Nhiều năm lãnh đạo trường phổ thông có nhiều cấp học (từ tiểu học đến THPT), thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, nhận thấy ảnh hưởng rõ rệt của việc dạy học online đến kiến thức, tâm lý của học sinh. Những em lớp 1, 2, 3 và học sinh cuối cấp lớp 9, 12 bị ảnh hưởng nhiều nhất. "Học online chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện phòng chống dịch, tức chỉ vớt vát, có vẫn hơn không, chất lượng rất hạn chế", thầy Khang nói.
Chẳng hạn với lớp 1-3, các em còn quá nhỏ, khả năng tập trung thấp, cần sự trợ giúp mới có thể sử dụng Internet hay thao tác trên máy tính. Đây là nhóm tiếp thu được ít nhất từ học online. Vì thế, TP Hải Phòng phải yêu cầu các trường tiểu học thay đổi cách dạy cho phù hợp theo hướng ôn lại bài cũ, không dạy kiến thức mới ở lớp 3, 4, 5 và dừng dạy online với lớp 1, 2.
Với học sinh cuối cấp, năm học 2019-2020 các em đã trải qua khoảng 3 tháng học online, có trường chỉ dạy được 1-2 tháng, còn lại nghỉ. Năm nay, ngay cả khi trường học mở cửa đón học sinh từ ngày 1/3, học sinh nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM cũng phải học online gần một tháng. Việc học này, theo thầy Khang, mới dừng ở mức đếm đủ số đầu bài theo chương trình, động đến đủ phần nội dung. Kiến thức thực chất, học sinh không thể nắm bắt đầy đủ như học trực tiếp. Chưa kể hiện trong thiết kế bài giảng, phần thí nghiệm, thực hành đã được đưa vào nhiều hơn, học online không thể truyền tải.
"Nếu chia bốn mức là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì học online chưa đáp ứng được mức vận dụng và vận dụng cao. Còn nói bằng con số, hiệu quả của phương pháp học này không quá 50% so với học trực tiếp. Nếu kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT không được giảm tải nội dung, học sinh cuối cấp năm nay sẽ rất khó khăn", thầy Khang nhận định.
Dù không đánh giá cao hiệu quả dạy và học online, thầy Khang cho rằng không có giải pháp nào tốt hơn trong tình huống phải giãn cách, học sinh không đến trường. Để đảm bảo học sinh nắm bắt tốt kiến thức, các trường cần chú trọng rà soát nội dung bài dạy online khi học sinh trở lại trường để xem các em nắm đến mức nào, từ đó có kế hoạch bù đắp. "Nhà trường không thể tự an ủi học online là hoàn thành một phần chương trình rồi nên không cần xem lại nữa. Như vậy là không ổn, ảnh hưởng đến chất lượng", thầy Khang nói.
Cùng nhận định trên, một giáo viên Vật lý trường THPT ở TP HCM cho rằng nếu việc học online kéo dài sẽ rất thiệt thòi cho học sinh. Năm ngoái, khi học sinh đột ngột chuyển việc học tập trung sang online, không ít nhà trường và giáo viên bị động, lúng túng. Lứa học sinh lớp 11 năm ngoái, nay bước sang lớp 12 thiệt thòi nhất bởi hai năm liên tiếp việc học bị gián đoạn, trong khi lại sắp bước vào kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh.
"Ở thành phố, giáo viên dễ dàng triển khai các loại ứng dụng dạy học, thậm chí có phần mềm do nhà trường cung cấp. Phương tiện dạy và học của cả thầy lẫn trò đều tốt, nhiều học sinh được cha mẹ sắm cả laptop và điện thoại tốt. Nhưng tôi biết nhiều đồng nghiệp ở quê không được như vậy, sự chênh lệch này rất lớn", thầy giáo lấy ví dụ.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP HCM, cho rằng thầy cô cố gắng bằng nhiều cách giúp học sinh ôn tập kiến thức cũ, học bài mới, nhưng vẫn còn những "lỗ hổng" khó bù đắp khi học online. Đó là kiến thức mà các em không thể nắm chắc, cặn kẽ so với học trên lớp. Các em lớp 1, 2 thường không thể tập trung quá 30-40 phút trước màn hình điện thoại hay máy tính, chưa kể còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Học sinh không thể tương tác, đặt câu hỏi trực tiếp với giáo viên, lắng nghe giải đáp từ thầy cô.
Theo thầy Sơn, nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp, việc học online là không thể tránh khỏi. Để đạt hiệu quả, ngành giáo dục cần có phương án tối ưu, không nên dừng lại ở việc ra hướng dẫn thực hiện chung. Bởi thực hiện ra sao phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ở từng trường, giáo viên.
Ngành giáo dục cần chuẩn bị phần mềm dạy học có bản quyền, tập huấn cho toàn thể giáo viên, xử lý tình huống, hướng dẫn sử dụng cho cả phụ huynh và học sinh. Hiện, mỗi địa phương, mỗi trường, thậm chí mỗi giáo viên, tùy theo điều kiện lại sử dụng ứng dụng riêng như Teams, Google Meet, Zoom, Zalo, Facebook... gây thiếu nhất quán, khó khăn cho cả người dạy lẫn học sinh và phụ huynh.
Với góc nhìn lạc quan hơn, nhà giáo Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng Covid-19 là cơ hội để hiện đại hóa nền giáo dục và cũng là thách thức với các nhà quản lý giáo dục, giáo viên. Xu hướng giáo dục hiện không còn coi nhà trường là nơi duy nhất có thầy cô truyền đạt kiến thức. Với Internet, ngồi một chỗ, học sinh cũng có thể học hỏi nhiều điều, tìm nhiều kiến thức mới. Nhưng giữa muôn trùng thông tin, thầy cô rất quan trọng khi trở thành người định hướng, chỉ bảo các em chọn điều hay.
Từ góc nhìn đó, bài dạy online không thể đơn thuần là "bê" nguyên xi bài giảng trên lớp rồi truyền đạt cho học sinh thông qua hình thức trực tuyến. Học online đòi hỏi nhà trường phải thay đổi để có cách tiếp cận mới. "Thầy cô phải biến hóa mỗi bài dạy để nó trở nên hấp dẫn hơn, tạo ra nhiều hoạt động để các em có thể tự tìm hiểu, làm việc nhóm để thu nạp kiến thức", thầy Điệp nói.
Năm học 2019-2020, do Covid-19 bùng phát, 22 triệu học sinh cả nước mất 3 tháng dừng đến trường, chuyển sang học online, học qua truyền hình hoặc các hình thức khác. Năm học 2020-2021, học sinh cả nước tiếp tục mất 2-3 tuần học online. Hiện 27 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ hết tháng 2, dự kiến trở lại trường vào đầu tháng 3. 36 địa phương đã cho học sinh đi học vào các ngày 17/2 và 22/2 để đảm bảo chương trình năm học, tránh hổng kiến thức.