Nhưng không, theo nghiên cứu của các nhà giáo dục thì chơi với cát sẽ kích thích sự phát triển đồng đều của cả hai tay dẫn đến phát triển cân bằng cả hai bán cầu não và tăng khả năng tư duy. Sử dụng cả hai bán cầu não sẽ tốt hơn cho bé suốt cả cuộc đời sau này. Chơi với cát giúp bé rèn luyện khả năng tập trung vì bé được làm cái mình thích, bao lâu mình thích, chơi theo ý mình thích. Chỉ khi được làm như thế, bé mới có thể tăng khoảng thời gian tập trung dài dần lên. Và hoạt động dưới ánh nắng mặt trời là một trong những nguồn vitamin D dồi dào cho trẻ, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng rất nhiều.
Trẻ em bình thường, thích tò mò và hiếu động. Nên cứ mỗi lần cho học trò ra sân chơi, tất cả các bé đều tỏ ra rất phấn khởi. Tuần nào giáo trình cũng có vài lần thực nghiệm, cho trẻ vui chơi ngoài trời. Vậy mà sự nôn nao nhộn nhịp ấy, hình như chưa lần nào giảm bớt. Đặc biệt là trò chơi được hoạt động trải nghiệm với cát, nước, ngắm nhìn thiên nhiên, các bé được chủ động tưới cây, tưới hoa, rồi nhặt những chiếc lá vàng úa. Có khi phát hiện những rác thải của ai đó vô tình đánh rơi, các bé tự giác cùng nhau nhặt, cho vào thùng rác, cùng rủ nhau đi rửa tay....
Có thể nói rằng, việc được ra sân hoạt động, được vô tư, nô đùa chạy nhảy, sau giờ học tập trên lớp, tất cả trẻ cảm thấy rất hứng thú và say mê. Đó là nhờ vào những trải nghiệm với không gian của ánh sáng mặt trời, của từng cơn gió thay đổi theo mùa, của con bướm vàng bay lượn trên cành hoa, của con chuồn chuồn lượn lờ quanh sân, của tán lá bàng vào mùa thu đang thay nhau chuyển lá, hay chuẩn bị vào đông, sang xuân mà nhu nhú những mầm xanh mơn mởn. Các bé được tự do ngắm nhìn, được bàn luận những hiện tượng tự nhiên, bé nào cũng mạnh dạn tự tin đặt câu hỏi và nói lên suy nghĩ của riêng mình. Thông qua ý tưởng đó, cô giáo sẽ giải thích, và cùng trẻ ghi lại hiện tượng, rồi chờ đợi kết quả vào những ngày kế tiếp. Cũng từ đó, cô và trẻ cùng nhau nói lên cảm nhận về thời tiết, như khi vào mùa thu thì khí hậu sẽ mát dịu, nhè nhẹ từng làn gió thoảng qua, hay chuẩn bị vào đông thì từng cơn gió sẽ mang theo cảm giác nghe như se se lạnh.
Có lẽ, đây là một cách chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, rất hiệu quả, giúp ích cho sự phát triển các tiêu chí trong bộ chuẩn phát triển dành riêng cho trẻ mầm non, theo chương trình của bộ giáo dục và đào tạo. Trong đó, phát triển thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm xã hội, thẩm mỹ, và khám phá khoa học, đạt được từ việc cho trẻ hoạt động, học tập vui chơi dưới sân trường, với sự chuẩn bị có nhiều yếu tố tự nhiên rất cần thiết, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
>> 'Cha mẹ quát mắng con chỉ chứng tỏ sự bất lực'
Thiết kế những sân chơi, an toàn, phù hợp với từng độ tuổi. Sân chơi phải đảm bảo vệ sinh, an toàn, cho dù trẻ có chơi với cát, với nước, hoa kiểng, cây xanh, động vật... Song song với điều đó thì vấn đề kiến thức giáo dục chuyên môn của nhà trường cũng phải thật vững vàng, tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc góp ý phê bình cho giờ dạy, tiết dạy, giờ chơi của trẻ cũng phải đảm bảo quan điểm giáo dục khách quan, trên tinh thần chia sẻ, động viên nhiều hơn là chỉ trích.
Giáo dục mầm non hiện nay đang thực hiện chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm, thì phương pháp giáo dục cũng phải uyển chuyển theo lộ trình học tập. Có một số trường, một số cơ sở mầm non, chỉ thực hiện học cho có, nhưng xong chuyên đề thì đâu lại vào đấy. Khó khăn lắm để tìm ra những giáo viên năng động, sáng tạo thực sự, thể hiện giờ dạy cho trẻ linh động theo sở thích và hứng thú của trẻ. Bởi vì, khi lên một tiết dạy, phải chịu ảnh hưởng từ sự đánh giá của cấp trên dành cho mình. Và sự trật tự, chỉn chu trong từng câu hỏi, câu trả lời, như đã được lập trình sẵn. Nếu trẻ vì rất say sưa với câu chuyện này, tình huống nọ, mà xôn xao bàn tán ồn ào, hoặc có những phát biểu ngoài bài soạn, hay một vài trẻ cá biệt không chú ý, thì tiết dạy đó, xem như chưa đạt.
