Mấy ngày nay, tôi thấy có khá nhiều bài viết về vấn đề môn thi vào lớp 10 khi Bộ Giáo dục đưa dự kiến về môn thi thứ ba. Các ý kiến phần lớn nghiêng về quan điểm là cố định ba môn Toán, Văn, Anh để học sinh đỡ áp lực. Số còn lại nêu ý kiến không nên cố định ba môn và cũng có những quan điểm tranh luận riêng cho lựa chọn của mình.
Là một giáo viên đang dạy ở cấp ba, có nhiều bạn bè dạy ở cấp hai nên tôi có những quan điểm và nhận định về vấn đề này.
Phần lớn những người đồng ý với việc cố định ba môn với lý do là để học sinh giảm áp lực, không phải học thêm nhiều môn. Bởi khi chưa biết môn thi các em sẽ phải học thêm các môn khác nhau để chuẩn bị cho kỳ thi sau này.
Trong khi nếu biết trước môn thi thì học sinh chỉ tập trung học ôn, học thêm ba môn đó thôi. Toán, Văn là môn cốt lõi, còn tiếng Anh là môn để hội nhập với thế giới. Cần cố định ba môn để ổn định tâm lý cho học sinh và phụ huynh.
Những quan điểm của họ không sai nhưng chỉ dưới góc nhìn của phụ huynh có con em sẽ thi cấp ba, muốn con em mình được nhàn, chỉ tập trung học ba môn chứ không phải giàn trải thời gian cho các môn khác. Họ luôn muốn con em mình không phải áp lực học cho các kỳ thi.
Thế nhưng chịu chút áp lực cũng là cách rèn luyện cho tương lai sau này. Bởi sau này đi làm với bao áp lực mà không chịu được thì chỉ có nghỉ việc sớm. Ra đời rồi không thể nói ngày xưa em không phải chịu áp lực nên các sếp đừng tạo áp lực cho em được.
Đối với môn Toán và Văn là hai môn cơ bản, các nước đều phải thi hai môn đó nên không có gì phải trao đổi. Còn môn tiếng Anh theo như nhiều người nó là một loại ngôn ngữ cần thiết để chúng ta hội nhập với thế giới cho nên nó rất quan trọng.
Thế nhưng "không thi nhưng vẫn học mà", có phải không thi thì chúng ta bỏ chương trình tiếng Anh khỏi các cấp học đâu, hay phải chăng có thi mới học?
Mâu thuẫn cũng chính từ đây. Phụ huynh cho rằng thi tiếng Anh rất cần thiết có nghĩa là thi mới học thì như vậy không thi không học và không biết cũng được. Thế nên các môn khác không quan trọng, không cần học cũng được. Còn nếu quan điểm cho rằng là các môn khác vẫn học dù không thi thì tiếng Anh vẫn học dù không thi mà. Vậy tại sao nhất thiết phải thi tiếng Anh?
Những người cần tiếng Anh thì họ sẽ học ở ngoài, học khi lên đại học, học tiếng Anh chuyên ngành theo công việc theo đuổi. Vậy tại sao lại không thi môn Lịch sử làm môn thứ 3, khi mà ai ai cũng bảo phải biết lịch sử mới nhớ cội nguồn, mới hiểu về đất nước, dân tộc, mới yêu nước hơn? Tính ra Lịch sử còn quan trọng hơn tiếng Anh nhưng không thấy mấy người đề xuất thi môn lịch sử cả.
Việc chỉ thi ba môn cố định dẫn tới những hệ quả sâu rộng mà nếu không trong ngành ít người biết và nghĩ tới.
Tôi hỏi một số thầy cô dạy cấp hai. Họ nói nhiều em ngay từ lớp 6 lớp 7 đã bắt đầu tập trung luyện thi ba môn vào cấp ba và các môn khác gần như không học. Nhất là khi lớp 8 lớp 9 bảo các em và phụ huynh về vấn đề học sinh không học các môn khác ngoài 3 môn thi, thì phụ huynh, học sinh bảo cần tập trung cho 3 môn thi.
Họ hỏi giáo viên: "Nếu học các môn mà thi trượt cấp ba hơn hay chỉ học ba môn thi mà đỗ cấp ba hơn". Một câu hỏi mà giáo viên khó trả lời. Dẫn tới các môn không thi cấp ba dần trở thành các môn phụ và hiệu quả học tập cũng như giảng dạy giảm sút rõ rệt.
Tôi cũng hỏi các em lớp 10 một vài kiến thức cấp hai nhưng các em bảo hồi cấp hai bọn em có học các môn đó mấy đâu, thầy cô cũng không dạy mấy vì có dạy cũng không học.
Những môn học thuộc như Sử, Kinh tế pháp luật thì các em nghĩ học sau cũng được. Các môn Lý, Hóa thì chỉ các em yêu thích, gia đình định hướng sau này thi đại học khối ngành Khoa học tự nhiên mới học nhưng không quá tập trung. Dẫn tới là ở cấp hai tình trạng học lệch đã diễn ra.
Các môn không thi mất gốc kiến thức. Khi lên cấp ba với cách thức chọn môn học như hiện tại có môn các em sẽ không bao giờ học nữa. Những môn có học giáo viên khi dạy phải dạy cả kiến thức cấp hai, lỗ hổng kiến thức quá lớn.
