Đến hẹn lại lên, dịp đầu tháng Chạp mỗi năm là các cô kế toán ở một số cơ quan, công ty trở nên bận rộn. Vì ngoài tính lương, thưởng thì các cô còn có thêm một nhiệm vụ mà nhiều người nhờ vả là đổi tiền lẻ. Đổi tiền lẻ để tết về quê lì xì sắp nhỏ.
Năm nay, cô kế toán cơ quan tôi từ chối đổi tiền lẻ vì lý do bận việc. Thế là một số người nháo nhào, dò hỏi người quen làm ở ngân hàng để đổi giùm. Thấy họ dặn dò kỹ lưỡng, ghi note cho người quen là đổi chừng này tờ 50 nghìn đồng, chừng này tờ 100 nghìn đồng, rồi thêm một mớ tờ 200 nghìn này... mà tôi tự hỏi bản thân mình có ki bo hay không, khi mà tôi chỉ lì xì cho các cháu ở quê tối đa 20 nghìn đồng.
Tôi nghĩ người lớn mừng tuổi cho trẻ con 20 nghìn đồng là quá nhiều rồi. Lì xì là một phong tục tốt đẹp, người lớn tặng một số tiền tượng trưng cho trẻ con, với mong ước chúng mạnh giỏi, hay ăn chóng lớn, học tốt.
Vậy thế rốt cuộc tại sao phải tặng nhiều tiền cho chúng để làm gì?
Thứ nhất, trẻ con chưa biết quản lý và dùng tiền như thế nào. Chúng cũng không có nhu cầu sắm sửa vì mọi thứ đã có ba mẹ lo.
Thứ hai, nếu mình lì xì cho con họ nhiều tiền, họ lì xì cho con mình ít hơn, vô hình trung tạo ra thói so đo, tị nạnh. Làm mất đi ý nghĩa của phong tục lì xì.
Thứ ba, với người có nhiều con cháu trong dòng họ, thì tiền để lì xì trở thành một gánh nặng tài chính không mấy vui vẻ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.