Vậy, làm thế nào, để một giáo viên dạy trẻ có thể toàn tâm toàn ý, khi thực hiện một bài giảng, một hoạt động vui chơi khi có người đang theo dõi và thẩm định? Trong khi sự tiếp nhận kiến thức là những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non, là sự xác định bằng cảm nhận trừu tượng, không phải đánh giá theo thang điểm, nếu muốn một giờ học như học mà đang diễn, thì làm cách nào để buộc khi trẻ vui chơi, học tập, trong giới hạn cho phép?
>> Thời đại 4.0 sao còn dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm bằng cách thực hành?
Khi cho trẻ ra sân hoạt động cũng vậy, mọi hình thức đều phải theo trình tự khuôn khổ. Nhưng thử hỏi, mọi việc cứ lặp đi lặp lại theo trình tự, trẻ con có còn hứng thú nữa hay không? Như vậy, trong một trường mầm non, vai trò của người hiệu phó chuyên môn phải cực kỳ quan trọng. Phải học tập cái mới nhất, truyền tải đến giáo viên nguồn năng lượng sáng tạo, và phải thấu hiểu giáo viên nhất. Chứ không phải chỉ biết quản lý bằng quy định, xử lý bằng mệnh lệnh. Lâu dần, việc dạy học chỉ xem như là đối phó, để hoàn thành nhiệm vụ và hưởng lương. Càng về sau, chúng ta sẽ không tìm ra những hạt giống sáng tạo, có những đóng góp có ích cho xã hội trong tương lai.
Muốn xây dựng được môi trường giáo dục luôn lấy trẻ làm trung tâm, thì tư tưởng của giáo viên cũng phải thay đổi, đi cùng việc nhà trường tạo nên những giáo viên tiên tiến gương mẫu, thì niềm hứng khởi được truyền tải vào bài dạy sẽ tăng theo cấp số nhân, hiệu quả đào tạo con người theo đó mà nâng lên tầm cao mới.
Trẻ con sẽ năng động hoạt bát khi được tắm dưới ánh nắng, được nô đùa chạy nhảy. Tôi chú ý quan sát, các học sinh của mình, khi các con đắm mình trong cát, bé thì xây dựng lâu đài, bé thì làm bánh, bé thì thì nghiệm với việc cho cát vào chai rồi đong đo, cân đếm, ước lượng. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng sự giáo dục cho trẻ mầm non thật nhẹ nhàng, nếu như người lớn chỉ cần lấy trẻ làm trung tâm, cho trẻ phát huy sáng tạo, cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Trong xã hội, mọi vấn đề đều có những giá trị, mà thành quả của các nhà khoa học đã tìm thấy từ việc quan sát hiện tượng tự nhiên, thế giới xung quanh, đã cống hiến rất nhiều cho sự phát triển của thế giới loài người như: Thomas Edison, Albert Einstein...
>> Đưa con đến trường, cha mẹ đừng chỉ biết 'trăm sự nhờ cô'
Bất cứ, hình thức phản áp đặt lên tư duy, lên suy nghĩ, cũng sẽ làm ngưng trệ sự phát triển của tài năng. Và điều đó, bắt đầu từ cấp học đầu tiên, nếu trẻ luôn bị từ chối, luôn bị cho rằng điều này nhất định đúng, hoặc điều kia nhất định sai, thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không là người thầy phát triển tài năng, ươm mầm tri thức một cách tự nhiên nhất. Tôi còn nhớ rất rõ câu nói nổi tiếng về giáo dục: "Một giáo viên bình thường kể chuyện. Một giáo viên giỏi giải thích. Một giáo viên xuất sắc chứng minh. Một giáo viên vĩ đại truyền cảm hứng" - Nhà giáo dục William Arthur Ward.
Lấy trẻ làm trung tâm là một chuyên đề cần thực hiện thường xuyên và lâu dài trong trường học. Và các giờ hoạt động ngoài trời cần tận dụng trong sự tự nhiên tối đa, theo nhu cầu sở thích của trẻ. Trong đó vai trò của các giáo viên mầm non không nhỏ, đồng thời cũng rất cần sự chung tay của các nhà quản lý giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi, thay đổi việc đánh giá nhận xét giáo viên theo xu hướng họ đã truyền tải đến học sinh những điều gì, chứ không nên rập khuôn, theo cảm xúc cá nhân mà quên đi kết quả học sinh sẽ nhận được từ những giáo viên mạnh dạn, tự tin, hết lòng vì học trò. Phải kịp thời, khuyến khích, chung tay với họ để làm nên một môi trường giáo dục luôn lấy trẻ làm trung tâm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.