Chiếc Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 ngày 5/1 cất cánh từ sân bay quốc tế Portland, bang Oregon, Mỹ để tới California, Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 20 phút sau, máy bay chở 177 người phải hạ cánh khẩn cấp khi một phần thân bung khỏi phi cơ, tạo ra lỗ hổng có kích thước tương đương cửa thoát hiểm.
Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ đã bắt đầu điều tra về sự cố mà chiếc Boeing 737 MAX 9 gặp phải khi đang ở độ cao hơn 4.800 m. Jennifer Homendy, chủ tịch ủy ban, cho biết sự việc có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu nó xảy ra ở độ cao lớn hơn.
Nếu sự cố bung thân xảy ra ở độ cao hành trình khoảng 10.000 m, khoang máy bay sẽ lập tức mất khả năng điều áp, toàn bộ dưỡng khí thoát ra ngoài, hành khách bên trong sẽ nhanh chóng bất tỉnh và lạnh cóng. Những người tháo dây an toàn để đi lại trên khoang cũng có thể bị hút ra ngoài qua lỗ thủng.
"Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi sự cố không dẫn tới điều bi thảm hơn", Homendy nói.
Vụ bung thân máy bay diễn ra sau nhiều biến động với Boeing, khi dòng máy bay 737 MAX của hãng đối mặt nhiều vấn đề. Sau sự cố, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ra lệnh đình chỉ hoạt động của tất cả 171 chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 để kiểm tra.
Boeing cho biết họ ủng hộ quyết định này và an toàn vẫn là "ưu tiên hàng đầu". Giám đốc điều hành của Boeing đã liên lạc với các hãng hàng không bị ảnh hưởng cuối tuần qua để trấn an khách hàng và các nhà đầu tư rằng vấn đề đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, sự cố có thể giáng đòn nặng nề vào danh tiếng của Boeing, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mẫu 737 MAX 8 trước đó từng bị cấm hoạt động trên toàn thế giới sau hai vụ tai nạn thảm khốc năm 2018 và 2019, khiến 346 người thiệt mạng. Các cuộc điều tra phát hiện nhiều vấn đề với thiết kế của Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) trên máy bay, song FAA chưa tiết lộ đầy đủ thông tin.
Các nhà điều tra cho rằng các cảm biến gắn trên mũi máy bay 737 MAX 8 có thể đã cung cấp thông tin sai lệch về góc tấn (góc giữa mũi máy bay và luồng khí), khiến MCAS can thiệp quá mức vào hệ thống điều khiển. Hậu quả là hai máy bay của Ethiopian Airlines và Lion Air đều gặp hiện tượng thất tốc và rơi trong vòng chưa đầy 5 tháng.
Các vụ tai nạn liên tiếp với dòng 737 MAX 8 đã làm lung lay niềm tin của dư luận vào cả Boeing và FAA. Khi dòng máy bay này được phép nối lại hoạt động vào năm 2020, xây dựng lại niềm tin là một quá trình lâu dài, dù Boeing cam kết phi cơ của họ đã đáp ứng mọi tiêu chuẩn về an toàn.
Lịch sử nhiều vấn đề của dòng MAX có nghĩa sự cố ngày 5/1 sẽ khiến các cơ quan chức năng tăng cường giám sát hồ sơ an toàn và tính minh bạch của công ty, theo Dennis Tajer, phát ngôn viên Hiệp hội Phi công đại diện cho các phi hành đoàn của hãng American Airlines.
"Chúng tôi buộc phải đặt câu hỏi 'còn gì nữa không?'. Khi bạn che giấu mọi thứ trong quá khứ, chúng tôi phải nói rằng 'chúng tôi không tin bạn. Hãy cho chúng tôi biết thêm thông tin'", Tajer nói.
