Ngày 28/1, cả nước phát hiện 84 ca nhiễm nCoV cộng đồng, riêng Hải Dương 73 ca, đều ở TP Chí Linh. Ngay trong ngày, UBND tỉnh Hải Dương đã cho hơn 450.000 học sinh, sinh viên nghỉ đến khi có thông báo mới. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các trường lên phương án dạy học online để đảm bảo kiến thức cho học sinh, hoàn thành kế hoạch năm học.
Hiện toàn tỉnh ghi nhận 2 giáo viên, 41 học sinh nhiễm nCoV; 137 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 1.121 học sinh diện F1 đang cách ly tập trung; 2.010 cán bô, giáo viên, 15.350 học sinh là F2. Với số học sinh, giáo viên phải điều trị và cách ly khá đông, việc duy trì hoạt động giáo dục ở tỉnh chia làm hai mảng khác biệt.
Tại huyện Thanh Miện, hầu hết trường đã triển khai dạy online. Thầy Lê Văn Lục, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Miện, cho biết từ năm ngoái Ban giám hiệu đã rà soát học sinh không đủ điều kiện học, động viên gia đình lắp Internet, quyên góp hỗ trợ thiết bị học cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì thế, 100% học sinh của trường tham gia học online trong năm nay.
Trong tuần 1-7/2, trường Thanh Miện chưa triển khai học mà giao bài cho học sinh ôn tập, bắt đầu dạy học online từ 17/2. Thầy cô dạy theo thời khóa biểu như trên lớp, buổi sáng 4 tiết, nếu thiếu sẽ học vào chiều. Các tiết học diễn ra tương đối nhẹ nhàng, quy củ. Giáo viên đánh giá học sinh dựa vào sự chuyên cần, kiểm tra miệng và lấy điểm trực tiếp. Riêng điểm kiểm tra giữa và cuối kỳ, nhà trường sẽ cho các em hoàn thành khi học tập trung trở lại.
Nhận thấy phần mềm Zoom có thể bị thoát ra trong lúc học hoặc bị người lạ truy cập, Ban giám hiệu trường Thanh Miện chuyển sang sử dụng Microsoft Teams. "Khi dự giờ, tôi chỉ cần nhấp chuột vào lớp học đang sáng đèn, nghĩa là đang diễn ra buổi học. Việc này thuận tiện và nhanh hơn việc nhập mã số, mật khẩu của các lớp học Zoom", thầy Lục nói.
Hiệu trưởng Lục đánh giá hiện tinh thần giáo viên, học sinh ổn định, không hoang mang hay lo lắng vì hiểu học online là biện pháp chống dịch tất yếu. "Nhờ việc chủ động, triển khai sớm, chúng tôi thấy việc học online đạt kết quả tương đối tốt, đảm bảo 80-90% chất lượng so với học trực tiếp", thầy Lục đánh giá.
Tại huyện Gia Lộc, nơi có một ca nhiễm và không tăng trong những ngày qua, trường THPT Đoàn Thượng cũng chủ động dạy online từ cuối tháng 1, ngay khi nhận thông báo học sinh dừng đến trường, tuân thủ tiến độ học như trên lớp.
Thầy Đỗ Văn Thiện, Phó hiệu trưởng trường Đoàn Thượng, chia sẻ trường xây dựng kế hoạch học online từ đầu năm học 2020-2021, cải thiện tốc độ Internet, đường dây điện, đồng thời tập huấn bài bản cho giáo viên. Do đó, khi triển khai học online, 100% học sinh của trường tham gia.
Tuy nhiên, vì số ca bệnh ở Hải Dương vẫn tăng từng ngày, Ban giám hiệu trường Đoàn Thượng luôn chuẩn bị phương án học sinh, giáo viên thuộc diện F0 hoặc F1. Nếu các em phải đi cách ly tập trung và sử dụng được thiết bị điện tử, việc học online vẫn diễn ra. Trường hợp ngược lại, trường sẽ bố trí ban cán sự lớp, giáo viên cung cấp tài liệu và giải đáp thắc mắc, dạy bổ trợ khi học sinh về nhà. "Chúng tôi không bỏ lại học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào", thầy Thiện nói.
