Đầu tháng 4, biết tin Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) tuyển dụng kỹ thuật viên lái tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), chị Phạm Thị Thu Thảo, 33 tuổi, ở quận 2, TP HCM, nộp hồ sơ dự tuyển. Thảo là nữ học viên duy nhất trong 58 người trúng tuyển lớp học lái tàu đợt này.
Trước đó, Thảo có 11 năm làm giáo viên mầm non nhưng ước mơ được làm việc trên các đoàn tàu metro luôn thôi thúc cô giáo trẻ. Khi dự án Metro Số 1 bắt đầu triển khai, cô tò mò, rồi lên mạng, đọc sách tìm hiểu hoạt động của hệ thống metro, sau đó quyết định dự tuyển thực hiện ước mơ của mình.
"Hay tin mình muốn trở thành lái tàu metro - nghề thường dành cho đàn ông, ban đầu cả chồng và gia đình đều bất ngờ, nhưng sau đó đều ủng hộ", Thảo nói và cho biết do lịch học cả ngày từ thứ hai đến thứ sáu nên phải nhờ chồng giúp đỡ chăm sóc con nhỏ.
Cũng như Thảo, Hoàng Nguyễn Nhật Minh, 24 tuổi, đang học cao đẳng cơ khí cuối năm nay ra trường nhưng đã dự tuyển lớp lái tàu metro tìm cơ hội mới. "Metro Số 1 là tuyến đầu tiên và được cả thành phố kỳ vọng. Là học viên của khóa đầu vừa là niềm tự hào nhưng cũng khá áp lực", Minh tâm sự và cho hay quá trình học, các học viên được miễn học phí, hỗ trợ nơi ăn ở.
58 học viên (tuổi từ 21 đến 35) của khóa học lái metro đầu tiên do Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 tổ chức đang được đào tạo tại Cao đẳng Đường Sắt cơ sở ở quận 3, TP HCM. Hiện, học viên học lý thuyết tổng quát, giáo dục thể chất, tin học, ngoại ngữ..., sau đó đào tạo chuyên môn sâu ở Hà Nội. Trong quá trình học, học viên được khảo sát toàn tuyến Metro Số 1 để định hình vị trí làm việc sau này làm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ Cao đẳng Đường sắt, cho biết theo kế hoạch, 15 tháng đầu học viên sẽ học cơ bản, bốn tháng cuối được chuyên gia Nhật đào tạo các môn chuyên sâu. Học viên hoàn thành khóa học phải thi sát hạch cấp giấy phép lái tàu của Cục Đường sắt Việt Nam.
"Đây là lĩnh vực mới nhưng trước đó trường đã phối hợp nhiều bên tổ chức cho giáo viên chuyên ngành tham gia các khóa đào tạo vận hành metro tại Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc...", ông Cường nói và cho biết từ năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải giao Cao đẳng Đường sắt đào tạo nhân lực cho các dự án đường sắt đô thị. Năm 2018, trường đào tạo 600 nhân viên cho dự án Metro Cát Linh - Hà Đông, hiện đào tạo 500 nhân sự vận hành tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Sau khi đưa vào khai thác, mỗi chuyến tàu metro sẽ có 4 bộ phận trực tiếp tham gia khâu vận hành: nhân viên điều độ chạy tàu, người lái, nhóm phục vụ chạy tàu tại nhà ga và bộ phận hỗ trợ an toàn. Người lái phải đảm bảo thời gian tàu chạy, tốc độ và biểu đồ hoạt động. Họ cũng trực tiếp tham gia giải quyết sự cố, tai nạn trên tuyến, đảm bảo suốt quá trình tàu chạy an toàn, hoạt động trơn tru.
Đối với tàu hỏa, người lái chỉ được điều khiển tàu tương ứng giấy phép phương tiện (giấy phép lái đầu máy diesel, đầu máy điện, đầu máy hơi nước, phương tiện chuyên dùng đường sắt) được cấp. Với tàu metro yêu cầu cao hơn, lái tàu cần có đủ các loại giấy phép lái tàu điện (cả đầu máy điện), đầu máy diesel, phương tiện chuyên dùng của đường sắt đô thị, giấy phép lái tàu thuộc phạm vi depot (xưởng kiểm tra tàu).
Do đó, học viên sẽ phải tiếp nhận công nghệ metro ở cuối khóa đào tạo, đáp ứng quy trình vận hành, xử lý sự cố đột xuất cùng nghiệp vụ phục vụ khách. Lái tàu metro được phép từ chối cho tàu chạy nếu thấy chưa đủ điều kiện an toàn.
Học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ thi sát hạch lý thuyết nhiều nội dung về quy chuẩn kỹ thuật, vận hành an toàn, tín hiệu đèn đường... Tiếp đến, họ phải vượt qua thi chuyên ngành về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của tàu metro, hệ thống điện, mô hình điều khiển, hệ thống an toàn...
Đặc biệt, khi thi thực hành, thí sinh phải chạy qua ít nhất 11 khu gian (khoảng cách giữa 2 ga liền kề) liên tiếp, yêu cầu đúng thời gian, tốc độ và các kỹ năng như đo khoảng cách, dừng tàu, hãm phanh... Họ cũng được thử thách xử lý các tình huống, sự cố khẩn cấp khi chạy tàu ở phạm vi các depot...
Theo MAUR, thời gian đào tạo 58 học viên thực hiện song song với tiến độ Metro Số 1 đưa vào khai thác, dự kiến tháng 12/2021. "10 người xuất sắc nhất trong 58 người sẽ sang Nhật để đào tạo và tìm hiểu cách vận hành của một công ty đường sắt đô thị cùng nhiều lĩnh vực liên quan...", đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết.
Tuyến Metro Số 1 sẽ có 17 đoàn tàu hoạt động, trong đó những tàu nhập về ban đầu có 3 toa (dài 61,5 m), sau đó là loại 6 toa (dài 121,5 m). Tàu có tải trọng trục lớn nhất 16 tấn, thiết kế tốc độ tối đa 110 km/h khi chạy trên cao và 80 km/h ở phần ngầm. Một tàu 3 toa vận chuyển 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng.
Theo kế hoạch, đoàn tàu đầu tiên khi về TP HCM sẽ vận hành kỹ thuật đoạn trên cao - từ ngã tư Bình Thái về Depot Long Bình (quận 9) trong quý 3 năm nay. Sau đó tàu chạy thử từ ga Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận 2). Đầu năm 2021 tàu tiếp tục chạy thử từ ga Văn Thánh đến ga Bến Thành và cuối năm 2021 chính thức đưa vào chở khách.
Nhà thầu đã chạy thử thành công ở Nhật Bản và ngày 1/4 tính đưa xuống cảng 2 đoàn tàu chuyển về Việt Nam nhưng do dịch Covid-19 phải ngưng lại. Các đoàn tàu tuyến Metro Số 1 do Công ty Hitachi sản xuất tại Nhật Bản, có tổng giá trị khoảng 370 triệu USD (gần 8.000 tỷ đồng, thời điểm năm 2013).
Tuyến Metro Số 1 dài gần 20 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Công trình có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình và kết thúc ở Bến Thành. Hiện tuyến đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng công việc, phấn đấu cuối năm đạt 85% và mục tiêu khai thác cuối năm 2021.
Hạ Giang