Mức thu nhập này khá thấp so với bạn bè tôi làm ở ngành khác. Sống tại thành phố lớn, khoản lương chỉ đủ cho chi phí ăn uống, di chuyển và sinh hoạt tối thiểu, khó có thể chăm lo nhiều cho gia đình.
Đồng nghiệp tôi, những giáo viên chỉ có thu nhập thuần lương, cũng khá chật vật. Nhà nào có con nhỏ, cha mẹ già hay người thân bị bệnh, nhiều lần phải vay mượn. Vì thế, không ít người khắc phục kế sinh nhai bằng bán hàng online, làm thêm, dạy thêm. Sau giờ đứng lớp, họ lại tất bật với những đơn hàng, ca dạy.
Tôi còn may mắn hơn những đồng nghiệp trẻ. Lương giáo viên mới ra trường hiện nay chỉ dao động trong ba đến bốn triệu đồng. Với thu nhập đó, giáo viên khó có thể toàn tâm toàn ý trên bục giảng. Một đồng nghiệp kể với tôi, mỗi tối cậu đăng ký chạy xe máy giao hàng để kiếm thêm,"sợ mọi người nhận ra mình nên em trùm kín từ trên xuống dưới, nhiều khi cũng tủi thân". Mỗi tối cậu giao hàng ba đến bốn tiếng, được khoảng 200 ngàn. Cộng tiền làm thêm buổi tối có khi còn hơn cả lương chính.
Nhà giáo, nhiều năm nay, nếu thuần thu nhập từ lương, chắc chắn cực kỳ khó khăn, nhất là sống ở đô thị. Đây là một lý do tế nhị mà ít có nhà giáo nào dám nói công khai.
Tôi kể chuyện thu nhập của giáo viên ở đây vì hai lẽ.
Thứ nhất, nỗi lo áo cơm của số đông thầy cô hiện nay là rất thật, chúng ta không thể bàn đến giáo dục mà bỏ qua thực tế này. Thứ hai, tôi không lấy thu nhập thấp ra để biện minh cho việc dạy thêm của giáo viên mà xã hội đang bàn luận, nhưng quyết định việc cấm hay quản dạy thêm mà lờ đi đời sống của giáo viên là vô cảm.
Có phải giáo viên nào cũng muốn dạy thêm ngoài giờ? Nhiều lần trong các cuộc họp của trường tôi, chủ đề này được đưa bàn luận, những biểu hiện tiêu cực của đồng nghiệp trong vấn đề dạy thêm bị lên án gay gắt. Là một người tham gia dạy thêm do nhà trường tổ chức, nhiều lần tôi cảm thấy bị tổn thương. Thật sự sau giờ dạy chính khoá tôi chỉ muốn được về nhà nghỉ ngơi, tập thể dục để có sức khoẻ tốt.
Có lần, tôi nhận hơn 10 cuộc gọi nhỡ từ số máy lạ. Khi tôi gọi lại, một em vui mừng xin được học thêm để luyện thi vào đại học. Vì lúc đó đã hết học kỳ một nên tôi từ chối, phần vì gấp quá, phần vì tôi cũng bận. Em nài nỉ "nếu thầy không dạy em sợ mình không thể đậu đại học, chỉ còn vài tháng là thi mà kiến thức của em hiện nay vẫn còn nhiều chỗ hổng". Trước quyết tâm của em, cuối cùng tôi đồng ý. Em đã đậu vào đại học mơ ước. Đó không chỉ là niềm vui của em mà cả tôi đến tận bây giờ, dù tôi không bao giờ có nhu cầu dạy em để có thêm chút thu nhập.
Nhưng tôi biết, dạy thêm, học thêm không phải khi nào cũng tích cực.
Tôi nhớ mãi hình ảnh của Thành, học sinh cũ của tôi khi còn công tác ở một trường THPT tại quận 3, TP HCM. Thành thường ngủ gục trong tiết học. Tôi hỏi lý do, em giải thích, do ngày nào em cũng đi học từ sáng đến chiều tối, rồi phải làm bài cho buổi học hôm sau nên luôn rất mệt mỏi. Điều đáng nói, có môn Thành phải học thêm tới hai giáo viên. Trước phản ứng bất ngờ của tôi, em thiệt thà: "Dạ, một giáo viên em học để không bị ‘đì’ trong giờ học và cô luôn cho biết trước đề kiểm tra ở lớp học thêm. Còn thầy kia, em học để nắm bài cho rõ hơn và giải quyết các bài tập khó cho kỳ thi cuối cấp".
Nếu một giáo viên khi bước vào lớp, dạy hết mình, công bằng với học sinh thì dạy chính hay dạy thêm đều sẽ giúp những em có lực học yếu có thể nắm rõ hơn bài. Ngược lại, tiêu cực là khi dạy thêm trở thành "công cụ" kiếm tiền của giáo viên. Hệ quả là học sinh đi học chỉ vì nỗi sợ "đì đè" hoặc vì muốn biết trước đề kiểm tra. Theo tôi, đó là những hành vi phản giáo dục.