Tháng trước, Boeing đề nghị các hãng hàng không kiểm tra lại bu lông bị lỏng trên hệ thống điều khiển bánh lái của dòng MAX, sau khi phát hiện lỗi lắp đặt sai vị trí phụ kiện trên một số máy bay hồi đầu năm 2023. Boeing đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong năm 2022 và những vấn đề với dòng 787 khiến công ty giao hàng chậm hơn dự kiến 20 tháng.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Maria Cantwell, chủ tịch ủy ban giám sát hàng không Thượng viện Mỹ, cho biết bà đã được người đứng đầu FAA báo cáo về sự cố máy bay bung thân mới nhất và đồng ý với quyết định đình chỉ hoạt động của phi đội 737 MAX 9. Cantwell, người đóng vai trò quan trọng thúc đẩy những thay đổi sau các vụ tai nạn của dòng máy bay MAX, cho biết sẽ tiếp tục theo dõi cuộc điều tra.
"An toàn là điều tối quan trọng. Sản xuất máy bay phải đáp ứng tiêu chuẩn vàng, gồm các cuộc kiểm tra chất lượng và giám sát chặt chẽ của FAA", bà nói.
Hiện chưa rõ FAA sẽ yêu cầu những gì trước khi cho phép các máy bay dòng MAX trở lại bầu trời. Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố rằng "chúng vẫn bị đình chỉ bay cho tới khi FAA thấy rằng chúng đảm bảo an toàn".
Dù vậy, giới quan sát cho rằng sự cố đã gây ra nhiều hoài nghi hơn về chất lượng của Boeing.
"Sự cố này không nên xảy ra trên bất kỳ chiếc máy bay nào. Và việc nó xảy ra trên một chiếc máy bay mới sử dụng 3 tháng là điều không thể chấp nhận được. Điều này làm tăng thêm ấn tượng rằng Boeing đã quên cách chế tạo máy bay", Nick Cunningham, nhà phân tích tại Agency Partners ở Mỹ, nói.
John Cox, phi công về hưu kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn an toàn hàng không Safety Operating Systems ở Mỹ, nói rằng Boeing vẫn có thể sản xuất những chiếc máy bay chất lượng cao, song những sự cố liên tiếp khiến nhiều người đặt nghi vấn về khả năng duy trì chất lượng của họ.
Ron Epstein, chuyên gia tại Viện Hàng không Vũ trụ Mỹ, đồng tình. "Sự cố mới nhất đặt ra câu hỏi việc kiểm soát chất lượng được Boeing thực hiện thế nào, khi họ tìm cách tăng cường sản xuất", Epstein nói.
Sự cố ngày 5/1 cũng khiến nhà cung cấp Spirit AeroSystems của Boeing trở thành tâm điểm chú ý. Công ty này ngày 6/1 xác nhận đã lắp đặt bộ phận cửa bị bung, song từ chối bình luận thêm.
Trong năm qua, Spirit AeroSystems đã liên quan tới một số vấn đề về sản xuất dòng máy bay MAX, trong đó có việc lắp đặt sai vị trí linh kiện hồi đầu năm 2023 và khoan sai cách các lỗ trên vách ngăn áp suất phía sau máy bay.
Giới quan sát cho rằng cuộc điều tra sẽ kéo theo nhiều hệ quả với Boeing, như sự giám sát chặt chẽ hơn của FAA đối với những chiếc máy bay mà hãng sản xuất.
Ngoài ra, sự cố mới cũng có thể khiến Boeing gặp khó khăn thêm ở thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh vài năm qua đã trì hoãn nhận bàn giao những chiếc Boeing 737 MAX mới, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ căng thẳng vì nhiều vấn đề.
Boeing tháng trước đã bàn giao một chiếc 787 cho Trung Quốc và giới quan sát từng lạc quan Bắc Kinh sẽ chấp nhận lô hàng tiếp theo trong vài tháng tới khi quan hệ với Washington dần cải thiện. Song Scott Hamilton, người phụ trách trang tư vấn Leeham News, lưu ý "bất kỳ sự cố nào cũng có thể khiến Trung Quốc thay đổi quyết định lần nữa".
Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ, FT)