Chiều 31/1, thầy Bùi Đình Thắng, 46 tuổi, Hiệu trưởng trường THCS Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, nhận cuộc gọi của cô giáo dạy lớp 6, báo dương tính nCoV, trở thành "bệnh nhân 1814". Có chút hoang mang, thầy vẫn động viên cấp dưới yên tâm chữa bệnh, đồng thời phối hợp truy vết các F. Qua rà soát hơn 1.000 học sinh, giáo viên toàn trường, ngành y tế xác định 182 F1, còn lại là F2, F3.
Thầy Thắng nhanh chóng thông báo kết quả truy vết cho giáo viên toàn trường, giao thầy cô chủ nhiệm báo về các lớp để "chuẩn bị tinh thần đi cách ly bất cứ lúc nào". Phần mình, thầy "làm công tác tư tưởng" cho vợ con về ngày Tết vắng người đàn ông trụ cột.
Vài tiếng sau, thầy nhận lệnh của UBND TP Chí Linh, yêu cầu những người diện F1 đến trường THCS Sao Đỏ cách ly tập trung. Mang theo chiếc balo chỉ đựng vài bộ quần áo, trước khi cùng nhân viên y tế rời nhà, thầy chỉ mỉm cười và khẽ gật đầu nhìn người thân, không muốn khoảnh khắc tạm biệt quá sướt mướt hay nặng nề. Cùng với 181 học sinh và giáo viên khác, thầy được cách ly 21 ngày tại chính ngôi trường mình đang làm hiệu trưởng, bắt đầu từ 1/2.
Đến trường, thấy nhiều giáo viên, học sinh mắt đỏ hoe, thầy Thắng động viên từng người. Nhiều phụ huynh nhắn tin, gọi điện xin được đi cùng con, thầy giáo phải trấn an: "Vì các em có thể tự làm vệ sinh cá nhân, lại có giáo viên đi kèm nên phụ huynh không cần quá sốt ruột". Thấy một số học sinh tỏ ra người lớn, động viên ngược lại bố mẹ, thầy giáo tạm yên tâm.
"Tôi xác định ngoài làm công tác quản lý thì còn là đàn ông trụ cột của trường, cần vững vàng và bình tĩnh thì mới có thể động viên, trở thành chỗ dựa tinh thần cho học trò, phụ huynh và cấp dưới", thầy nói. Đêm đó, dù đã báo với gia đình "Bố ổn, mẹ con đừng lo lắng", thầy hiệu trưởng vẫn thao thức, phần vì lạ giường, phần vì lo lắng về kết quả xét nghiệm của hơn 180 thầy trò.
Ngày đầu tiên cách ly, thầy không mặc những bộ đồ nghiêm túc như thường lệ mà ăn vận đơn giản với chiếc áo len, dép lê và đội mũ, dậy sớm quét sân. Một số học sinh ngủ dậy, ngơ ngác một lúc mới nhận ra thầy hiệu trưởng vì quá khác với mọi hôm. Thầy Thắng đùa "Chắc đây là hình ảnh lạ lẫm nhất của tôi khi xuất hiện ở trường".
Ở khu cách ly, thầy cô thường dậy từ 6h sáng, sớm hơn học sinh nửa tiếng, sau đó gọi các em dậy, hướng dẫn gấp chăn màn và vệ sinh cá nhân. Đến 7h, giáo viên hỗ trợ nhân viên chia cơm cho học sinh ở phòng mình. Trường THCS Sao Đó có 25 lớp học, trong đó 23 lớp dùng cho việc cách ly, mỗi lớp 8 học sinh và giáo viên. Thấy nhiều em buồn chán, quanh quẩn trong không gian nhỏ, thầy liên lạc với chính quyền và một số tổ chức xin sách để xây dựng giá sách tại mỗi phòng.
Thầy Thắng cho hay cơ sở vật chất trong trường khá đầy đủ, tuy nhiên bất tiện nhất là việc vệ sinh. Cả trường THCS Sao Đỏ chỉ có một khu vệ sinh của học sinh trong khi số lượng người cách ly khá đông, gây nhiều bất tiện. Nhiều em chưa làm làm tốt vệ sinh cá nhân, hiệu trưởng và giáo viên phải trực tiếp hỗ trợ.
Dù cách ly, thầy hiệu trưởng không được rảnh rỗi như người bình thường, vẫn phải giải quyết công việc và báo cáo tình hình hàng ngày với cơ quan y tế. Điện thoại thầy đổ chuông gần như liên tục, ngoài nhận chỉ đạo từ phía cấp trên, gia đình cũng sốt ruột hỏi thăm. Những người cách ly phải hạn chế gặp gỡ và tiếp xúc với nhau, thầy Thắng lập nhóm chat để nắm bắt thông tin kịp thời từ các phòng, đồng thời chia sẻ chỉ thị từ cấp trên.
Ba ngày qua, thông tin khiến thầy Thắng hạnh phúc nhất là toàn bộ học sinh, giáo viên đang cách ly âm tính với nCoV. Cầm điện thoại thông báo cho gia đình, giáo viên, phụ huynh, tay thầy run run. "Phần lo nhất đã được giải quyết, tư tưởng của thầy trò cũng thoải mái hơn rất nhiều nên việc cách ly không còn quá nặng nề như ngày đầu", thầy giải thích. Đêm đó, lần đầu tiên thầy ngon giấc kể từ khi nhận tin TP Chí Linh trở thành ổ dịch trong đợt lây nhiễm từ 28/1.
24 năm trong công tác trong ngành giáo dục, 2 năm làm hiệu trưởng trường THCS Sao Đỏ, từng đón Tết xa nhà, thầy Thắng cho rằng đây sẽ là "chuyến công tác" không thể nào quên khi gia đình không được sum vầy dù chỉ cách nhau chưa đầy 10 km. "Dịch bệnh không ai mong muốn, nhưng vì sức khỏe của mình và cộng đồng, thầy trò cùng động viên nhau vượt qua. Nhìn về mặt tích cực, được đón Tết cùng học sinh là một trải nghiệm không phải lúc nào cũng có. Đây chắc chắn là cái Tết đặc biệt nhất trong đời tôi", thầy nói.
Thanh Hằng