Tại Hà Tĩnh, từ ngày 8/10 đến nay, Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã xả tràn 5 hồ chứa gồm: Bộc Nguyên, sông Rác (huyện Cẩm Xuyên), Kim Sơn, thượng Sông Trí, Tàu Voi (thị xã Kỳ Anh), với lưu lượng 5-200 m3/s.
"Do ảnh hưởng bão Kompasu, địa bàn những ngày qua mưa to. Việc xả tràn là để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình và tránh gây ngập lụt vùng hạ du", lãnh đạo Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, nói.
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đang đạt 75-95% so với thiết kế. Riêng một số hồ lớn như Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) và Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) mới đạt 46-64%, chưa tính đến phương án xả.
Từ sáng 13/10, Thừa Thiên Huế mưa lớn, kéo dài nhiều giờ. Tỉnh đã cấm biển, kêu gọi tất cả tàu thuyền vào trú tránh bão tại các âu thuyền ven phá Tam Giang.
Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ điều tiết nước về hạ lưu qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, khoảng 220-250 m/s, bắt đầu từ 19h hôm nay.
Nhà chức trách đề nghị đơn vị quản lý thủy điện theo dõi mực nước trên sông Bồ ở trạm Phú Ốc và mực nước trên sông Hương ở trạm Kim Long, nhằm điều chỉnh lưu lượng nước về hạ du. Mực nước hồ thủy điện Hương Điền chiều 13/10 đang ở cao trình 53,04 m, lưu lượng đến hồ 198 m3/s.
"Hồ thủy điện Hương Điện điều tiết nước về hạ du sớm để tăng dung tích phòng lũ. Bởi theo dự báo, những ngày tới địa bàn xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão Kompasu và không khí lạnh phía bắc tràn về", ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai tỉnh cho hay.
Hương Điền là hồ thủy điện lớn nhất Thừa Thiên Huế với diện tích mặt nước gần 34 km2, dung tích hơn 820 triệu m3.
Tại Nghệ An, ngày 5/10, Vực Mấu - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh - lần thứ hai trong năm xả hai cửa tràn với tổng lưu lượng 250 m3/s, khi mực nước hồ đạt 20,6 m. Sau khi đưa nước về mức quy định, đơn vị vận hành duy trì lượng xả bằng với lượng nước vào hồ cho tới nay.
Chiều 13/10, hồ Vực Mấu duy trì một cửa tràn với lưu lượng 30 m3/s, mực nước trong hồ đạt 20,25 m (mực nước thiết kế là 21 m), lưu lượng nước vào hồ bằng với mức đang xả. "Lưu lượng xả của hồ phụ thuộc vào lượng mưa tại địa bàn, nếu nước vào hồ lớn thì lượng xả sẽ tăng lên", cán bộ vận hành hồ nói.
Kompasu là cơn bão thứ tám ở Biển Đông trong năm nay. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tối 13/10 bão vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất giảm còn 100 km/h, cấp 10. Dự báo, bão theo hướng tây, đến 4h ngày 14/10 ở cách Thanh Hóa khoảng 190 km, cách Nghệ An khoảng 200 km, sức gió giảm còn 90 km/h, cấp 8-9.
Hoàn lưu bão và không khí lạnh sẽ gây mưa cho miền Bắc và miền Trung. Từ ngày 13/10 đến 15/10, Bắc Bộ và Quảng Trị mưa 100-150 mm, có nơi trên 200 mm; riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa 200-300 mm, có nơi trên 350 mm. Các tỉnh đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, ven sông.
Từ ngày 16/10 đến 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp, miền Trung tiếp tục mưa to.