Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 2/11 theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trao đổi với Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, giáo sư Phan Kim Nga, chuyên viên nghiên cứu tại Học viện Chủ nghĩa Marx thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà Phan cũng chỉ ra rằng đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng sau khi ông được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
![Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, sáng 9/10. Ảnh: Nhật Bắc.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/29/-2167-1667013703.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ee5nNLR9mDWj2r7YgwgDzg)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, sáng 9/10. Ảnh: Nhật Bắc.
"Điều này thể hiện tính chất đặc biệt và tầm quan trọng của quan hệ hai nước, vượt qua ý nghĩa song phương bình thường, thể hiện tính chiến lược quan trọng", bà Phan nói.
Giáo sư Phan cho rằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị của hai nước đã bước vào thời kỳ phát triển mới. "Lãnh đạo đảng hai nước gặp mặt sẽ là động lực to lớn thúc đẩy hợp tác giữa các bộ ngành và địa phương", bà nhận định.
Tờ China Daily hôm nay cũng dẫn lời giáo sư Phan cho rằng các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên trong năm nay đóng góp quan trọng cho thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ năm 2020 tới 2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 4 lần điện đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bài viết cũng đề cập đến cuộc điện đàm ngày 19/9 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Việt - Trung phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định và cân bằng.
Tờ SCMP ở Hong Kong dẫn số liệu cho thấy trong hai năm qua, quan hệ kinh tế thương mại Việt - Trung không ngừng phát triển. Theo số liệu thống kê của hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tăng 10,2% so với cùng kỳ, đạt 13,23 tỷ USD.
Từ năm 2016 tới nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, còn Trung Quốc trong 18 năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tới cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 2,13 tỷ USD.
Giáo sư Phan Kim Nga nhận định trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc đều là những quốc gia xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản lãnh đạo, có chung lợi ích chiến lược. "Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này sẽ giúp hai nước tăng cường tín nhiệm chính trị và quan hệ trên các mặt", bà Phan nhấn mạnh.
Hồng Hạnh (Theo Global Times, China Daily, SCMP)