Hôm nay (29/7), CEO 4 hãng công nghệ lớn, gồm Mark Zuckerberg của Facebook, Jeff Bezos của Amazon, Tim Cook của Apple, và Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ Google) sẽ có buổi điều trần trước Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ. Ngoài vấn đề về hoạt động kinh doanh của công ty, các tỷ phú công nghệ Mỹ cũng được chú ý khi tài sản đang tăng nhanh chóng.
Theo Bloomberg Billionaires Index, ông chủ Amazon Jeff Bezos đã kiếm thêm 63,6 tỷ USD trong năm nay. Tháng này, có thời điểm tài sản của ông tăng đến 13 tỷ USD trong một ngày. Người giàu nhất thế giới còn nắm giữ một kỷ lục khác là có khối tài sản trên 200 tỷ USD.
Một tỷ phú công nghệ khác cũng đang ăn nên làm ra. Đó là ông chủ Facebook Mark Zuckerberg với tài sản tăng 9,1 tỷ USD trong năm nay. Zuckerberg đang thu hẹp khoảng cách tài sản với những người đầu bảng như Jeff Bezos và Bill Gates.
Khối tài sản của các tỷ phú công nghệ trong Bloomberg Billionaires Index đã tăng gấp đôi kể từ năm 2016, từ 751 tỷ USD lên 1.400 tỷ USD, nhanh hơn tất cả các lĩnh vực khác. Bảy trong 10 người giàu nhất thế giới có tài sản chủ yếu từ công nghệ, với tổng 666 tỷ USD, tăng 147 tỷ USD năm nay.
Những người giàu nhất thế giới đang ngày càng giàu hơn, thậm chí với tốc độ nhanh hơn. Vì đại dịch khiến kinh tế toàn cầu chuyển sang trực tuyến nhiều hơn.
"Chúng ta đã chuyển nền kinh tế từ vật lý sang trực tuyến", Luigi Zingales, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh, Đại học Chicago, nhận định. Ông nói rằng điều này đáng lẽ sẽ cần thời gian dài để chuyển đổi, nhưng đại dịch khiến nó xảy ra trong vài tuần thay vì nhiều năm.
Những người hưởng lợi lớn năm nay còn có CEO Tesla Elon Musk, người có tài sản ròng tăng hơn gấp đôi lên 69,7 tỷ USD nhờ cổ phiếu Tesla tăng giá. Tài sản đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và cựu CEO Steve Ballmer cũng tăng vọt, dù họ đã rời công ty rất lâu.
Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani cũng thu lợi từ nền kinh tế trực tuyến. Cổ phiếu đế chế Reliance Industries của ông đã tăng 45% trong năm nay khi mở rộng sang lĩnh vực kỹ thuật số và bán lẻ, đưa ông trở thành người giàu thứ 5 thế giới.
Trong số 10 người giàu nhất, chỉ có 2 người giảm tài sản là ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault và Chủ tịch Berkshire Hathaway Warren Buffett. Và trong khi giới công nghệ giàu thêm, hơn 200 trong số 500 tỷ phú được Bloomberg theo dõi đã mất tiền trong năm nay.
Dù vậy, việc tài sản các tỷ phú công nghệ tăng nhanh thời gian qua đang làm dấy lên làn sóng bất bình. Các chính trị gia như Alexandria Ocasio-Cortez và Bernie Sanders chỉ trích sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập và việc các tỷ phú ngày càng giàu. Người biểu tình đã tụ tập bên ngoài căn hộ penthouse của Bezos ở Manhattan để đòi đánh thuế tài sản. Các nhân viên Facebook cũng lên tiếng về vai trò Mark Zuckerberg trong việc lan truyền thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch.
Hiện tại, 5 trong số các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ - Apple, Amazon, Alphabet, Facebook, và Microsoft - có vốn hóa tương đương 30% GDP Mỹ, gần như gấp đôi so với cuối năm 2018. Các gã khổng lồ công nghệ cũng kiểm soát cơ sở hạ tầng của nền kinh tế kỹ thuật số.
Việc này tương tự sự độc quyền của các công ty công nghiệp trong nền kinh tế Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Khi đó, quyền lực kinh tế của họ đã tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội, gây ra nhiều vụ bạo loạn của người lao động và khiến nhiều chính sách cải tổ được áp dụng. Dù vậy, so với thời Tổng thống John D. Rockefeller, các động thái của chính phủ Mỹ chống lại đại gia công nghệ hiện nay là tương đối nhẹ.
