Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) ngày 26/12, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết gói hỗ trợ từ tài chính công đoàn được gấp rút tung ra trong bối cảnh gần 483.000 lao động bị giảm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng trong 1.240 doanh nghiệp tại 44 tỉnh thành.
Công đoàn dự kiến hơn 100.000 lao động bị ảnh hưởng mà lương tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng sẽ được hỗ trợ, mức 1-3 triệu đồng mỗi người và chỉ nhận hỗ trợ một lần.
Cụ thể, người bị giảm việc, giảm giờ làm hưởng 1 triệu đồng mỗi người; lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận 2 triệu đồng và công nhân chấm dứt hợp đồng nhưng chưa tìm được việc làm mới được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Theo ông Phan Văn Anh, công đoàn đang bàn thảo thêm một số điều kiện thụ hưởng song sẽ tinh giản hết mức để tiền nhanh đến tay lao động. Danh sách lao động khó khăn giao công đoàn cơ sở lập và làm việc thêm với cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác định bảng lương, thu nhập của người được hỗ trợ trước khi mất việc. Sau khi Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn phê duyệt, gói hỗ trợ sẽ được thực hiện trước Tết Nguyên đán và dự kiến kéo dài đến hết tháng 3/2023.
"Kinh phí công đoàn ưu tiên hết mức chăm lo cho người lao động song cũng chỉ như muối bỏ bể", ông nói, nhấn mạnh ra Tết sẽ có thêm gần 288.000 lao động bị giảm việc, mất việc nên rất cần thêm các gói hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các địa phương như gói an sinh như 26.000 tỷ và 38.000 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhiều địa phương kiến nghị tiếp tục thực hiện một số chính sách trong gói 26.000 tỷ đồng khi cuối năm khó ban hành gói mới. Song Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng không thể kéo dài bởi đã hết hạn và các nhóm hỗ trợ là lao động, doanh nghiệp trong đại dịch.
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tiếp tục kiến nghị trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động. Chi phí giao trực tiếp cho doanh nghiệp.
Qua khảo sát, VCCI thấy rằng nhu cầu đào tạo nguồn lao động trong doanh nghiệp đang "vênh" so với những tiêu chí của gói an sinh. Có đơn vị chuẩn bị hồ sơ nửa năm nhưng cuối cùng xin rút vì chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phù hợp với tay nghề lao động, vị trí cần tuyển. Bà cũng kiến nghị cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để có tiền trả lương và giữ lại nguồn lao động khi thiếu đơn hàng.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết các gói hỗ trợ khó giải ngân do thiếu cơ sở dữ liệu. Thiết kế chính sách quá cầu toàn, cá biệt hóa người thụ hưởng để tránh trục lợi, song tới lúc thực hiện lại phải mổ xẻ chi li từng nhóm dẫn đến nhiều vướng mắc. Ông kiến nghị bộ ngành, địa phương sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu và đơn giản thủ tục, điều kiện thụ hưởng cho người lao động.
"Nếu một vài người được hưởng trùng thì cũng nên chấp nhận để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, giải phóng sức lao động cho cán bộ làm chính sách", ông nói.
Gói hỗ trợ lao động 26.000 tỷ đồng được ban hành tháng 7/2021. Sau một năm thực hiện, gần 36,5 triệu lao động, người dân với 394.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 508.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng kinh phí 45.600 tỷ từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa.
Hồng Chiêu