Một trong những trợ lý thân cận nhất của ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden đến từ Apple. Nhiều người khác là lãnh đạo cấp cao tại các hãng tư vấn cho các công ty công nghệ lớn. Trong nhóm tình nguyện gần 700 người cố vấn cho chiến dịch (gọi là Ủy ban Chính sách Đổi mới), có ít nhất 8 người làm việc cho Facebook, Amazon, Google và Apple, theo New York Times. Các thành viên khác cũng có quan hệ chặt chẽ với các công ty này. Họ là chuyên gia kinh tế hoặc luật sư từng tư vấn cho các hãng công nghệ, hoặc lãnh đạo tại các tổ chức tư vấn do Big Tech tài trợ.
Joe Biden luôn chỉ trích các Big Tech, nhưng chiến dịch của ông lại lặng lẽ chào đón những người đã hoặc đang làm việc cho những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon. New York Times cho rằng điều này khiến các nhà phê bình lo ngại các công ty công nghệ đang tìm cách hợp tác với chính quyền Biden sau này.
Trong Ủy ban Chính sách Đổi mới cũng có nhiều nhà tiến bộ luôn đòi hỏi siết kiểm soát các hãng công nghệ. Họ cho rằng các hãng này bóp nghẹt sự cạnh tranh, coi thường quyền riêng tư của người dùng, không quản lý được các phát ngôn thù địch và thông tin sai lệch. Vì thế, sự hiện diện của những người liên quan đến Big Tech trong nhóm khiến họ cảnh giác.
Họ hy vọng khuyên được Biden không đi theo chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama. Dưới thời Obama, các công ty công nghệ đã trở thành "con cưng" của Washington.
Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Big Tech đang phải đối phó các quy định mới hoặc các vụ kiện chống độc quyền. Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang đã dành hơn một năm để điều tra Google, Facebook, Amazon và Apple về khả năng vi phạm luật cạnh tranh.
Trong phiên điều trần tại Hạ viện vào tháng trước, các nhà lập pháp lưỡng đảng đã chỉ trích CEO của cả bốn công ty Amazon, Apple, Facebook và Google. Họ cáo buộc sự thống trị của các công ty này đã làm tổn thương người tiêu dùng, đối thủ và các doanh nghiệp nhỏ. Các thông tin sai lệch về cảnh sát cũng vậy.
"Tình hình hiện tại rất khó khăn", Robert D. Atkinson, Chủ tịch Information Technology & Innovation Foundation, bình luận, "Khi Obama nhậm chức, công nghệ giống như một thứ lãng mạn. Mọi người đều yêu thích nó và không thấy được những vấn đề mà một số người nhìn thấy bây giờ".
Atkinson là một trong những đồng minh của Big Tech trong Ủy ban Chính sách Đổi mới. Ông cho rằng các thành viên của Ủy ban đại diện cho "một nhóm quan điểm khá đa dạng". Ông dự đoán chính quyền Biden sẽ phải đối mặt với áp lực đáng kể từ cánh tả trong việc kìm hãm các công ty công nghệ lớn.
Matt Hill - Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Biden thì khẳng định cựu phó tổng thống sẽ không dễ dãi với Big Tech. "Nhiều gã khổng lồ công nghệ và CEO của họ không chỉ lạm dụng quyền lực mà còn lừa dối người Mỹ, phá hoại nền dân chủ của chúng ta và trốn tránh trách nhiệm", ông nói, "Những người nghĩ rằng các tình nguyện viên hoặc cố vấn chiến dịch có thể thay đổi cam kết cơ bản của Joe Biden về việc ngăn chặn lạm quyền và thúc đẩy tầng lớp trung lưu đều không hiểu về ông ấy".
Trong nhóm cố vấn chính sách của Biden có Ủy ban Chính sách Công nghệ. Các nhóm này không có quyền tối cao đối với các đề xuất của chiến dịch hoặc tư vấn trực tiếp cho Biden. Tuy nhiên, các nhà vận động hành lang và các nhà hoạt động vẫn theo dõi chặt chẽ nhóm này để phát hiện dấu hiệu về cách tiếp cận của Biden đối với một số vấn đề, cũng như khả năng ông tuyển dụng họ nếu đắc cử.
