Tính năng giám sát người không đeo khẩu trang này được triển khai miễn phí trên các xe vận tải hành khách từ tháng 6. Cụ thể, hệ thống phân tích kết nối với camera trên xe để lấy dữ liệu hình ảnh, sau đó AI sẽ tự động phân tích, đánh dấu ô đỏ và gửi cảnh báo về đơn vị vận tải mỗi khi phát hiện có hành khách hoặc nhân viên nhà xe không đeo khẩu trang, hoặc đeo khẩu trang không đúng cách. Công nghệ giúp doanh nghiệp vận tải nhắc nhở từ xa và kịp thời nếu phát hiện trường hợp vi phạm, giảm lây lan dịch bệnh trong môi trường đông người và khó truy vết.
Ông Phạm Thái Hòa, Giám đốc công nghệ của BA GPS, cho biết mô hình nhận dạng được hoàn thiện dần theo số lượng mẫu mà công ty xây dựng. Thuật toán machine learning và deep learning sẽ thông minh hơn khi được đào tạo bằng nhiều mẫu trong thực tế. Do đó, khi số lượng hình ảnh camera của các đơn vị vận tải ngày càng nhiều, việc nhận dạng có thể đạt độ chính xác trên 95%.
"Với ngành vận tải, AI không chỉ mang lại lợi ích cho chủ xe, mà còn nâng cao an toàn cho mọi hành khách đi xe. Việc nhận dạng người không đeo khẩu trang và đếm số hành khách đi xe đạt độ chính xác cao sẽ góp sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch", ông Đào Thanh Anh, Chủ tịch BA GPS, chia sẻ.
Theo ông, môi trường xe khách, xe buýt, xe chở công nhân, xe đưa đón học sinh... vốn khép kín, bật điều hòa nên dễ lây nhiễm và khó truy vết khi gặp ca Covid-19. Việc giám sát không chỉ giới hạn trong thời gian bùng phát dịch mà cần được duy trì cả ở giai đoạn bình thường mới.
Ông cho biết, sau hai ngày triển khai, đã có 14 nhà xe đăng ký sử dụng tính năng cảnh báo này. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục áp dụng AI để triển khai thêm các tính năng: đếm số người trên xe, cảnh báo tài xế sử dụng điện thoại, không đeo dây an toàn, xe mở cửa khi chạy, cảnh báo có người bị bỏ quên trên xe, kết nối camera nhiệt để phát hiện khi nhiệt độ cơ thể bất thường.
Đối với các doanh nghiệp, nhà máy, nhà hàng, khách sạn hay trên các phương tiện công cộng, việc một người nào đó không có triệu chứng và không đeo khẩu trang có thể khiến những người xung quanh bị lây bệnh. Do đó, khi Covid-19 lan tới Mỹ, Akash Takyar mong muốn phát triển một chương trình máy tính có thể phân tích hình ảnh và giám sát tự động việc đeo khẩu trang. Công ty LeewayHertz có trụ sở ở San Francisco của ông là một trong số những công ty tiên phong trong việc cung cấp phần mềm nhận diện này.
Tương tự, theo The Next Web, từ đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, công ty Baidu đã xây dựng công cụ trí tuệ nhân tạo để nhận diện người đeo khẩu trang. Họ đào tạo mô hình này dựa trên hơn 100.000 hình ảnh và đạt độ chính xác khoảng 96,5%.
Thuật toán chỉ phát hiện khẩu trang chứ không nhận dạng khuôn mặt và không liên kết với danh tính cụ thể, nên về lý thuyết sẽ không gặp các vấn đề về quyền riêng tư, công ty này cho biết.