Việc mất gốc kiến thức cơ bản ở cấp hai nên kiến thức cấp ba khó tiếp cận. Giáo viên khó dạy, học sinh khó tiếp thu. Và ai đang dạy THPT đều thấy phần lớn các em vì mất gốc kiến thức cấp hai nhất là với môn tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh nên có thiên hướng chọn các môn học xã hội như Sử, Địa, Kinh tế pháp luật cho dễ.
Các nhà trường cũng định hướng sang các môn xã hội nhiều hơn để sau này thi tốt nghiệp THPT dễ hơn. Hỏi bạn bè đồng nghiệp ở các tỉnh mới thấy hiện nay phần lớn các em chọn tổ hợp môn học Khoa học xã hội với tỉ lệ từ 2/3 trở lên. Có trường 10 lớp nhưng chỉ duy trì một đến hai lớp hoặc thậm chí nửa lớp chọn Lý, Hóa, Sinh làm môn thi tốt nghiệp và xét đại học.
Trong khi các công ty, tập đoàn lớn đang tiến vào thị trường Việt Nam và dẫn tới tương lai gần chúng ta rất thiếu nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ trong khi thừa công nhân. Vẫn biết chúng ta không đào tạo ra những con người toàn tài, biết mọi vấn đề.
Nhưng kiến thức cấp THCS là nền tảng giúp học sinh có kiến thức, phát triển tư suy, khả năng quan sát suy luận. Nhận rõ được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và là nền tảng để lên cấp ba có định hướng nghề nghiệp. Nhưng với việc cố định ba môn thi vào lớp 10 dẫn tới học lệch hoàn toàn.
Việc bỏ bê các môn khác ở cấp hai đã diễn ra nhiều. Và nếu là một phụ huynh có con em chuẩn bị thi vào cấp ba thì các phụ huynh có cho con em mình học các môn khác hay bắt các em chỉ tập trung vào ba môn thi, bỏ qua các môn khác.
Các môn khác lên cấp ba học cũng được, nhưng cái gốc kiến thức đã mất nhất là các môn tự nhiên thì sau này lên cấp ba có theo kịp và tiếp thu được kiến thức cao hơn không.
Cho nên theo tôi Toán, Văn là bắt buộc còn môn thi thứ ba nên là một tổ hợp của ba môn còn lại như Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử, Kinh tế pháp luật, tiếng Anh. Việc bốc thăm chọn môn được thực hiện ngay sau khi kết thúc học kì một của lớp 9.
Mỗi môn khoảng 20 câu phân chia theo dạng 10 câu trắc nghiệm nhiều đáp án, 6 câu trắc nghiệm dạng đúng sai với cách phân chia điểm theo dạng mới, 4 câu trắc nghiệm ngắn ( chỉ có đề bài, không có đáp án sẵn để chọn lựa, học sinh phải tự tính toán ra kết quả và điền đáp án vào phiếu trắc nghiệm).
Đề thi nhẹ nhàng, bám sát kiến thức sách giáo khoa, những câu trắc nghiệm ngắn mức độ nâng cao hơn để phân loại học sinh. Điều này chúng ta có thể làm được. Như vậy với cách thi tổ hợp và thời gian công bố môn thi theo cách đó sẽ tránh tình trạng học lệch mất kiến thức căn bản ở cấp hai.
Giáo viên cấp hai dạy các môn ngoài Toán, Văn cũng có hứng thú dạy khi các em mà các em tập trung học. Giáo viên cấp ba sẽ dễ dạy hơn khi các em có kiến thức căn bản của cấp hai. Và với cách ra đề mới sẽ đề cao quá trình học tập của học sinh hơn là kiểu luyện thi giải toán, học mẹo.
Còn nếu cứ cố định ba môn thi thì các môn khác học cũng được mà không học cũng được. Trò không học, thầy không dạy dần dần trường học thành lò luyện thi Toán, Văn, Anh, hệ lụy rất lớn sau này.
Sẽ có những ý kiến rằng không cần giỏi hết nhưng ở đây không phải giỏi hay dốt mà là kiến thức căn bản để phát triển tư duy, năng lực, phẩm chất của học sinh phục vụ cho cuộc sống, công việc sau này. Đơn cử như khi dạy về dòng điện tôi có lấy ví dụ. Nếu đi đường gặp trời mưa có sét, hoặc gặp dây điện bị đứt gần chỗ đứng thì phải làm sao?
Vấn đề này có lẽ không bao giờ áp dụng cho công việc sau này nhưng nó có thể cứu mạng khi gặp tình huống như thế. Đó chính là kiến thức tiếp thu từ quá trình học tập.
Cho nên việc môn thi thứ ba không nên cố định mà nên đa dạng tổ hợp ba môn để tránh học lệch như hiện nay. Còn áp lực hay không chủ yếu do phụ huynh có đặt quá nhiều kỳ vọng hay không, có ép các con em mình quá hay không.
Áp lực không tự nhiên mà có, phải có nguyên nhân nó mới sinh ra. Cũng như quả bóng bay nó sẽ không nổ nếu ta không thổi quá to vượt quá khả năng chịu đựng của nó.
Thanh Y