"Trong một hành động khủng bố của chế độ phát xít Ukraine, con gái tôi Darya đã bị sát hại dã man ngay trước mắt tôi vào ngày 20/8, khi đang trở về từ lễ hội Truyền thống gần Moskva", nhà triết học Nga Aleksandr Dugin hôm 22/8 cho biết trong một tuyên bố.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết nghi phạm người Ukraine Natalya Pavlovna Vovk, 43 tuổi, đã gài bom xe khiến nhà báo Darya Dugina, con gái học giả Dugin, thiệt mạng. Nghi phạm nhập cảnh Nga ngày 23/7 cùng con gái Sofia Mikhailovna Shaban.
"Darya là cô gái Chính thống giáo xinh đẹp, yêu nước, một phóng viên quân sự, thành thạo mảng truyền hình và là nhà triết học. Các bài phát biểu và bài báo của con tôi luôn sâu sắc, có cơ sở và thận trọng. Con tôi không bao giờ kêu gọi bạo lực hay chiến tranh", tuyên bố của học giả Dugin nêu. "Những kẻ thù của Nga đã ra tay sát hại con tôi ở đây một cách bất lương, ranh mãnh".
Theo ông, những hành động khủng bố như vậy muốn phá vỡ ý chí của người Nga bằng cách nhắm vào những người giỏi nhất và dễ bị tổn thương nhất.
"Những kẻ khủng bố sẽ không thành công. Mong muốn trả thù là quá nhỏ và phi bản chất người Nga", ông nói thêm. "Thay vào đó, chúng ta cần chiến thắng. Vì vậy, hãy giành chiến thắng!".
Theo video do cơ quan an ninh Nga công bố, Vovk nhập cảnh với mái tóc nâu, đi xe mang biển số của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng vào tháng trước. Nghi phạm thuê một căn hộ trong cùng tòa nhà với Dugina ở Moskva, và vội vã rời khỏi Nga hôm 21/8, sang Estonia với biển số xe Ukraine và mái tóc nhuộm vàng.
Theo RT, Vovk xuất hiện trong danh sách thành viên Vệ binh Quốc gia Ukraine được đăng tải trên mạng Internet của Nga hồi tháng 4. Tài liệu khẳng định nghi phạm liên quan đến Tiểu đoàn Azov.
Ukraine phủ nhận bất kỳ liên quan nào trong vụ đánh bom.
Truyền thông và giới quan sát phương Tây mô tả học giả Dugin là một trong những "bộ não tư tưởng" của Điện Kremlin và có ảnh hưởng lớn đến Tổng thống Putin. Ông từng làm cố vấn cho một số chính trị gia Nga. Trong khi đó, Darya Dugina cũng là nhà bình luận chính trị có lập trường cứng rắn với phương Tây và về vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, truyền thông Nga nhận định góc nhìn của ông Dugin không có tác động đáng kể lên chính trị nước này. Một số quan điểm của ông cũng gây tranh cãi trong giới cực hữu. Năm 2014, ông bị Đại học Moskva sa thải vì phát ngôn hiếu chiến trong vấn đề Ukraine.
Huyền Lê (Theo RT)