Nghệ sĩ Hoàng Cúc năm nay 64 tuổi, sống cùng chồng trong căn hộ ở Kim Mã (Hà Nội), cạnh gia đình con trai. Sau nhiều năm điều trị ung thư vú, sức khỏe của bà hiện ổn định, không còn phải theo phác đồ nhưng vẫn sử dụng thuốc, kiểm tra định kỳ. Bà luôn giữ tinh thần lạc quan, vui sống. Mỗi ngày, nghệ sĩ dọn dẹp nhà cửa, ngồi thiền, sau đó ăn cơm cùng con cháu, xem phim. Khi không có dịch, bà gặp gỡ, hàn huyên bạn bè, đi du lịch.
Những ngày này, Hoàng Cúc ở nhà theo dõi các hoạt động kỷ niệm 100 năm kịch nói qua mạng xã hội, báo chí. Nghỉ diễn hơn chục năm để điều trị bệnh, bà vẫn không thôi dành tình yêu cho sân khấu. Trong lễ kỷ niệm hôm 21/10, bà tới ôn chuyện cũ cùng đồng nghiệp. Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ lăn lộn với nghề, bà gói gọn trong ba chữ: "Khổ mà vui".
Vai diễn đầu tiên của Hoàng Cúc là Sa-ghi-a trong Người đàn bà sau tấm cửa xanh (kịch bản của Nga) năm 1984. Ban đầu, bà không có tên trong bảng phân vai. Khi thấy hai nghệ sĩ lên thử vai chính, bà thích thú, xin đạo diễn Tạ Xuyên cho diễn thử. Khoảnh khắc bà hóa thân người vợ hiền lành nhưng quyết liệt để bảo vệ quyền bình đẳng khiến đạo diễn thích thú. Cuối cùng, bà được chọn vào vai chính, đóng cùng nghệ sĩ Hoàng Dũng, Minh Vượng và Minh Trang. Ngay trong tác phẩm đầu tay, bà khiến giới chuyên môn, khán giả bất ngờ bởi lối diễn linh hoạt, chân thực và không khiên cưỡng.
Khi ấy, Hoàng Cúc rất gầy, cao 1,66 m, nặng 46 kg. Nhiều đêm, bà phải mặc thêm áo, quần độn mông để tạo đường cong cơ thể, phù hợp tạo hình nhân vật. Có lần, bà than thở với cố nghệ sĩ Hoàng Dũng, Hồng Sơn: "Sao chúng mình gầy thế nhỉ?". Hai bạn liền đáp: "Nghèo, đói ăn chứ sao nữa". Lương nhà hát thấp, Hoàng Cúc nhiều lần phải giã hạt bo bo (hạt ý dĩ) độn vào cơm để ăn. Chiếc cặp lồng mang đi diễn thường chỉ có cơm trắng, cà muối, lạc rang. Niềm ao ước của nghệ sĩ khi đó là được ăn một bữa cơm thịt thật no. "Trên sân khấu, diễn vai vua chúa, ăn mặc lộng lẫy nhưng phía sau ánh đèn, cuộc sống thời đó khổ cực lắm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hết mình, mang hết ruột gan, tâm tư ra để diễn", bà nói.
Trong vở Em đẹp dần lên trong mắt anh (Tất Đạt) - kể về cô nghệ sĩ u buồn và thầy giáo nghèo phải đạp xích lô kiếm thêm thu nhập, Hoàng Cúc một mình đóng bốn vai. Nghệ sĩ cho biết mỗi khi diễn xong, bà tưởng như mệt đứt hơi mà chết. Bù lại, tác phẩm gây tiếng vang. Hoàng Cúc được khen hóa thân tự nhiên, thay đổi cảm xúc linh hoạt phù hợp với diễn biễn tâm lý nhân vật. Nhiều khán giả bây giờ gặp lại bà vẫn nhắc về vở diễn này.
Khi thực hiện vở Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ), Hoàng Cúc mang bầu con trai đầu lòng. Hai tháng rưỡi sau sinh, bà bắt đầu trở lại sân khấu. Chồng khi ấy bận rộn, một mình bà chăm sóc con. Nghệ sĩ để con ở cánh gà, nhờ nhân viên hậu trường trông hộ. Có hôm, nghệ sĩ rơi nước mắt trên sân khấu vì vai diễn, ở dưới con khóc vì khát sữa, đòi mẹ. Con trai tròn bảy tháng tuổi, bà mang đi khắp mọi miền đất nước. Bà thích diễn cho bộ đội, xí nghiệp vì khi đó được nuôi ăn, hai mẹ con tiết kiệm được vài bữa cơm. "Con theo tôi đi khắp nơi, tưởng máu nghệ thuật ăn vào người sẽ theo nghiệp mẹ. Sau này, con đi du học về, hoạt động ở lĩnh vực biên tập", bà nói.
