Thông tin trên được ông Phạm Đức Luận, Phó tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai, đưa ra trong cuộc họp về phòng chống tác động của bão Kompasu, chiều 12/10.
Theo ông Luận, các tỉnh đã hướng dẫn gần 54.000 tàu với hơn 230.000 thuyền viên tránh bão. Hiện còn ba tàu với 29 người của Quảng Ngãi hoạt động ở vùng nguy hiểm bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, nhưng đã nắm được thông tin và đang trên đường vào khu vực tránh trú.
Bảy tỉnh duy trì cấm biển gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Hơn 60.000 ha với 8.000 lồng bè, 400 chòi canh nuôi trồng thuỷ sản từ Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế đã được chằng chống, gia cố từ bão Lionrock.
Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài 708 km với 33 vị trí xung yếu và 13 công trình đang thi công. "Các vị trí cần quan tâm là đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An; đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế", ông Luận nói.
Hơn 1.800 hồ đã đầy nước, số hồ có nguy cơ mất an toàn là 361, trong đó Thanh Hóa 97, Nghệ An 89, Hà Tĩnh 86, Quảng Bình 55, Quảng Trị 34, Thừa Thiên Huế 5.
Tại Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó chủ tịch tỉnh, cho biết địa bàn có hơn 1.000 hồ đập, trong đó nhiều hồ đã đầy nước, phải xả tràn. "Các hồ này nhỏ, đắp thủ công từ những năm 1960-1970 nên rất nguy hiểm", ông Hiếu nói.
Nghệ An hiện có 6.500 lao động về quê đang cách ly tập trung, trong đó nhiều điểm là nơi sơ tán dân trong các kịch bản ứng phó. Tỉnh này đã rà soát, lên phương án để bổ sung các điểm sơ tán người dân, đảm bảo cách xa khu cách ly tập trung.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh này đã cấm biển từ 16h hôm nay; nếu bão lớn sẽ sơ tán khoảng 100.000 người đồng thời kích hoạt phương án di dời dân vùng ngập lụt.
Ngoài ra, các lực lượng bảo vệ rừng, chốt Covid-19 ở vùng biên giới đã được thông báo rút khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lập 5 sở chỉ huy tiền phương tại các địa bàn trọng yếu, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống phát sinh.
Tỉnh Quảng Trị ngoài kịch bản di dân tránh bão còn sẵn sàng phương án di dời 53.000 người ở vùng núi, khu vực nguy cơ sạt lở đất. "Việc di dời dân hiện nay rất khó khăn vì địa bàn phức tạp, chia cắt trong bối cảnh dịch Covid-19", ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch tỉnh, nói và đề xuất Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí để bố trí tái định cư, ổn định lâu dài cho người dân.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các tỉnh khi sơ tán nhân dân cần chú ý không dồn vào gần khu cách ly mà phải tách riêng để đảm bảo an toàn. "Hiện vẫn còn hàng chục nghìn người đang di chuyển về quê, các địa phương dọc quốc lộ cần bố trí lực lượng hỗ trợ", ông nói và lưu ý cử lực lượng chuyên trách việc này vì quãng đường dài, có thể bỏ sót người dân.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão có phạm vi rất rộng, di chuyển rất nhanh với tốc độ 35 km/h, hiện cách đất liền khoảng 1.000 km; đêm nay sẽ mạnh lên giữa cấp 11.
Khi đến đảo Hải Nam (Trung Quốc) và dịch dần vào phía trong do tác động của không khí lạnh, nhiều khả năng bão sẽ suy yếu 2-3 cấp, vào gần bờ mạnh cấp 8. Tuy nhiên, ông Khiêm cho biết các đài quốc tế có dự báo chênh lệch một cấp. Bão vẫn có khả năng mạnh cấp 9 khi vào bờ.
Mưa sẽ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu mưa do hoàn lưu bão từ 13 đến 15/10, tập trung ở Bắc Bộ, Trung Bộ; giai đoạn hai từ 16 đến 19/10, từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, trọng tâm mưa là Quảng Trị, Quảng Nam.