Nhiều người Hàn Quốc đang tổ chức một chiến dịch trực tuyến để kêu gọi đề cử Tổng thống Moon Jae-in cho giải Nobel Hòa bình năm sau, ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều kết thúc với những kết quả đầy hứa hẹn cho tương lai của bán đảo, theo KoreaTimes.
"Tôi hy vọng ông Moon sẽ chiến thắng giải Nobel Hòa bình sau khi tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh liên Triều", nghị sĩ Hàn Quốc Chun Jung-bae đăng trên Twitter.
Một số hãng truyền thông nước ngoài, trong đó có BBC, cũng dự đoán ông Moon có thể chiến thắng giải Nobel Hòa bình năm 2019.
Nghị sĩ Roh Hoe-chan, lãnh đạo cấp cao của đảng cánh tả Tư pháp cho rằng giải thưởng này nên được chia sẻ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong tuyên bố khai mạc hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm nay, Tổng thống Moon ca ngợi lãnh đạo Triều Tiên Kim, nói rằng ông trân trọng "quyết định can đảm của ông Kim để hội nghị này được diễn ra".
Cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 2000 vì những nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Ông Kim Dae-jung cũng là người Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình sau khi cùng cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng vào năm 2000.
Quá trình để cử giải Nobel Hòa bình sẽ kết thúc vào ngày 31/1 hàng năm và kết quả sẽ được công bố vào tháng 10.
Tuy nhiên, Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) tỏ ra thận trọng khi nói về giải thưởng. Phát ngôn viên của Tổng thống Moon cho rằng việc đề cử này không phải là "điều được mong đợi".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại Khu vực An ninh chung ở biên giới hai nước. Đây là lần đầu tiên trong 11 năm lãnh đạo hai miền gặp mặt, cũng là lần đầu một nguyên thủ Triều Tiên đặt chân tới Hàn Quốc trong 65 năm qua.
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước khẳng định đã đạt được thỏa thuận chính thức để kết thúc chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay, đồng thời chia sẻ mục tiêu chung là hướng tới bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân thông qua quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Huyền Lê