Gánh nặng nuôi con, Hoàng Cúc chạy vạy đủ nghề để kiếm thêm thu nhập. Bà nhận đóng phim truyền hình, kinh doanh cửa hàng áo cưới... Có ngày, buổi sáng nghệ sĩ lên đoàn tập vở, buổi trưa đến đài truyền hình diễn kịch thu tiếng trực tiếp, tối lại lên sân khấu phục vụ khán giả. Thi thoảng trùng lịch, bà phải viện lý do con ốm, trốn ra ngoài đóng phim một lát rồi hộc tốc trở về. Có lần bà bị kỷ luật vì vi phạm quy định của nhà hát. Bà nói: "Đời nghệ sĩ có nhiều kỷ niệm mà kể ra thấy buồn vui xen lẫn. Kép Tư Bền chẳng phải câu chuyện trên trang sách mà là sự thật trong cuộc sống. Tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng rồi phải cố gắng bằng mọi giá để làm nghề".
Thời trẻ, Hoàng Cúc yêu thích và sớm bộc lộ tài năng nghệ thuật. Bà trúng truyển ngành Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong lúc chờ nhập học, bà được đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang vận động vào phục vụ biểu diễn. Cô gái trẻ như "cá gặp nước", tỏa sáng ở các lĩnh vực: từ ca, múa đến nhạc kịch... Thấy bà có tiềm năng diễn xuất, nhiều anh chị trong đoàn khuyên theo nghiệp sân khấu vì tuổi nghề dài, có nhiều trải nghiệm thú vị. Hoàng Cúc liền nghe theo, bỏ thanh nhạc, đăng ký học khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Việt Bắc.
Tốt nghiệp, Hoàng Cúc được nhà trường gợi ý đi học để về giảng dạy, bà từ chối vì muốn làm diễn viên. Nghệ sĩ đi khắp các nhà hát để xem kịch, tìm hiểu môi trường sân khấu. Khi xem vở Âm mưu và tình yêu của Nhà hát Kịch Hà Nội, bà mê đắm, ước được như nghệ sĩ Thanh Tú đóng nàng Minpho, hay hóa thân nhân vật Sophi của Minh Trang. Bà về nhà hát năm 1982, bắt đầu hành trình sống với nghề.
Hoàng Cúc có nhiều trăn trở vì sự phát triển của sân khấu. Những năm 2000, khi đảm nhận Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nghệ sĩ chuyên nghiên cứu, tìm tòi và cho dàn dựng những vở hay, hợp thời để thu hút khán giả. Vở Cát bụi (2004), xoay quanh những bi kịch của gia đình ông Thúc Đại, vì tiền tài mà bất chấp thủ đoạn, gây tiếng vang. Tác phẩm được công chúng trong và ngoài nước đón nhận, giành nhiều giải thưởng tập thể, cá nhân tại các hội diễn.
Vở Mắt phố (2009) đoạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc tại TP HCM. Tác phẩm kể về hành trình Lệ Quyên (Hoàng Cúc đóng) đoạt lại căn biệt thự cổ của gia đình bị em trai lừa bán. Bà khi ấy vừa lãnh đạo, vừa đóng chính. Sau đó, nghệ sĩ mắc ung thư, rời sân khấu chuyên tâm chữa bệnh.
Nghệ sĩ ví kịch nói hiện nay như ráng chiều, đậm màu xưa cũ. Bà cho rằng các đạo diễn, nghệ sĩ giỏi trong chuyên môn nhưng chưa tạo ra nhiều đột phá. Trong khi, khán giả không còn mặn mà với sân khấu vì "bội thực" các thể loại giải trí. Hai năm qua, Covid-19 khiến nhà hát phải đóng cửa, nhiều nghệ sĩ qua đời vì dịch bệnh.
Khi được hỏi khả năng tái ngộ khán giả trên sân khấu, bà cho biết luôn sẵn sàng nhưng cơ hội không nhiều. Bà nói: "Nghệ sĩ Anh Tú khi còn sống từng ước mơ các nghệ sĩ vang bóng một thời hội ngộ trong một vở diễn nhưng chẳng thể thực hiện được. Có lẽ, chúng tôi sẽ làm điều đó, ở một thế giới khác".
Hiểu Nhân