Nhưng rõ ràng nhu cầu dạy thêm, học thêm từ học sinh, phụ huynh và giáo viên là có. Giá trị của việc học thêm mang lại cho các em cũng là điều không thể phủ nhận. Do vậy, vấn đề là tổ chức, quản lý việc dạy và học thêm như thế nào để triệt tiêu tiêu cực của nó.
Ở ngôi trường tôi đang công tác, thầy hiệu trưởng đã nhìn thấy khó khăn vì thu nhập trung bình của giáo viên trong trường chỉ trên dưới năm triệu đồng mỗi tháng. Cộng thêm nhiều đề nghị của phụ huynh, học sinh về nhu cầu bổ túc kiến thức, thầy đã xin phép mở một trung tâm văn hóa ngoài giờ tại trường. Trung tâm hoạt động với quy định, giáo viên nào muốn tham gia dạy thêm thì đăng ký lịch dạy và học sinh được đăng ký học với bất cứ giáo viên nào các em thích thông qua ban quản lý trung tâm.
Để hạn chế tiêu cực, trường có quy chế, tất cả bài kiểm tra một tiết tổ chức thành bài kiểm tra tập trung. Khi đó, mỗi giáo viên dạy đều phải nộp đề và ban giám hiệu sẽ phụ trách chọn từ mỗi giáo viên một câu để xây dựng đề kiểm tra chung. Cách làm này đã hạn chế tối đa việc giáo viên lộ đề kiểm tra hoặc dùng điểm số để ép học sinh học thêm.
Bên cạnh đó, trường tôi còn tạo kênh tiếp nhận thông tin mở để ghi nhận ý kiến của học sinh, phụ huynh. Niềm vui trong suốt hơn tám năm làm việc tại đây của tôi là trường gần như không ghi nhận phản ánh tiêu cực liên quan tới dạy và học thêm.
Nếu dạy thêm bị cấm triệt để trong bối cảnh hiện nay, sẽ có giáo viên tổ chức dạy lén lút, mất đi hình ảnh nhà giáo. Nền giáo dục sẽ thế nào khi thỉnh thoảng lại có những người thầy và trò bị nêu tên, bắt quả tang vì dạy chui, học chui.
Nhưng nếu để dạy thêm tiếp tục ngoài vòng kiểm soát, ta vẫn sẽ thấy các trung tâm mọc lên như nấm, thu tiền vô tội vạ. Nhiều giáo viên luyện thi giàu hơn nhiều so với số đông đồng nghiệp mà chưa chắc đã vì năng lực và đạo đức.
Theo tôi, việc có đưa dạy thêm thành một nghề kinh doanh có điều kiện hay không không quan trọng bằng việc nó được nhìn nhận thế nào.
Nhiều nhà giáo, chuyên gia đã hiến không ít kế sách để quản lý dạy thêm mà tôi không cần lặp lại ở đây. Là một giáo viên, tôi chỉ cho rằng, thứ nhất, các quy tắc quản lý hãy cho chúng tôi cảm thấy được tôn trọng, được muốn cống hiến nhiều hơn, cho học sinh được hạnh phúc và các phụ huynh không cảm thấy khoản chi cho học thêm, nếu có, là một áp lực.
Thứ hai, việc quản lý dạy thêm cần được nhìn nhận trong bức tranh rộng lớn, gồm các giải pháp và nhu cầu cải tổ toàn diện nền giáo dục. Nếu coi dạy thêm là "ngành kinh doanh có điều kiện", tôi mong các quy định sẽ không thuần túy coi đó là một món hàng như xăng dầu hay điện, nước mà được soi chiếu trên những câu hỏi lâu nay chưa có lời đáp rõ ràng: Khối lượng kiến thức bao nhiêu là vừa đủ với người dạy và học, nhà quản lý giáo dục có thể tạo ra thay đổi gì để đời sống của những người làm nghề tốt hơn, đích đến cuối cùng của giáo dục chúng ta đang đặt ra là gì?
Từ thâm tâm mình, tôi mong một ngày giáo viên chúng tôi không còn phải dạy thêm mà vẫn yên tâm về công việc, cuộc sống và việc học của các trò.
Tôi tâm đắc quan điểm cho rằng thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Nhưng để được hạnh phúc, đầu tiên tâm trí của nhà giáo phải không bị nhiều cuộc tranh luận gay gắt của xã hội về nghề dạy học lấn át khi bước lên bục giảng. Sau đó, nhà giáo cần được tôn trọng bằng cả thái độ và chế độ chính sách để không còn nghịch lý của "nghề cao quý".
Lê Văn Hiến