Các ông trùm thời trước như Rockefeller và Andrew Carnegie đã khôi phục hình ảnh của họ trước công chúng bằng các hoạt động từ thiện quy mô lớn. Công thức này cũng được tỷ phú ngày nay áp dụng.
"Giving Pledge" - cam kết cho đi phần lớn tài sản được thành lập bởi Gates và Buffett là ví dụ. Zuckerberg cũng đã bước chân vào lĩnh vực từ thiện, thành lập "Sáng kiến Chan Zuckerberg"vào năm 2015 với mục tiêu thúc đẩy tiềm năng của con người và bình đẳng.
Nhưng ngay cả những hoạt động này cũng có người chỉ trích. "Tỷ phú ngày nay là những người tự cảm thấy mình có quyền quản lý người dân Mỹ", Anand Giridharadas, tác giả quyển "Winners Take All: The Elite Charade of Changing the World", bình luận.
Sự hào phóng và tích cực của Gates trong suốt đại dịch đã khiến ông được ca ngợi rộng rãi, nhưng nó cũng khiến các nhà lý luận thuyết âm mưu nghi ngờ về động cơ của ông. Một cuộc thăm dò của YouGov và Yahoo News cho thấy 44% người đảng Cộng hòa và 19% người đảng Dân chủ tin rằng Gates muốn sử dụng vaccine để cấy thiết bị theo dõi vào người dân.
Những chỉ trích nhắm vào Bezos cũng không dứt, ngay cả khi ông tăng gấp đôi số tiền từ thiện, cam kết chi 10 tỷ USD vào tháng 2/2020 để chống biến đổi khí hậu và quyên góp 100 triệu USD vào tháng 4/2020 cho tổ chức phi lợi nhuận Feeding America. Khi đưa ra thông báo từ thiện, tài sản của ông đang tăng mạnh. Hiện tại, ông cũng chưa tham gia "Giving Pledge".
Dù vậy, vợ cũ của ông MacKenzie Scott thì đã ký cam kết này không lâu sau khi hai người ly dị. Scott cho biết hôm thứ ba (28/7) rằng bà đã quyên góp 1,7 tỷ USD cho một số hoạt động bao gồm công bằng chủng tộc, biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.
"Trong suy nghĩ của tôi, tài sản cá nhân là sản phẩm của một nỗ lực tập thể và của các cấu trúc xã hội mà đem lại cơ hội cho một số người, và gây trở ngại cho vô số người khác", bà nói.
Dù vậy, các hãng công nghệ lớn cũng có được sự tôn trọng miễn cưỡng từ các nhà phê bình, trong đại dịch. "Chúng ta may mắn có được những công nghệ kỹ thuật số này", Daron Acemogl nói, "Nếu không có họ, ảnh hưởng từ phong tỏa và giãn cách xã hội sẽ tồi tệ hơn".
Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố điều này sẽ càng làm tăng sự thống trị của các công ty công nghệ đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Ông cảnh báo rằng công nghệ phát triển nhanh chóng có thể làm tăng bất bình đẳng, giảm việc làm tốt và suy yếu nền dân chủ.
Những lo ngại như vậy có thể đẩy các hãng công nghệ lớn và các tỷ phú vào tầm ngắm các chính phủ đang có tài chính bị tàn phá bởi đại dịch. Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay, ứng cử viên Elizabeth Warren và Bernie Sanders từng đề xuất thuế tài sản đối với các tỷ phú. Đây là ý tưởng được cử tri ủng hộ.
Khi không có thuế tài sản hoặc một số loại thuế mới, chính phủ Mỹ sẽ rất khó đánh thuế tài sản của Zuckerberg, Bezos và các tỷ phú công nghệ khác. Bởi lẽ, phần lớn tài sản của họ ở dạng cổ phiếu, vốn không bị đánh thuế cho đến khi nó bị bán.
"Các tỷ phú đã tích lũy một lượng thặng dư vốn lớn dưới dạng cổ phiếu mà không phải trả thuế mấy, nếu có", Gabriel Zucman, Giáo sư kinh tế Đại học California at Berkeley, người giúp Elizabeth Warren và Sanders hoàn thiện đề xuất thuế tài sản, bình luận.
Phiên An (theo Bloomberg)