Nhóm chiến dịch và nhóm chuyển giao quyền lực (transition team) của Biden có nhiều cố vấn có quan hệ với các hãng công nghệ và nhiều ngành khác. Điều này khiến những người theo chủ nghĩa tự do lo lắng.
Avril Haines, một cựu quan chức an ninh quốc gia và tình báo của Obama, đang lãnh đạo nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden. Ông là cố vấn cho công ty khai thác dữ liệu Palantir và WestExec Advisors.
Antony J. Blinken, đồng sáng lập WestExec và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao thời Obama, đang điều hành hoạt động chính sách đối ngoại của chiến dịch Biden. WestExec đã làm việc với tổ chức từ thiện của cựu chủ tịch Google Eric Schmidt và Jigsaw (cũng thuộc Google). Dù vậy, ban tổ chức chiến dịch Biden cho biết cả hai đã rời khỏi WestExec trong tháng này.
Cynthia C. Hogan, cựu luật sư của Nhà Trắng, người đang giúp dẫn dắt quá trình lựa chọn phó tổng thống cho ông Biden, từng là nhà vận động hành lang và điều hành các vấn đề chính phủ tại Apple. Dù vậy, bà đã nộp đơn xin từ chức tại Apple vào tháng 4.
Dù vậy, người phát ngôn của Google cho biết các nhân viên làm việc cho các chiến dịch với tư cách cá nhân chứ không phải đại diện của công ty. Apple thì khẳng định một nhân viên của họ tham gia ban chính sách của Biden trong thời gian riêng của anh này vào buổi tối và cuối tuần. Facebook từ chối bình luận về Ủy ban nhưng cho biết chính sách của họ cho phép nhân viên tham gia các hoạt động chính trị vào thời gian cá nhân. Amazon cũng từ chối bình luận.
Trong những người tham gia ủy ban chính sách công nghệ có giám đốc chính sách cạnh tranh toàn cầu của Facebook - Anant Raut và Matt Perault. Họ đã làm chứng với tư cách là giám đốc chính sách công của công ty trong cuộc điều tra chống độc quyền ở quốc hội năm ngoái.
Một thành viên khác là Howard Shelanski - thành viên công ty luật Davis Polk, từng đại diện cho Facebook trong cuộc điều tra chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang. Nhiều thành viên lại làm việc cho các tổ chức nhận tài trợ từ các hãng công nghệ. Số khác là các nhà kinh tế đã tư vấn cho Amazon, Google và Apple.
Sau khi New York Times hỏi các thành viên của nhóm tình nguyện viên chính sách công nghệ về công việc của họ, một số người đã nhận được thông báo "nhắc nhở rằng công việc chúng ta đang làm ở đây là nhằm phát triển các chính sách phù hợp và vì lợi ích tốt nhất của ứng cử viên và cuộc bầu cử".
Một danh sách quy tắc được cung cấp cho các thành viên còn hướng dẫn họ không tiết lộ sự tham gia của mình "trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook hoặc LinkedIn hoặc tiểu sử nghề nghiệp". Quy tắc cũng cảnh báo họ không thảo luận hoặc phát tán tên của các thành viên khác, cũng như nội dung các cuộc trò chuyện, email từ ủy ban hoặc nói chuyện với các phương tiện truyền thông.
"Nói một cách đơn giản là không nói chuyện với báo chí", tài liệu viết. Một số thành viên của ủy ban công nghệ đã tuân theo hướng dẫn đó, từ chối nói chuyện về sự tham gia của họ. Một số thành viên của nhóm chống độc quyền thì bày tỏ sự lạc quan rằng chính quyền Biden sẽ mở ra các cách tiếp cận luật pháp chặt chẽ hơn.
"Chúng ta đã có 40 năm thực thi lỏng lẻo. Những thiệt hại đã chứng minh điều đó", Diana L. Moss, một thành viên của nhóm chống độc quyền và là chủ tịch của Viện chống độc quyền Mỹ - tổ chức nhận tài trợ từ Amazon và Google cho biết. Dù vậy, bà vẫn nhấn mạnh rằng phát biểu này với tư cách cá nhân chứ không đại diện cho ủy ban chính sách của ông Biden.
Phiên An (theo NYT)