Ngày 1/6, James bị phản ứng với bài viết trên Instagram liên quan đến các cuộc biểu tình đòi công lý cho George - người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết. Cô viết: "Tôi không sống tại đó và chuyện này không liên quan tới tôi. Tuy nhiên, tôi cảm giác phe 'da trắng' đang thắng. Nếu bạn đáp lại (việc George Floyd bị giết) bằng sự tức giận, điều đó có nghĩa bạn đang bị kích động". Cô dùng từ "ngu ngốc" để gọi những người biểu tình.
Theo MalaysiaMail, các bài viết của Samantha trở thành chủ đề bàn tán trên các mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích cựu hoa hậu phân biệt chủng tộc. Hơn 21.000 người ký đơn trực tuyến, kêu gọi tổ chức Miss Universe Malaysia tước danh hiệu của cô. Đáp trả dư luận, James nói: "người da đen nên coi màu da như một thử thách và chấp nhận điều đó".
Samantha Katie James, 25 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Malaysia trong một gia đình đa sắc tộc. Mẹ cô là người Trung Quốc trong khi cha là người Brazil. James nói từ nhỏ cô chịu sự phân biệt chủng tộc tại Malaysia vì là người da trắng, có ngoại hình khác biệt với các cô gái bản địa. Tuy nhiên, cô không phàn nàn vì nghĩ "mọi thứ đều do linh hồn chủ động lựa chọn với một lý do cụ thể nào đó".
George Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát bắt hôm 25/5 với cáo buộc tiêu thụ một tờ 20 USD giả. Cảnh sát Derek Chauvin của thành phố Minneapolis ghì đầu gối vào gáy Floyd hơn 8 phút dù anh liên tục nói "tôi không thể thở" đến khi bất tỉnh. Sau đó, Floyd chết tại bệnh viện. Cái chết châm ngòi cho các cuộc biểu tình và hàng loạt vụ bạo động, cướp phá ở khoảng 140 thành phố Mỹ. Bốn cảnh sát liên quan đến sự việc đã bị sa thải. Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát, nhưng nhiều người không thỏa mãn với tội danh này.
Đạt Phan (theo Malaysia Mail)