Qua bài kiểm tra, cô bé được công nhận là trẻ có tài năng. Nhưng theo Anna Alexander-Reid, mẹ của em, Eva không thể phát triển tại trường học.
"Sau khi học lớp 1, Eva trở nên trầm tính, ngừng giao tiếp với mọi người xung quanh trừ gia đình. Vợ chồng tôi và giáo viên nhà trường không biết tại sao và phải làm thế nào với cháu", bà mẹ nhớ lại.
Mỗi ngày đi học với Eva như một sự tra tấn. Cô bé không thích trường học, bắt đầu có dấu hiệu bệnh trầm cảm. Mọi chuyện cuối cùng cũng thay đổi khi em chuyển trường, bỏ qua một vài lớp và bắt đầu học lớp 8 thay vì học lớp 4 như bạn bè đồng trang lứa.
Anna cho biết gia đình không cho rằng việc học nhảy lớp là lựa chọn đúng đắn, nhưng điều này mang lại niềm vui cho con gái họ. "Eva không còn lo âu, sợ hãi, mỗi ngày cháu đều háo hức được đi học và cố gắng kết bạn mới. Giờ đây gia đình tôi đã có thể yên tâm phần nào", bà mẹ nói thêm.
Giống với trường hợp của Anna, Lenny (ở thành phố Darwin, phía Bắc Australia) đang nuôi dạy hai con tài năng, Peter (11 tuổi) và Eva (9 tuổi). Hệ thống giáo dục phổ thông đã khiến hai đứa trẻ gặp khó khăn trong học tập.
"Các cháu cảm thấy buồn chán, không xác định được mục tiêu, không quan tâm đến lớp học, đặc biệt là Peter, cháu tìm mọi lý do để được ở nhà", Lenin nhớ lại và cho hay để thúc giục các con đến trường là trận chiến vô cùng đau đầu.
Sau khi gia đình cùng nhà trường ngồi lại tìm cách giải quyết, Peter và Eva được phép học vượt ba lớp. Từ đó, hai em dần yêu thích đến trường, chăm chỉ làm bài tập. Tuy nhiên, bà mẹ cho biết vì sống xa thành phố, hai con phải di chuyển đến các bang khác tại Australia hoặc ra nước ngoài để tham gia các chương trình dành cho trẻ tài năng.
"Hiện tại, Peter tham gia trại toán học tại Trung tâm Thanh niên Tài năng Johns Hopkins ở Mỹ, còn Eva tham gia trại toán học tại Boston, Anh. Điều này tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của gia đình", bà mẹ nói. Đó cũng là thiệt thòi cho các em vì không có cơ hội thường xuyên cọ xát với những bạn bè cùng lứa tuổi.
Câu chuyện của gia đình Anna và Lenny là trải nghiệm phổ biến ở trẻ tài năng khi được xếp vào những lớp học phổ thông không phù hợp với trình độ phát triển tư duy. Trẻ tài năng có nhu cầu đặc biệt nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu trong lớp học tại trường phổ thông. Từ đó dẫn đến việc giáo viên không thể cung cấp đủ kiến thức và đáp ứng nhu cầu phát triển tài năng khác nhau của các em.
Andrew Martin, giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học New South Wales (Australia) nhận xét: "Trẻ tài năng phải vật lộn trong hệ thống giáo dục, nơi các em thấy mệt mỏi vì giá trị bản thân được liên kết quá chặt chẽ với thành tích học tập".
Trong môi trường giáo dục phổ thông, học sinh phải cố gắng học đều các môn hoặc ít nhất không đạt điểm quá thấp. Điều này gây khó khăn cho trẻ tài năng, những người chỉ tập trung vào một hoặc một vài lĩnh vực nhất định. Ví dụ em có năng khiếu môn Toán có thể học rất giỏi môn này, bỏ xa các bạn cùng lớp, nhưng lại đạt điểm kém ở môn Văn.
Tuy nhiên, giáo sư Andrew cũng đánh giá việc học vượt có thể khiến trẻ tài năng hạn chế phát triển kỹ năng và kỷ luật mà các em cần có. Những kỹ năng này được bồi đắp thông qua phương pháp học tuần tự, đúng cách trong các chương trình giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, tuổi tác có thể là bức tường ngăn cách trẻ tài năng với những người bạn khác trong lớp. Sự khác biệt về tuổi khiến con người có những mối bận tâm, sở thích khác nhau, từ đó khó tìm được tiếng nói chung. Trẻ tài năng vì học vượt nên có thể thiếu mất những kỹ năng xã hội, từ đó càng khó khăn hơn trong việc làm quen và hòa đồng với những người hơn tuổi.
Tú Anh (Theo SBS Australia)