Nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà cổ sinh vật học Catie Strong từ Đại học Alberta ở Canada dẫn đầu đã tìm thấy những mảnh xương hóa thạch hiếm của "quái vật biển" tại một mỏ phốt phát ở Maroc, nơi trước đây từng phát hiện hơn một chục loài thương long hay thằn lằn biển Mosasaurus khác.
Theo báo cáo trên tạp chí Systematic Paleontology hôm 7/10, loài thương long mới có tên khoa học là Gavialimimus almaghribensis, sống cách đây khoảng 66 - 72 triệu năm. Chúng có mõm dài, hẹp với những chiếc răng đan xen vào nhau giống như cá sấu.
"Chiếc mõm dài phản ánh loài thằn lằn biển này có khả năng thích nghi với một kiểu săn mồi chuyên biệt, hoặc một sự phân vùng thích hợp trong hệ sinh thái có quá đông những kẻ săn mồi khổng lồ cạnh tranh thức ăn, không gian và tài nguyên", Strong cho biết.
Mỗi loài thương long có thể tiến hóa để săn những con mồi cụ thể hoặc hình thành một phong cách săn mồi riêng biệt. Ví dụ, loài Globidens simplex có những chiếc răng to tròn, rất thích hợp để nghiền động vật có vỏ. Trong khi đó, cấu trúc mõm và hàm răng của G. almaghribensis sẽ giúp nó bắt những con cá di chuyển nhanh nhẹn.
Trong hơn một chục loài thương long được tìm thấy tại hệ sinh thái giống như biển nội địa ở Maroc, không phải tất cả đều phát triển kiểu săn mồi riêng. Một số loài cạnh tranh cùng con mồi, nhưng nhìn chung, sự khác biệt về giải phẫu đã mang đến những bằng chứng đáng tin cậy về giả thuyết phân vùng trong hệ sinh thái giữa các loài thằn lằn biển.
"Điều này cho thấy những loài động vật săn mồi sống trong cùng thời điểm, ở cùng một nơi có thể phân nhánh và đi theo con đường tiến hóa riêng của chúng để tồn tại cùng nhau", Strong nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn G. almaghribensis lớn đến mức nào nhưng riêng hộp sọ hóa thạch của nó đã dài gần 1 m. Các loài Mosasaurus nói chung được biết đến là một trong những động vặt săn mồi lớn nhất dưới đại dương thời tiền sử. Chúng có thể phát triển tới chiều dài 18 m và nặng từ 15 đến 20 tấn.
Đoàn Dương (Theo Sci-news)