Ngày 5/3, ông Lê Trung Hiếu, Phó ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết với robot đào hầm thứ hai, hiện đã hoàn thiện lắp ráp khoảng 60%. Sau khi lắp ráp, chạy thử, hai robot đào hầm sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 (Kim Mã) tới ga S12 (ga Hà Nội) ở cuối đường Trần Hưng Đạo với chiều dài 4 km.
Phó tổng giám đốc nhà thầu FECON, ông Lê Quang Hanh cho biết, lắp ráp robot đào hầm TBM là hạng mục mới tại Việt Nam, đòi hỏi hiểu biết sâu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động. Phần lớn người trực tiếp lắp ráp robot phục vụ dự án metro Nhổn - ga Hà Nội từng tham gia công việc này tại dự án metro Line 1 TP HCM nên đã có phương án đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Bộ đôi robot đào hầm TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Đức), dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn.
Robot đào hầm hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong thân máy.
Dự kiến quý II/2021, nhà thầu sẽ bắt đầu đào, lắp đặt được những mét hầm đầu tiên. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày robot sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành, khai thác đoạn trên cao dài 8,5 km (bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông Vận tải) vào cuối năm 2021; 4 km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Võ Hải