Là trường trung học liên cấp duy nhất tại xã Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP HCM, trường THCS-THPT Thạnh An triển khai dạy online theo đúng kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Để phòng chống dịch, nhiều giáo viên hiện ở quê hoặc khu trung tâm TP HCM ở yên tại chỗ, chưa tập trung tại trường.
Trường đã giới thiệu cho giáo viên nhiều phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến miễn phí, bảo mật và để thầy cô tự lựa chọn. Hiện phần lớn chọn Google Meet hoặc Zalo bởi các ứng dụng này thuận lợi cho việc giảng dạy. Sau nửa tuần triển khai dạy trực tuyến, chỉ khoảng 70% học sinh bậc THCS và 90% bậc THPT tham gia buổi học. Học sinh cuối cấp ở lớp 9 và 12 tham gia đông đủ nhất bởi ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi THPT.
"Đường truyền, wifi trên đảo yếu, riêng ấp Thiềng Liềng mạng rất chập chờn. Các em chủ yếu học online bằng điện thoại, phần lớn là mượn cha mẹ, máy vi tính gần như không có", thầy Ngọc cho biết. Năm ngoái, với số học sinh tương đương, theo thống kê của trường, chưa tới 10 em có máy vi tính.
Phụ huynh trên đảo phần lớn là dân đi biển, ít có thời gian quan tâm con cái. Những em lớp 6-7 ý thức tự giác chưa cao, khi không có cha mẹ giám sát không tập trung học. "Trường giao cho giáo viên liên hệ với phụ huynh, động viên họ đôn đốc con em tham gia học đầy đủ. Riêng giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên quan tâm với học sinh, nắm bắt tình hình sát sao", thầy Ngọc nói.
Dù vậy thầy Ngọc chia sẻ việc dạy và online ở trường khó đạt hiệu quả như các trường khác trong huyện Cần Giờ, càng không thể bằng trường ở các quận trong thành phố. Thầy trò đang cố gắng khắc phục sự thiếu thốn. Nếu tình hình sớm ổn định, trưởng mở cửa, giáo viên sẽ dành tuần đầu củng cố kiến thức đã dạy online, sắp xếp buổi ngoài giờ phụ đạo học sinh yếu.
Khi Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 1, tỉnh Hà Nam cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán sớm, dự kiến 17/2 trở lại trường, nhưng sau đó kéo dài đến hết ngày 28/2 và chuyển sang học online. Dù không bất ngờ, cô Hồng Minh, 52 tuổi, giáo viên lớp 5 một trường tiểu học vùng nông thôn huyện Duy Tiên, khẽ thở dài.
Phương án và kế hoạch dạy trực tuyến đã được trường tính từ trước Tết Nguyên đán nên giáo viên không còn bỡ ngỡ như năm ngoái. Nhưng về phía học sinh, nhất là vùng nông thôn, học online gặp nhiều khó khăn. Cô giáo cho biết đa số gia đình ở vùng nông thôn không mua laptop cho con, phụ huynh làm nông hoặc công nhân nên cũng không có nhu cầu dùng. Để học online, học sinh phải mượn điện thoại của bố mẹ, người thân nên không chủ động thời gian.
Khi lên nhóm lớp thông báo kế hoạch học online với phụ huynh, cô Minh "đau đầu" vì "chín người mười ý". Nhiều phụ huynh muốn học buổi tối để giám sát và cho con mượn điện thoại nhưng nếu chỉ học một buổi sẽ không kịp chương trình. Vì không dùng máy tính, hầu hết gia đình nông thôn sẽ sử dụng gói mạng 4G đăng ký trực tiếp từ sim điện thoại chứ không nối mạng dây hoặc wifi. Do đó, đường truyền Internet để các em học bài không tốt.
Năm ngoái khi dạy online, mỗi tiết học 40 phút, nhưng cô Minh dạy chậm hơn, thường kéo dài đến 60 phút để những em bị thoát ra khi truy cập lại vẫn có thể hiểu bài. "Thiết bị không chất lượng, đường truyền kém cũng khiến việc học trở nên vất vả, không đem lại hiệu quả như mong muốn", cô Minh bộc bạch.
Cũng bởi cơ sở vật chất hạn chế, việc 100% học sinh các lớp có thể học online là điều gần như không thể. Cô và các giáo viên khác phải tranh thủ sau giờ học kèm thêm cho một số em không thể tham gia các lớp học trực tuyến. "Tôi mong việc học online không phải kéo dài, cô trò sớm được trở lại trường", cô Minh nói.
Ở các trường vùng cao, việc dạy online cũng gặp khó. Tại Lào Cai, thầy Nguyễn Đắc Chiến, Phó hiệu trưởng phụ trách Tiểu học Thanh Kim, huyện Sa Pa, cho biết ngày 17 đến 21/2, khi UBND tỉnh cho học sinh nghỉ chống dịch, trường không tổ chức học trực tuyến.
Năm ngoái, khi học sinh dừng đến trường gần 3 tháng, trường Thanh Kim và nhiều đơn vị khác tổ chức ôn tập cho các em bằng cách in phiếu bài tập Toán, Tiếng Việt, phát cho giáo viên chủ nhiệm đưa đến nhà học sinh. Nếu xa, giáo viên gửi trưởng thôn phát hộ trong lúc đi tuyên truyền người dân phòng tránh dịch. Mỗi tuần, thầy cô chuẩn bị 5 phiếu cho một học sinh, đảm bảo mỗi ngày các em đều có một phiếu. Đến tuần sau, giáo viên sẽ phát phiếu mới đồng thời thu lại phiếu cũ, bài tập đã làm của các em để chấm và nhận xét.
Thầy Chiến chia sẻ, trong hơn 200 học sinh trường Tiểu học Thanh Kim, phần lớn là con em dân tộc thiểu số. Các em chủ yếu tự học, không có sự kèm cặp của bố mẹ, lại thường đi rừng kiếm củi bán lấy tiền nên đa số không quan tâm nhiều đến việc học. "Việc duy trì đủ sĩ số trong những buổi học trên lớp còn khó, việc học online là bất khả thi, ngay cả phiếu bài tập thu được 50% học sinh hoàn thành là tốt lắm rồi", thầy nói.
Chưa kể, học sinh của trường thường không có máy tính hoặc điện thoại thông minh. Ngay cả khi sở hữu thiết bị hiện đại, học sinh cùng lắm là đọc được báo mạng vì khu vực này sóng chập chờn, không đủ mạnh. "Tuần sau, tôi rất vui khi học sinh được trở lại trường học tập trung. Mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để thầy trò được đến trường, không bị gián đoạn học tập", thầy Chiến bộc bạch.
Tại nhiều trường ở Tây Nguyên, một số tỉnh Nam Bộ, việc học trực tuyến trong những ngày nghỉ chống dịch đơn thuần là giáo viên giao bài tập qua email hoặc Zalo để phụ huynh đôn đốc con em học. Việc dạy online với sự tương tác giữa thầy cô và học trò rất hạn chế.
Trong 63 tỉnh, thành, 14 địa phương đã cho học sinh đi học bình thường từ sau Tết Nguyên đán, các tỉnh thành còn lại cho học sinh dừng đến trường. Ngành giáo dục yêu cầu nhà trường tổ chức dạy và học theo đúng chương trình năm học 2020-2021 với hình thức phù hợp, trong đó chủ yếu chuyển sang dạy online.