Ở những ổ dịch như TP Chí Linh, nơi có nhiều học sinh diện F1, việc học online không được suôn sẻ. Thầy Bùi Đình Thắng, Hiệu trưởng trường THCS Sao Đỏ, cho biết hơn 130 học sinh, 46 giáo viên cách ly tập trung tại trường từ ngày 1/2 do một cô giáo nhiễm nCoV. Đến 11/2 (30 Tết), một học sinh nhận kết quả dương tính nên 17 em liên quan đến bệnh nhân này vẫn tiếp tục cách ly tại trường, những người còn lại được về nhà vào ngày 16/2.
Trường THCS Sao Đỏ bắt đầu dạy online từ ngày 17/2. Vì 17 học sinh chưa về nhà cùng ở lớp 6D, Ban giám hiệu quyết định tạm thời không dạy online cho cả lớp 6D. Thầy Thắng lý giải, số học sinh cách ly đã chiếm khoảng 50% sĩ số cả lớp, nếu học online phải dạy hai lần với nội dung y hệt nhau, sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của gia đình và chính những em không được học.
Thầy Thắng dự tính học sinh sẽ bị lỡ chương trình khoảng 2 tuần, học bù bằng việc tăng mỗi ngày 2 tiết hoặc chuyển học bài mới vào buổi chiều thay vì chỉ ôn tập như trước. "Tôi cũng xác định thời gian đầu sẽ bị chậm, nhưng sau sẽ ổn định được và vẫn đảm bảo kế hoạch năm học", thầy Thắng chia sẻ.
Tại huyện Kinh Môn, thầy Lưu Thành Đạt, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Ninh, vẫn tiếp tục cách ly cùng 17 giáo viên, học sinh lớp 2A. Theo kế hoạch, ngày 21/2, thầy trò trường Lê Ninh sẽ rời trường Mầm non Phạm Thái vì đã cách ly đủ 21 ngày, tuy nhiên do một người dân phát hiện dương tính nên thời gian cách ly tiếp tục kéo dài.
Thầy Đạt cho biết việc học online ở khu cách ly rất khó khăn do hệ thống mạng chập chờn, thiết bị không đầy đủ. Nếu đăng ký gói mạng 3G trên điện thoại di động, cước phí sẽ cao so với mức chi trả của học sinh và gia đình các em. Do đó, thầy cô trong khu cách ly chỉ có thể giao bài cho học sinh nhằm giúp các em đỡ buồn chán, tránh quên kiến thức.
Hiện, trường Tiểu học Lê Ninh đã triển khai học online từ sau Tết Tân Sửu. Thầy Đạt dự tính sau khi các em ở khu cách ly được về nhà, trường sẽ dạy bù riêng. "Việc này chắc chắn sẽ khó khăn, nhất là khi các bạn đã học được một tuần, mình có thể sẽ bị chậm tiếp một tuần nữa. Tuy nhiên, điều may mắn là chương trình lớp 2 không quá nặng và số tiết cũng ít hơn các lớp trên", thầy Đạt nói.
Đến 22/2, 36 tỉnh, thành đã cho học sinh trở lại trường học tập trung, Hải Dương nằm trong nhóm vẫn cho học sinh ở nhà đến khi có thông báo mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến, "làm hiệu quả và chắc chắn hơn năm ngoái". Do đó, các Sở yêu cầu trường học lên phương án dạy online hoặc qua truyền hình, đảm bảo kế hoạch năm học.
Tính từ ngày 28/1 đến nay, Hải Dương có số ca Covid-19 cao nhất - 617 trên tổng số 800 ca của cả nước. Dịch đã lan ra tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh cách ly xã hội từ 0h ngày 16/2, lập 949 chốt kiểm soát (29 chốt tỉnh, 108 chốt huyện và 812 chốt xã).
Thanh Hằng