Hôm 2/5, 18 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi một bức thư tới Ủy ban Nobel ở Na Uy đề nghị xem xét trao giải thưởng cao quý này cho Tổng thống Trump vào năm sau nhằm công nhận "nỗ lực không mệt mỏi của ông để mang lại hòa bình cho thế giới", theo AFP.
Đề xuất này ngay lập tức gây ra một cuộc tranh cãi rộng lớn trong giới quan sát. Dẫu vậy, những lời xì xào bàn tán cũng rót một giai điệu ngọt ngào vào tai doanh nhân 71 tuổi, người đảm nhiệm vị trí tổng thống khi không có chút kinh nghiệm nào về chính trị, quân sự hay ngoại giao, và luôn khát khao được công nhận.
"Điều đó thật tuyệt, cảm ơn. Điều đó rất tuyệt", Trump mỉm cười nói khi những người ủng hộ hô vang: "Nobel! Nobel!" ở bang Michigan hôm 28/4. "Tôi chỉ muốn hoàn thành công việc", ông nói sau khi phát âm một cách trìu mến từ "Nobel".
Ba ngày sau, tại Phòng Bầu dục, Trump quay lại chủ đề này, nói rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in "thật hào phóng" khi đề xuất Trump mà không phải bản thân ông cho giải Nobel Hòa bình.
"Tôi đánh giá cao việc này nhưng điều quan trọng là làm cho nó trở thành hiện thực. Tôi muốn đạt được hòa bình", Trump nói.
Diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên những tháng gần đây và hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng một viễn cảnh phi hạt nhân hóa đã làm dấy lên hy vọng về một bước ngoặt lịch sử trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng vẫn còn sớm, thậm chí là quá sớm để suy đoán kết quả của những cuộc đàm phán đang diễn ra với Triều Tiên.
"Thật kỳ lạ khi người ta nói quá sớm và quá rõ ràng về việc trao giải Nobel Hòa bình cho bất cứ ai", Aaron David Miller, một nhà ngoại giao và đàm phán từng làm việc cho cả chính quyền Dân chủ và Cộng hòa nói. Nhưng "nếu thực tế ngoại giao đi đúng hướng", thì kịch bản này "có thể hiểu được", ông nói.
Cuộc tranh luận về giải Nobel cũng phản ánh một cuộc tranh cãi về vai trò chính xác của Tổng thống Mỹ trong các cuộc đàm phán ngoại giao đang diễn ra. Một bên cho rằng Trump không đóng vai trò gì trong diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, trong khi bên kia khẳng định ông là người duy nhất có sự can thiệp.
Miller cũng cho rằng, trong môi trường chính trị mà một đảng không thể tín nhiệm đảng còn lại như ở Washington, cộng thêm tính cách và lối suy nghĩ về "cái tôi" nhiều hơn "chúng ta" của Trump thì đề cử Nobel sẽ càng bị phản đối.
"Sự ác cảm của đảng Dân chủ đối với việc trao giải Nobel cho Trump sẽ càng làm tăng ác cảm nhằm vào chính ông ấy", Miller nói.
Đối với những người ủng hộ Trump, hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un là bằng chứng cho thấy Tổng thống có thể vượt qua rào cản, thay đổi các quy tắc cuộc chơi ngoại giao và thành công tại nơi người tiền nhiệm của ông đã thất bại.
Ngược lại, đối với những người phản đối, hành động này của chính quyền, sự chối bỏ nhiều vấn đề đa phương cùng phong cách khoa trương, hay chửi rủa của Trump sẽ khiến ông bị loại khỏi cuộc đua Nobel.
Năm 2009, giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho cựu tổng thống Barack Obama chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức, làm dấy lên những nghi ngờ và gây ra phản ứng dữ dội.
"Tôi mới ở thời điểm bắt đầu, không phải kết thúc (nhiệm kỳ tổng thống)", Obama nói hôm 10/12/2009 ở Olso khi thừa nhận có một "cuộc tranh cãi đáng kể" quanh quyết định trao giải Nobel cho ông của ủy ban. Ngoài Obama, ba tổng thống Mỹ khác cũng từng nhận giải Nobel Hòa bình là Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson và Jimmy Carter.
Trong khi đó, một số khác lại chọn cách tiếp cận khá hài hước đối với hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim sắp tới và các cuộc đàm phán ngoại giao phía trước. Nhà báo Dana Milbank của tờ Washington Post đã đóng vai Trump để viết một bài phát biểu nhận giải.
"Những người thù ghét và dối trá nói rằng tôi không xứng đáng được giải thưởng này .... Sai! Tôi đã thật sự thông minh khi cùng 'Người tên lửa' (cách Trump từng gọi Kim Jong-un) tạo lập hòa bình. Bằng việc nói ông ấy lùn và béo, đe dọa hủy diệt hoàn toàn ông ấy bằng hỏa lực và thịnh nộ từ nút hạt nhân, tôi đã buộc ông ấy phải thương lượng", Milbank chế bài phát biểu theo phong cách quen thuộc của Trump.
Huyền Lê