tốt nghiệp với điểm số không phải là cao nếu so với các bạn cùng lớp, cùng trường, nhưng hoàn toàn phù hợp với dự đoán của chúng tôi.
Vì sao chúng tôi lựa chọn không học thêm?
Từ trước khi cháu vào cấp ba, chúng tôi đã trò chuyện nhiều lần về vấn đề này: mục đích của việc học thêm, cái giá phải trả là gì, và nếu không học thêm thì có sao không. Cháu nói, phần lớn các bạn đi học thêm thì điểm thi học kỳ mấy môn đó chỉ cao hơn 1-2 điểm so với khi không học; những môn còn lại, do không học thêm, cũng không đầu tư thời gian, nên lại kém đi vài điểm.
Quan tâm đến điểm số là điều chính đáng với một đứa trẻ còn đi học. Chúng tôi nhắc thêm với con rằng, học là để lấy kiến thức cho bản thân, điểm số chỉ là cách đo lường. Kiến thức môn nào cũng quan trọng và còn hơn cả điểm số, một căn cứ khác để đo lường hiệu quả của việc học chính là sự tiến bộ của bản thân so với tháng trước, năm trước.
Tôi cũng trao đổi với cháu từ sớm, rằng cần xác định rõ mình muốn làm gì, trở thành ai. Đi học thêm, con có thể vào "trường top", "ngành hot", nhưng nếu đó không phải là ngành phù hợp hoặc nghề yêu thích, thì đó vẫn có thể là một sai lầm khó sửa chữa.
Và chính bởi mục đích học tập là sự tiến bộ, nên cháu hiểu, học là phải tự kỷ luật, tự giám sát, tự đánh giá.
Tôi cũng nhận thấy, ngành giáo dục đã có những đổi mới nhất định về cách thi cử, đánh giá theo hướng chú trọng vào kiến thức cơ bản, bớt dần kiến thức đánh đố ngoài sách vở. Nhờ sự mở rộng của hệ thống giáo dục đại học, cơ hội học tập bậc cao mở rộng hơn nhiều, rất khác với thời của chúng tôi - không học thêm, hoặc không có tư chất xuất sắc hơn chúng bạn, thì hầu như không có cơ hội thành sinh viên.
Rốt cuộc thì học thêm cần hay không và ở mức độ nào vẫn tùy thuộc vào mỗi đứa trẻ và từng gia đình. Nhưng tôi cho rằng một đứa trẻ ý thức tốt về trách nhiệm và quyền lợi ngay từ nhỏ, và được rèn luyện về tính kỷ luật, tự giác, sẽ hoàn toàn vào được đại học chỉ bằng kiến thức chính khóa mà không cần học thêm bất cứ môn nào.
Đổi lại, điều này cần sự công phu nuôi dạy và làm gương của cha mẹ. Không thể hy vọng con đọc sách hàng ngày nếu cha mẹ không bao giờ cầm một cuốn sách; không thể mong con tự giác làm bài tập nếu chả mẹ bê trễ việc nhà; không thể yêu cầu con sống có trách nhiệm nếu cha mẹ vốn không thể chu toàn các chức trách của mình. Những việc như thế, cha mẹ phải làm hàng ngày, từ khi con còn nhỏ.
Chờ tới lúc thi cử mới cuống cuồng thúc con đi học thêm, là cách lựa chọn nhàn nhã cho bố mẹ, nhưng cực thân các con.
Trịnh Hằng