"Theo tôi, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thi thêm môn thứ ba nhằm mục đích giúp học sinh tránh học lệch tủ, lệch kiến thức các môn.
Với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, chương trình THCS liên quan khá nhiều đến chương trình cấp 3, do đó học sinh cần học đều các môn để tránh tình trạng lên cấp 3 chỉ tập trung vào tổ hợp C, D (vì ở lớp 9 chỉ ôn tập các môn Toán, Văn, Anh và bỏ bê các môn khác).
Nếu chỉ thi các môn Văn, Toán, Anh như cách cũ, học sinh sẽ đa phần chọn khối C, D khi đăng ký tổ hợp khối, điều này sẽ gây mất cân bằng số lượng tổ hợp định hướng ngành học và hạn chế năng lực của các bạn (nhiều bạn yêu thích khoa học tự nhiên nhưng phải giảm sự chú ý vào môn đó).
Hiện giờ, tôi mới vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và đang học lớp 10. Ở trường tôi, tổ hợp khối C, D chiếm đa số học sinh đăng ký, tất nhiên vẫn có bạn học khối A, B nhưng rất ít, tổng số lớp A, B chỉ có 5 lớp. Điều này khiến giáo viên dạy các môn tự nhiên thừa, trong khi giáo viên dạy các môn xã hội lại thiếu.
Một lý do khác mà tôi đã đề cập, kiến thức THPT liên quan khá nhiều đến THCS, nên các bạn khi đăng ký tổ hợp môn thường chọn các môn học thuộc hoặc ít căng thẳng nhất như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật... Các bạn thường sợ các môn tính toán như Lý, Hóa vì lo lắng mất gốc, không theo kịp bài học.
Đây là ý kiến của tôi về quyết định của Bộ, tôi không đánh đồng các trường khác và học sinh ai cũng như vậy. Tuy nhiên, hiện trạng mất cân bằng ở trường khiến tôi bứt rứt và muốn lên tiếng về vấn đề này.
Tôi có đọc một số ý kiến khác, thì nhiều người lo lắng học sinh sẽ phải ôn tập nhiều môn, vất vả hơn, và có những gia đình không đủ điều kiện kinh tế cho con đi học thêm.
Nhưng bản thân tôi thấy, nếu học sinh tập trung nghe giảng trên lớp, chú ý và có ý thức học tập, chắc chắn sẽ đạt được điểm như mong muốn mà không cần học thêm.
Sở Giáo dục cũng hiểu rằng học sinh sẽ ôn thi rất nhiều môn nên đề thi sẽ có tính mở, mang tính vận dụng thực tiễn và sáng tạo cao, thay vì chỉ chăm chăm vào lý thuyết và bài tập như trước đây.
Ngay cả những bạn đi học thêm chưa chắc đã đạt điểm cao nếu thiếu sự quan sát thực tiễn, đời sống hoặc ít đọc sách".
Độc giả nickname hqa230809 vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chia sẻ như trên, cho rằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không quy định cứng môn thứ ba nhằm mục đích giúp học sinh tránh học lệch tủ, lệch kiến thức các môn.
Bình luận này được viết sau thông tin Bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10. Theo đó, Bộ Giáo dục bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10, song lại dự kiến môn này sẽ thay đổi hàng năm để tránh học lệch, học tủ
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 19/10. Với tuyển sinh vào lớp 10, Bộ dự kiến ba phương thức gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức nào thuộc thẩm quyền của địa phương. Riêng với thi tuyển, để có sự thống nhất trong toàn quốc và hướng tới kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Bộ dự kiến quy định thi ba môn gồm Toán, Ngữ văn và môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp. Môn thứ ba này do Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học có cấp THPT lựa chọn từ các môn được đánh giá bằng điểm số, gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Môn thứ ba sẽ không cố định mà thay đổi hàng năm, được công bố trước ngày 31/3, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch. |
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết qua địa chỉ email:bandoc@vnexpress.nethoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp