Vova là cậu bé lớp hai nghiêm túc đến mức nhiều khi căng thẳng trong việc học. Cậu từng "nổi tiếng" với phụ huynh trong lớp bởi là học sinh duy nhất đã chủ động "nhận lỗi" với thầy thể dục đang dạy online rằng: "Em xin lỗi thầy vì em không thuộc lắm bài thể dục và tập không đúng" dù thầy không hề chê trách các trò.
Một cậu bé mà nếu 8 giờ vào học online thì mới 7 giờ và đang chơi ngoài hành lang, cứ mỗi 5-7 phút sẽ ló đầu vào nhà hỏi "ông ơi đến giờ học chưa?", và dặn dò "phải vào lớp trước 15 phút để có sự cố gì còn xử lý". Vào lớp học zoom, Vova hét toáng lên: "Ông ơi nhầm lớp rồi, trống trơn, không có ai cả", thực ra do cậu vào lớp sớm quá.
Bắt một cậu bé vốn luôn tự bị áp lực của việc học như thế, sau khi phải học zoom cả buổi sáng, làm bài tập cả buổi chiều mà chập choạng tối lại lên taxi đến lớp học thêm do cô chủ nhiệm mới mở cho các bạn trong lớp, hơn nữa trong tình hình dịch bệnh như hiện giờ là điều gia đình tôi rất e ngại.
Tôi là người phản đối mạnh nhất việc bắt Vova hay rộng ra là tất cả học sinh tiểu học đi học thêm. Nhưng tối hôm đó, tôi mỉm cười, tự thấy mình mâu thuẫn. Bởi lẽ, trong ký ức tuổi thơ tôi, phần nhiều kỷ niệm đẹp nhất lại ở lớp học thêm thời cấp một - lớp học thêm cô Phiến.
Tôi đến lớp của cô từ năm lớp ba, theo cô đến hết lớp năm rồi vào cấp hai. Đó là gian phòng sát nhà cô ở, trên tường có treo "50 câu danh ngôn hay" và "Bài học đối với cha mẹ" đến giờ tôi vẫn thuộc.
Cô bắt đầu dạy chúng tôi khi đã về hưu, dạy cả toán và văn. Hồi đó, thành phố Vinh có hai người dạy thêm cấp một nổi tiếng là cô Phiến và thầy Cung. Thầy Cung nghiêm khắc chỉ dạy toán, cô Phiến giỏi cả toán và văn. Cô còn có nhiều bài đăng báo. Có lẽ vì thế mà bố mẹ đưa tôi đến xin cô cho học.
Bây giờ, nếu cô đọc được những dòng này, thì em thú thực, mặc dù giờ toán với bài tính tuổi, bài trồng cây, bài cân đĩa, bài đại số là nơi em luôn được cô khen, song giờ văn của cô mới khiến em mong chờ và hứng thú nhất.
Không có bài văn mẫu nào cả. Cô đã đọc cho chúng tôi nghe những bài viết của học trò cũ về cha mẹ, thầy cô. Cô giảng các câu chuyện trong cuốn "Những tâm hồn cao thượng", chuyện cổ tích, ngụ ngôn... Cô đọc thơ, một đoạn tiểu thuyết hay thậm chí một bài hát hay câu chuyện cười.
Bài tập làm văn đầu đời, cô cho chúng tôi nói lên suy nghĩ thật thà, non nớt của mình về những gì cô đã đọc cho nghe hoặc chọn một trong số 50 câu danh ngôn, em hiểu thế nào và vì sao em thích. Những suy nghĩ trẻ con của chúng tôi được cô nâng niu, tôn trọng, giảng giải không dựa trên barem điểm nào, điều mà tôi không bao giờ có được ở lớp học chính khóa.
Tâm hồn tôi từ những tiết học của cô được lắng nghe, được mở rộng và sâu sắc thêm. Và từ nền tảng đó, tôi có thể hấp thụ một cách tự nguyện và tự nhiên với văn chương, thơ ca, âm nhạc. Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu ra, có lẽ cô đã dạy văn để chúng tôi thành người như thế.
Kiến thức rõ ràng không bao giờ đủ, tiếp nhận thêm kiến thức không chỉ là nhu cầu mà còn là quyền cần được tôn trọng và bảo vệ của con người. Tôi tin rằng trên khắp đất nước này vẫn có những thầy cô với lớp học tuyệt vời như cô Phiến của tôi.
Nhưng riêng với học sinh tiểu học và phần nhiều các lớp học thêm còn lại, câu hỏi đặt ra là các thầy cô đang dạy gì trong những buổi học ngoài giờ ấy?
Tôi từng hỏi nhiều người thắc mắc trên, câu trả lời chung nhất là "để củng cố kiến thức ở lớp". Nhưng với học sinh tiểu học, chẳng lẽ kiến thức trong sách giáo khoa khó đến mức không thể dạy được hết tại trường và cả lớp phải đi học thêm để "củng cố"? Và xa hơn, kiến thức đó có quan trọng đến mức phải đi học thêm không?
Tôi đã tranh luận với vài cha mẹ, câu trả lời cuối cùng đại ý, cô mở lớp ra rồi, cả lớp đi học chẳng lẽ con mình không; hoặc "thầy, cô cũng cần kiếm sống chứ". Những đáp án không khớp bản chất của việc học.
Tạm thời không nhắc đến việc Thông tư 17/2012 đã cấm dạy thêm bậc tiểu học, nhưng giờ đây, vì chúng ta đưa việc dạy thêm ra bàn cho tất cả cấp học, tôi cho rằng đến lúc các thầy cô xây dựng và công khai "khung chương trình" dạy thêm của mình. Công khai để phụ huynh có thể lựa chọn lớp học cho con mình cũng như chính thầy cô có thể bảo vệ được danh dự của mình. Khi cơ quan quản lý đang cân nhắc đưa dạy thêm thành ngành kinh doanh có điều kiện hay không, việc công khai nội dung giảng dạy khi mở lớp cũng là cách tiếp cận minh bạch và dễ chấp nhận hơn cho câu chuyện.
Bởi lẽ, động tác này ít nhất sẽ giúp phụ huynh và xã hội biết rằng đó có phải là kiến thức đáng ra phải dạy ở trường không, hay có phải kiến thức học sinh có thể tự học mà không cần người kèm cặp không. Thậm chí, đó sẽ là cơ sở để biết rằng chương trình giáo dục chính thức của chúng ta còn thiếu những gì, hay tưởng là thừa mà thật ra lại thiếu.
Vova là cậu bé ngoan, được sống trong thế giới kết nối, công khai và cởi mở hơn thời chúng tôi rất nhiều. Nếu tôi đã cần nhiều may mắn để được học với cô Phiến thì Vova cần nhiều minh bạch để gia đình sẵn sàng cho cậu tới lớp học thêm, rũ bỏ hoàn toàn nghi ngại.
Bùi Phú Châu