Một bên là những kí ức rõ mồn một về ngày tết với gia đình, phần còn lại là những mảnh nhỏ về ngày tết của những người xung quanh.
Cũng phải thôi, khi ai cũng nhìn đời bằng con mắt của mình. Ngày tết của người khác chỉ hiện ra khi tôi tiếp xúc với họ. Nhưng ngày tết của người khác mới đem lại những bức tranh đáng nhớ hơn về cái tết của miền Tây.
Đó là những người làm vườn chặt cành mai trên cây nhà mình và đem ra chợ bán. Những cành mai đó phải sáng 29, 30 tết mới có. Mua về phải đem vào bình lớn cắm, đổ đầy nước và chưng trên bàn thờ. Cành mai đã được nhặt sạch lá, chỉ còn mỗi nhiệm vụ bung cánh nở hoa.
Hay là những buổi chợ quê đầy cúc và vạn thọ. Chợ gần xóm tôi ở là chợ miền quê, họp dưới chân cầu kế bên quốc lộ. Phía trước là đường, phía sau là sông, ai đi xe thì đi đường, còn lại thì bơi xuồng hay chạy ghe máy tới chợ. Phía trước chợ là bãi gởi xe, sau chợ là bến đậu ghe, cả hai đều tấp nập người mua kẻ bán gởi phương tiện của mình lại. Những món hàng của nhà vườn như bông, bưởi, dưa hấu thường đi ghe cho nó gọn.
>>Tôi bị trẻ hỏi 'khó đỡ' vì lì xì chỉ 50 nghìn đồng
Thị xã quê tôi có một khu bán dưa hấu. Những đống dưa hấu được đổ bên hè đường từ đầu tháng chạp, có dưa màu xanh cũng có dưa màu vàng. Một năm tôi đi tham quan với mẹ, ngồi trên xe đò đi dọc quốc lộ, có một đoạn rất nhiều hàng dưa hấu. Những sạp dưa hấu vàng rực, những trái dưa tranh nhau trên quầy và những sợi rơm để lót dưa cứ vấn vương mãi trong tâm trí tôi.
Tôi có biết tiệm sửa ghe máy của một ông chủ hơi mê tín. Chiều 30 ông đã đóng tiệm, ngày mùng 6 mới khai trương năm mới. Đóng cửa xong thì có chiếc ghe máy bị hư ghé qua, họ đang trên đường sông về quê thì kẹt lại. Nói mãi mà ông chủ tiệm sửa ghe nhất định không chịu sửa, vì như vậy là mở hàng từ cuối năm, sợ là xui xẻo hết cả năm. Người đi trên ghe hết lời năn nỉ, tôi không biết chuyện đó kết thúc thế nào nhưng viễn cảnh ăn tết trên ghe thật buồn bã.
Rồi món dưa kiệu phơi ngoài sân. Ngày đó ai cũng tự làm kiệu, cắt rễ làm sạch thì phải phơi nắng cho héo đi rồi mới đem ngâm. Những mâm kiệu cắt đều tăm tắp phơi ngoài sân cạnh đường đi báo hiệu sớm là tết sắp tới rồi. Có những chiếc xe lôi chở đầy kiệu ra chợ, chất cao ngút nhìn vào chỉ thấy kiệu, không biết các bác tài xế chạy đi có nhìn thấy gì ngoài trước mặt mình không.
Cũng có những lúc tôi đi chơi tết mang đậm chất miền Tây. Có năm tôi được người bạn cùng lớp mà tôi kêu là chị Thu mời tới nhà chơi tết. Tôi đạp xe chở đứa em nhỏ đi trên con đường quốc lộ men theo con sông, chừng hai cây số thì tới một con hẻm. Đi dọc theo con hẻm thì tới bờ sông, chúng tôi gân cổ thi nhau kêu chị Thu, chị nghe rồi thì bơi xuồng qua đón. Vô nhà chúc Tết ba mẹ chị xong thì chúng tôi được mời lên chiếc xuồng nhỏ. Chị Thu đem theo bánh kẹo nước ngọt rồi bơi xuồng chở chúng tôi đi chơi.
>> 'Lì xì Tết 20 nghìn đồng là quá nhiều'
Bữa đó trời nắng còn nước sông mới đứng lại. Con sông xanh trong, chị Thu bơi xuồng gần bờ, dứơi bóng cây bần cây đước cho bớt nắng. Tôi ăn món "thèo lèo cứt chuột" và uống chai nước ngọt Chương Dương. Mấy đứa trẻ chọc ghẹo nhau, cười vang cả khúc sông vắng vẻ.
Năm nào ở thị xã cũng có hội chợ tới để ăn tết. Có năm còn có cả sở thú, đại khái là do sở thú lớn cho mượn vài con đem về quê coi cho vui. Năm đó quảng cáo là có con "đà mã". Cứ tưởng là con hà mã nên người dân rất hớn hở, tới nơi thì thấy con đà mã nó giống như con lừa. Mãi sau này tôi mới gặp lại mấy con đà mã đó ở Ecuador. Chúng là lạc đà châu Mỹ (llamas).
Một năm nọ hội chợ có nhà cười. Đó là một căn lều lớn có những chiếc gương đã được đúc khác thường, người soi gương nhìn vào sẽ thấy mình cao lên, ốm đi, mập ra, hay uốn éo khác thường. Ba tôi mua hai vé rồi cho hai chị em tôi xếp hàng, ba chỉ đứng ngoài chứ không đi coi.
Đang đứng đợi thì tôi nghe ồn ào ở hàng phía bên kia. Một người mẹ ra sức đẩy hai đứa trẻ qua cửa trong khi những người soát vé nói là mua chỉ có một vé sao lại cho hai đứa vô. Bà mẹ phân bua "Tết nhất mà, tụi nó còn nhỏ, mấy anh thông cảm...". Tới giờ tôi cũng chưa nghĩ ra là bà mẹ đó hết tiền hay là hà tiện quá.
>> Anh trai tôi sẵn sàng chi chục triệu đồng về quê ăn Tết
Ngày tết người miền Tây phải cữ làm việc, đầu năm mà làm việc thì cả năm sẽ khổ sở. Thành ra chỉ ăn bánh tét, thịt kho, canh khổ qua có sẵn, nếu muốn nhậu thì ăn tôm khô mực khô với dưa chua củ kiệu. Vỏ hạt dưa cắn xong nếu có rớt xuống sàn nhà cũng để đó, không dọn. Chắc tục kiêng cữ đó cũng là để người dân có vài ngày thảnh thơi, không phải làm gì hết. Lại nghĩ tới cảnh phải giết gà làm cơm mời khách chúc tết, nghe thôi cũng phát mệt.
Ngày tết miền Tây 20 năm về trước là như vậy đó. Giờ thì mọi thứ có sẵn, ít phải chế biến nấu nướng, có lẽ người dân cũng thấy tết nhạt hơn. Nhưng suy cho cùng thì ngày tết là để cho vui, nên ai muốn ăn tết kiểu gì thì chắc là chúng ta nên để yên cho họ ăn kiểu đó. Chỉ là mình làm gì thì đừng nhất thiết bắt người khác làm theo và đừng để ảnh hửơng tới người khác, vậy là đủ cho một cái tết vui vẻ rồi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh