Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Hà Nội, cho biết hoa sữa tên khoa học là alstonia scholaris, họ trúc đào (apocynaceae). Sở dĩ cây có tên là "hoa sữa" vì khi bị thương tổn, toàn cây chảy ra chất nhựa có màu trắng như sữa.
Hoa sữa được trồng và mọc hoang nhiều ở nước ta, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Đây là loài thực vật thân gỗ, chiều cao trung bình 15-30 m, thân tròn, thẳng, vỏ ngoài có màu nâu, nứt nẻ, bên trong chứa nhiều nhựa trắng. Lá mọc vòng, phiến có hình bầu dục dài, lá rộng khoảng 5,5-6,5 cm và dài 8-22 cm. Hoa mọc thành từng cụm, ở đầu cành, màu trắng hoặc xanh nhạt, có mùi thơm đặc trưng.
Theo lương y Sáng, hoa sữa có khả năng gây dị ứng cao, đặc biệt là phấn hoa. Mùi hoa sữa bản chất rất nồng, nếu ngửi ít, đứng từ xa với hương thơm thoang thoảng có cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, khi đứng gần hoặc ngửi nhiều thời gian dài, hương thơm có thể xộc vào mũi, gây khó chịu với người cơ địa nhạy cảm, nhất là nhóm có tiền sử mắc bệnh hô hấp. Ngoài ra, những sợi lông hay phấn hoa sữa theo gió hòa lẫn vào không khí, con người hít vào cũng dễ bị dị ứng, ảnh hưởng sức khỏe.
Vì vậy, cần tránh sử dụng dược liệu này cho người mắc bệnh hô hấp, bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm kết mạc dị ứng. Người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều, phát ban do phấn hoa sữa là những dị nguyên gây khởi phát dị ứng. Vào thời điểm hoa sữa nở rộ, nhiều người còn bị đau đầu, chóng mặt.
Tuy hoa sữa dễ gây dị ứng song một số bộ phận của cây là vị thuốc chữa bệnh trong Đông y. Vỏ cây chứa một số thành phần hóa học như echitenin, ditamin, được sử dụng để làm thuốc. Vị thuốc hoa sữa vị đắng, tính mát, tác dụng trừ đờm, giải độc, thông kinh; chủ trị rối loạn kinh nguyệt, làm thuốc bồi bổ sức khỏe, trị sốt rét cấp và mãn tính, lở ngứa ngoài da, sốt cao, thiếu máu, lỵ, tiêu chảy, viêm khớp. Ở Ấn Độ, hoa sữa được dùng để trị các bệnh về răng do các tác dụng kháng khuẩn.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, hoa sữa giúp chống viêm, giảm cơn ho, hen suyễn và cơn đau. Methanol trong lá của cây sữa có thể chống lại alpha-glucoside, tiềm năng phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường. Alkaloid trong cây sữa có tác dụng chống lại tế bào ung thư và tăng khả sống sót của chuột thực nghiệm. Ngoài ra, hoa sữa còn có tác dụng chữa rối loạn tiêu hóa.
Lương y Sáng lưu ý khi sử dụng cây hoa sữa để chữa bệnh, tránh nhầm lẫn với cây vú sữa. Ngoài ra, sử dụng vỏ cây sữa với liều cao có thể gây độc, vì vậy không tự ý dùng mà cần tham khảo bác sĩ chuyên ngành, phù hợp với tình trạng bệnh.
Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là người mắc các vấn đề về hô hấp, cơ địa dị ứng, nên hạn chế hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp với hương, phấn và lông hoa sữa.
Thúy Quỳnh