Tại talkshow trực tuyến Học sinh tiểu học học online - Thách thức hay cơ hội? do trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức sáng 28/2, thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga cho rằng phụ huynh băn khoăn về chất lượng học online với học sinh tiểu học, đặc biệt lớp 1, 2, đến từ việc không có niềm tin sẽ hiệu quả. "Tôi hiểu bố mẹ hoang mang khi con ngồi trước màn hình máy tính lâu, lo lắng về sức khỏe và chất lượng học. Thế nhưng liệu chỉ khi học online, chúng ta mới cần băn khoăn về chất lượng học hay không?", cô Nga đặt câu hỏi.
Dẫn báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, cô Nga cho rằng không nên đồng nhất "đến trường" và "học tập" vì hai việc này đôi khi không diễn ra cùng nhau. Ngân hàng Thế giới đưa ra ba khái niệm thường bị dùng lẫn gồm "giáo dục", "đến trường" và "học tập". Nếu thầy cô, phụ huynh và học sinh đều không hướng về mục tiêu chung là học tập, ba khái niệm này không đồng nhất.
Với kinh nghiệm trong giáo dục phát triển học sinh phổ thông và đặc biệt tâm lý học đường, cô Nga khẳng định học tập là quá trình tiếp nhận, tạo nên sự thay đổi về nhận thức và hành động, giúp bản thân trưởng thành. Học không chỉ gói gọn trong kiến thức học thuật, đến từ môn học mà còn là kỹ năng mềm cần thiết khác.
Cô Nga mở balo của một học sinh lớp 1, thấy bé biết xếp sách khổ lớn dưới cùng, các quyển nhỏ hơn ở trên, bình nước cá nhân để bên cạnh và các đồ lặt vặt cất riêng ngăn khác. Bé 6 tuổi đã được dạy hoặc quan sát từ người khác, từ đó rút ra cách bày trí của riêng. Đây cũng là quá trình học tập để bản thân hoàn thiện. "Từ khá lâu rồi, chúng ta đã rời xa bản chất này của việc học, nhưng đến khi học online mới nhận ra", cô Nga nói.
Thứ nhất, cô cho rằng học online là cơ hội đầu tiên giúp bố mẹ được "tham gia" vào lớp cùng con. Trên lớp, học sinh và giáo viên cùng ở không gian tập trung. Khi được yêu cầu làm toán, viết bài, một học sinh không thích hoặc vốn không giỏi hai môn này vẫn chấp hành vì cả lớp đều làm thế, có thể gọi là tâm lý đám đông. Khi đó, phụ huynh chỉ thấy con mình cũng đang học mà không thực sự biết liệu đứa trẻ hiểu, nhận thức và tiếp thu bài ra sao.
Đến khi ngồi cạnh con ở lớp học online, nhiều bố mẹ mới sững sờ khi thấy trẻ làm sai bài hoặc không viết được theo yêu cầu của giáo viên. Từ đó, phụ huynh cho rằng học online không chất lượng, dù bản chất việc trẻ không tập trung hoặc không bắt nhịp được như các bạn vẫn diễn ra ngay trên lớp.
Thứ hai, khi thấy con không học được, phụ huynh sẽ lo lắng nên thường can thiệp vào bài tập. Việc này vô tình biến sản phẩm không còn là của chính học sinh nữa, và những gì các em học được từ chính "sản phẩm lỗi" trước đó lại càng ít hơn.
Ngoài ra, thông thường, phụ huynh kỳ vọng con tiếp thu được kiến thức học thuật mà vô tình quên rằng việc trẻ được dạy, quan sát để phát triển kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, sắp xếp thời gian, đồ dùng cá nhân (như bé lớp 1 biết xếp balo) cũng là học tập. Việc học online không phải là vấn đề, nó chỉ vô tình khiến chúng ta nhận ra việc học của con cái đang không như mong muốn, cô Nga nói.
Chị Trương Thị Lan Anh, mẹ của hai con lớp 1 và 8, chia sẻ khi nhận được thông báo học online của trường, chị khá phân vân với bé lớp 1. Những buổi đầu, con thường vào giờ chậm, quên nhiệm vụ và tương tác trên thiết bị không nhanh.
Chị quyết định tham gia học online cùng con trong vai trò hỗ trợ và nhận ra "học online không như mình nghĩ". Giáo viên luôn cố gắng tạo ra bài giảng sinh động, sử dụng âm nhạc để dễ tiếp thu và học sinh hứng thú hơn hẳn. Khi đóng vai trò hỗ trợ, chị nhắc nhở mỗi khi con lơ đãng hay quên nhiệm vụ. "Chẳng hạn hôm nay cô giáo giao 4 việc, con mới nhớ được 1-2 thì mình sẽ nhắc làm nốt. Dần dần, con bắt nhịp được", chị nói.
Đồng tình với quan điểm này, dẫn lại ba chủ thể của việc học là học sinh, phụ huynh và giáo viên, cô Nga cho rằng để việc học online chất lượng, giáo viên cần duy trì tương tác 1-1 với học sinh và sinh động hóa bài giảng. Việc tương tác 1-1 nghe có vẻ vô lý trong một lớp hàng chục học sinh, tuy nhiên thầy cô có thể làm việc này cả trong và ngoài giờ học. Chi khi học sinh và gia đình cảm thấy được quan tâm, động lực học tập mới được duy trì mạnh mẽ.
Bố mẹ nên đóng vai trò hỗ trợ, nhắc nhở và không nhất thiết quá hoang mang. Việc quan trọng là giúp các em thực sự học, làm ra sản phẩm và rút kinh nghiệm từ những điều chưa làm tốt, không chỉ đơn thuần là ngồi ngoan trước màn hình máy tính. Hình thức học nào cũng không đạt chất lượng nếu ba chủ thể học sinh, phụ huynh và giáo viên không cùng "trỏ về" mục tiêu học tập. Học online sẽ là xu thế mới của thế giới, nên thay vì loại bỏ, mỗi gia đình, nhà trường cần bắt nhịp và thích nghi.
"Nếu các bên sẵn sàng, bố mẹ có điều kiện hỗ trợ con cái, thầy cô đủ năng lực chuyển đổi phương pháp học và chính học sinh đã được làm quen, sẵn sàng với hình thức học này, tại sao không học online?", cô Nga nói.
Thanh Hằng