Biến động của tình hình thế giới khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng; dệt may 30-50%; chế biến gỗ 70%; công nghiệp phụ trợ 50%... Gần nửa triệu lao động chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp cố gắng chưa cắt giảm công nhân, song đã ngừng tăng ca, giảm giờ làm, cắt phép năm cho người lao động.
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng lúc này Nhà nước cần có chính sách giúp doanh nghiệp giữ chân, giữ việc cho lao động. Trong đó việc trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là khả thi bởi đây là quỹ ngắn hạn và hiện kết dư khá nhiều. Nguồn quỹ tăng hàng năm chủ yếu do hai bên đóng góp, hỗ trợ doanh nghiệp trên thực tế cũng là chi về cho người lao động.
Theo báo cáo, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư khoảng 55.750 tỷ đồng sau khi gia hạn hỗ trợ thêm hơn 414.000 lao động thuộc Nghị quyết 116 (gói 38.000 tỷ đồng) và "vẫn đảm bảo an toàn vì cao hơn hai lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021".
VCCI chưa đề xuất nội dung cụ thể, song theo bà Minh, cơ quan chức năng có thể hỗ trợ trực tiếp chi phí cho doanh nghiệp đào tạo lại hoặc nâng cao tay nghề cho lao động trong thời gian phù hợp. Mục đích là giữ chân công nhân trong bối cảnh thiếu việc làm, thay vì để họ phải về quê. Họ được tham gia các khóa đào tạo phù hợp với những vị trí việc làm mà doanh nghiệp đang bị thiếu hụt. Sau này khi đơn hàng trở lại, các công ty cũng không phải tuyển mới.
Rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước, chính sách thời điểm này cần đột phá hơn với điều kiện được nới lỏng hơn. Bà Minh dẫn chứng gói 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68 ban hành tháng 7/2021 gồm 12 chính sách hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động) dù có hỗ trợ đào tạo lại cho lao động nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Có công ty mất 6 tháng làm hồ sơ, xây dựng phương án nhưng cuối cùng lại không được phê duyệt.
Ngoài ra theo bà Minh, nhiều doanh nghiệp kiến nghị được miễn giảm phí công đoàn. Thay vì chuyển nguồn kinh phí lên công đoàn cấp trên thì Nhà nước cho doanh nghiệp hoặc công đoàn cơ sở giữ lại, hỗ trợ cho lao động thời gian nhất định. Qua giai đoạn này, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp đầy đủ.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản (VASEP) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng để doanh nghiệp được vay vốn nhằm chăm lo cho lao động. Đồng thời, Chính phủ nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, bình ổn giá xăng dầu, điện để sản xuất được ổn định.
VASEP bày tỏ lo ngại khi doanh nghiệp không vay được tiền ngân hàng bởi room tín dụng đã hết và không nhiều đơn vị tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% vì điều kiện quá ngặt nghèo. Đơn cử như yêu cầu doanh nghiệp không nợ đọng nhưng điều này là bất khả thi sau hai năm đại dịch Covid.
Thống kê hồi cuối tháng 8 cho thấy tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ rất thấp, chỉ hơn 4.400 trên quy mô 40.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp chưa tiếp cận được khi gặp khó về thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét gia hạn gói 26.000 tỷ đồng, bởi nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động lẫn doanh nghiệp phù hợp áp dụng trong thời điểm này. Chính sách ban hành càng sớm càng tốt bởi đã cận kề cuối năm và dự báo tình hình năm sau "không có gì sáng sủa".
"Tầm này rồi, không có cách nào chạy kịp cho ra chính sách mới đảm bảo hài hòa cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động", ông Lâm phân tích, đồng thời kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp tài khoản truy cập cho Sở Lao động địa phương để nắm bắt rõ di biến động về việc làm của người lao động, đảm bảo trùng khớp thông tin trong quản lý giữa các ngành.
Trước mắt, TP HCM đã xây dựng kế hoạch, phân vai rõ ràng cho các ngành trong trường hợp lao động mất việc. Cụ thể, công đoàn hỗ trợ vé tàu xe về quê;, BHXH chốt sổ đảm bảo quyền lợi, ngành lao động kết nối tìm việc làm mới và mặt trận tìm nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ lao động lúc khó khăn.
Chung ý kiến với người đồng cấp, ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, nhận định làn sóng cắt giảm kéo dài ít nhất hết quý I/2023, trong khi công nhân mất việc, giảm thu nhập khó mà xoay trở dịp Tết. Việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ của gói 26.000 tỷ đồng là phù hợp bởi nếu ban hành gói mới, các địa phương còn phải trình và đợi HĐND thông qua "nhanh nhất cũng phải hai tháng".
Hơn 200.000 lao động làm việc tại Đồng Nai đang bị ảnh hưởng khi 120 doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng. Trong đó, gần 22.000 lao động vừa hết hạn hợp đồng không tái ký. Trước mắt, Sở vận động doanh nghiệp không cắt giảm mà xoay sở không tăng ca, giảm giờ làm để giữ việc cho công nhân. Đồng Nai chủ động thông tin rõ tình hình khó khăn tới công nhân, động viên họ san sẻ với doanh nghiệp. Các bên cũng thương lượng để doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng 170.000 đồng mỗi ngày cho lao động phải nghỉ việc luân phiên.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ đầu năm đến ngày 28/11, hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Trong đó hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.
Công đoàn nhấn mạnh đây chỉ là lao động có hợp đồng, nếu tính cả số không có giao kết sẽ còn lớn hơn. Tổng liên đoàn đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Sở địa phương nắm tình hình, đặc biệt với nhóm không được ký kết hợp đồng để có biện pháp hỗ trợ bởi các gói an sinh trước đây rất khó tiếp cận nhóm này. Chính phủ cần bình ổn giá các mặt hàng sinh hoạt dịp cuối năm để công nhân yên tâm khi việc làm, thu nhập đều sụt giảm.
Theo quy định, hàng tháng người lao động đóng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và người sử dụng lao động 1% quỹ tiền lương tháng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; lao động đóng 1% tiền lương cho công đoàn phí và doanh nghiệp 2% kinh phí công đoàn.
Hồng Chiêu