Tôi là một kiến trúc sư, năm nay 44 tuổi, là một người nhập cư vô Sài Gòn học đại học rồi ở lại. Năm 24 tuổi tự mở công ty riêng. Và năm 30 tuổi, tôi đóng cửa công ty thiết kế và xây dựng ở quận 1 để "về vườn". Tôi cảm thấy cuộc sống rất dễ bị "tổn thương" trong môi trường đô thị.
Tôi chuẩn bị 10 năm cho dự định đó, bằng cách học thêm ba trường đại học nữa. Tôi cho rằng sẽ có thêm cơ hội "sống sót" khi gia tăng hiểu biết. Song song đó là nhận thêm vài dự án ở trên núi để hoàn tất một số kỹ năng làm việc ở nông thôn, như dựng nhà, làm chuồng trại, lấy nước, trồng trọ...
>> 'Thiệt đơn, thiệt kép' khi bán nhà 4.5 tỷ bỏ phố về quê
Sau khi có đầy đủ kỹ năng và kiến thức, tôi bắt đầu đi tìm đất. Tôi là con nhà nghèo, tay trắng lập nghiệp ở Sài Gòn, cho nên không có sự hỗ trợ từ ai hết. Lúc mua đất có đúng 50 triệu đồng để đặt cọc, mấy năm sau mới trả dứt điểm.
Tôi cho rằng bán kính 40 km kể từ trung tâm là lựa chọn ưu tiên. Sở dĩ tôi có lựa chọn này vì nếu có gia đình, tôi muốn "bám lấy" thành phố. Tôi muốn các hoạt động học hành của con cái thuận lợi hơn, ngoài văn hoá, còn có âm nhạc, hội hoạ và võ thuật.
Tôi có khả năng dạy con các môn năng khiếu vì đã tốt nghiệp đại học hoặc đạt chuẩn huấn luyện viên. Nhưng tôi hiểu sự quan trọng của thầy giỏi nên không dám ôm đồm mà quyết định ở gần Sài Gòn.
Tôi đã "quần nát" từ Đồng Nai, Bình Dương, Long An đến cả Cần Giờ. May mắn thay đã tìm được 5000m2 đất ở Bình Mỹ, Củ Chi. Tiếng là ở Củ Chi nhưng nó ở ven sông Sài Gòn, đối diện Lái Thiêu và gần trung tâm hơn nhiều chỗ ở Hóc Môn. Từ hiên nhà, mở công tơ mét xe, chạy đến Nhà thờ Đức Bà là đúng 23 km. Hôm nào đi dạy trong quận 1 thì tầm một tiếng là tới nơi.
Tôi đã "về vườn" năm 2015, sau 8 năm đưa ra quyết định. Lúc đó 38 tuổi. Từ lúc đó đến nay "sống khoẻ" với một cơ sở xà bông handmade nho nhỏ. Đây là "nghề" tôi tự học sau khi đã tốt nghiệp ngành Môi trường của ĐH Bách Khoa TP HCM.
Nói "sống khoẻ" vì xà bông của tôi là loại xà bông duy nhất theo tiêu chuẩn "kịch khung" châu Âu. Và khách cứ thế tìm đến. Tôi làm với tụi học trò năm xưa, tôi sản xuất, các em bán qua mạng.
Tôi kể dài dòng vậy chỉ để nói một điều: Nếu các bạn muốn về rừng (hay "về vườn" giống như tôi), nếu không có tiền thì phải chuẩn bị thật kỹ càng để trang bị vô số kỹ năng và vài nghề thật "tinh" để sống sót.
Và các bạn nên hướng tới các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao sau thu hoạch. Vì nếu trồng trọt và bán sản phẩm thô, các bạn không thể nào làm hơn một người nông dân. Và bạn thấy đấy, nông dân sống khá chật vật.
Mà sản xuất ra sản phẩm chất lượng vẫn "chết" như thường, nếu bạn không có kênh phân phối riêng của bạn. Trang Facebook cá nhân của tôi có 5.000 bạn bè và 6.000 follows. Tổng cộng là đến 11.000 theo dõi. Như thế mới "tạm đủ" cho một vài mặt hàng nếu bạn muốn bán lẻ. Và đây mới là nền móng để bạn bán hàng B2B (business – to – business sales) thôi.
Đó là toàn bộ những "bí quyết" của tôi. Và tôi không tin khi có ai đó nói rằng sống ở rừng (hay vườn) là dễ. Tất cả mình đã phải trả giá khi chuẩn bị gần hết những tháng năm tuổi trẻ. Và giờ này tôi vẫn chưa có gia đình là vậy. (Tất nhiên bây giờ mình "phẻ" rồi. Cứ túc tắc làm và muốn thì ngày nào cũng là chủ nhật. )
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ là cuộc sống ở vườn không hề dễ dàng. Bạn phải giỏi cả kỹ năng làm việc tay chân lẫn đầu óc. Kỹ năng làm việc tay chân của bạn phải "xịn" hơn thợ hồ, thợ hàn, thợ mộc, thợ nước, thợ điện. Vì như vậy bạn nói thợ mới nghe lời và họ bỏ bạn giữa chừng, bạn mới không khóc tiếng Mán giữa rừng.
Còn đầu óc? Đương nhiên cần. Vì bạn chỉ cần quyết sai độ cao đôn nền 5cm thôi, với 1-2.000m2 là đã "ném" đi gần trăm triệu. Ấy là chưa kể bạn phải chọn chiến lược để sống bằng mảnh đất của mình, nó cần "chất xám" dữ dằn lắm. Đó là vài kinh nghiệm nho nhỏ của mình gửi tới các bạn. Chúc các bạn thành công.
Hà Nhật Tân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.