Hệ thống này gồm 100 điểm phát Wi-Fi - phục vụ việc phủ sóng bốn block nhà với 232 phòng; hạ tầng ảo hóa điện toán đám mây FPT Cloud cùng hệ thống lưu trữ, sao lưu dữ liệu ổn định, bảo mật, an toàn; hai đường truyền băng thông lớn; 20 dàn máy tính với giải pháp họp trực tuyến Onmeeting by FPT cùng nhiều thiết bị máy in, camera giám sát.
Đây là những thiết bị, hạ tầng công nghệ thiết yếu, phục vụ nhu cầu về hội chẩn, họp trực tuyến của các y bác sĩ. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm việc tiếp xúc trực tiếp của y bác sĩ trong quá trình thăm khám chữa bệnh, tránh lây dịch bệnh, đồng thời nâng cao khả năng vận hành của bệnh viện dã chiến.
Ông Hà Thanh Phước - người phụ trách triển khai dự án - cho biết, với khối lượng công việc như vậy, thời gian thi công thông thường là 5 ngày. "Tuy nhiên, chúng tôi đã nỗ lực lắp đặt hoàn thiện chỉ trong một ngày với tinh thần tất cả vì tuyến đầu chống dịch", ông Phước nói.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 và số 2 của TP HCM được đặt tại Thủ Đức, với quy mô hơn 5.000 giường bệnh. Việc lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin tại bệnh viện được đánh giá tương đối khó trong điều kiện dịch bệnh.
Theo đại diện FPT, việc khảo sát, lên phương án triển khai được bắt đầu thực hiện lúc 13h ngày 29/6, ngay sau khi bệnh viện dã chiến số 1 đi vào hoạt động. Đến ngày 30/6, tập đoàn hoàn thành việc kiểm tra dịch vụ lần cuối và bàn giao cho Sở Y tế TP HCM.
Công nghệ tham gia phòng chống dịch
Thời gian qua, nhiều giải pháp công nghệ cũng được triển khai tại TP HCM nhằm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19. Thành phố xây dựng hệ thống bản đồ Covid-19 để người dân tìm được đường đi tránh các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Giải pháp Sổ tay sức khỏe bằng ứng dụng trên điện thoại được triển khai để phục vụ việc tiêm vắc-xin. TP HCM hiện đứng đầu cả nước về số người sử dụng Bluezone, với hơn 3,1 triệu người dùng, chiếm 34,67% dân số, theo thống kê hôm 1/7.
Hồi cuối tháng 5, khi dịch mới bùng phát tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp công nghệ trong Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tự phát triển một số sản phẩm, giải pháp phục vụ công tác phòng chống Covid-19. Các giải pháp như camera cảnh báo tụ tập, thiết bị khai báo y tế tự động, máy đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang, đã được triển khai.
Cùng với FPT, nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng triển khai hạ tầng và thiết bị phục vụ cho việc phòng, chống Covid-19 tại các địa phương có dịch. Hồi tháng 5, Viettel triển khai lắp đặt hơn 3.000 camera do doanh nghiệp này sản xuất, tại các khu vực cách ly miền Bắc. Riêng tại Bắc Giang, 1.000 camera được lắp đặt tại 130 cơ sở cách ly tại 125 xã trên toàn tỉnh. Quá trình lắp đặt được thực hiện trong 5 ngày, nhanh gấp đôi so với tiến độ thông thường.
VNPT cũng lắp hơn 2.400 camera giám sát tại các khu cách ly từ Đà Nẵng trở vào. Các camera giám sát từ xa sẽ giúp các cơ sở cách ly giảm nhân sự giám sát tại chỗ. Các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ.
Phenikaa triển khai một robot tại bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang. Robot này khử khuẩn bằng tia UV, có khả năng tự hành hoàn toàn và đủ khả năng di chuyển khắp bệnh viện, giúp giảm tải cho đội y tế tại đây, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Công ty này cũng là đơn vị đứng sau giải pháp bản đồ Covid-19 được nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và Bắc Ninh sử dụng.
Lưu Quý