Vấn đề hiện nay là thế giới chưa có sự đồng thuận về loại "giấy thông hành" này.
Anh, EU và Mỹ đã có những đề xuất chung cho hộ chiếu vaccine - hay gọi chính xác hơn là visa vaccine - nhưng Trung Quốc khăng khăng chỉ chấp nhận khi dùng vaccine Trung Quốc. WHO lại không đồng thuận với giải pháp visa vaccine của nhiều nước và thực ra không khuyến khích vì e ngại việc kiểm soát dịch sẽ khó khăn hơn.
Tuy mục tiêu của visa vaccine là liên kết các nước để phục hồi thảm hoạ do dịch, nhưng thực tế nó đang tạo ra những chia rẽ bởi sự khác biệt của vaccine, đặc biệt là những toan tính chính trị và kinh tế. Những toan tính ấy thực ra tác động đến tất cả mọi người, gồm cả tôi.
Tuần trước, tôi giật mình nhận ra mình đã thành người du mục mà không hay.
Trước kia ở Mỹ hay Nhật, tôi phải ngồi lì trong phòng thí nghiệm cả ngày. Về TP HCM, tuy không còn làm thí nghiệm, có ngày tôi phải chạy từ quận 9 đến quận 5, quận một để lo công việc. Từ khi Covid xảy ra, tôi làm việc từ nhiều nơi, hầu hết vắng người, thậm chí đồng không mông quạnh, chỉ có mình và laptop.
Hơn một năm qua, tôi gần như làm mọi công việc từ xa. Từ hội họp qua web với các thân hữu trong nước và chuyên gia nước ngoài, đến hội thảo trao đổi kinh nghiệm y sinh TransMed-VN thường niên do tôi sáng lập, rồi nhiều thảo luận, hợp tác và kế hoạch khác.
Tuần trước, tôi ghé ăn trưa tại một quán nổi tiếng về bún chả và bún nem ở quận ba. Nhớ lại, mỗi lần tiếp khách nước ngoài đến Việt Nam, tôi thường mời họ đến đây ăn trưa. Tất cả đều thích và ấn tượng.
Không rõ năm nào, nhưng sau phiên họp cuối cùng, giáo sư Ken-Ichi Arai người Nhật cần ra phi trường cho kịp chuyến bay về Tokyo, chúng tôi có khoảng thời gian rất ngắn để tiễn ông và hai cộng sự. Tôi đề nghị đưa nhóm đi ăn gì nhanh và nhẹ. Và sau khi được đồng ý, chúng tôi đến quán này.
Thực đơn chỉ có chả giò, thịt ba chỉ nướng ăn với bún, rau sống và uống bia lạnh. Giáo sư Arai ăn ba phần và mọi người cũng ăn không ngừng tới khi phải đi. Ông trân trọng cám ơn những người phục vụ của quán, nói đây là bữa ăn ngon nhất trong chuyến đi Việt Nam. Với tôi, đó là một kỷ niệm đẹp và rất đời thường, khi chúng tôi không bị ngăn sông cách chợ bởi đại dịch.
Dù muốn hay không, lối sống của chúng ta đã bị chuyển hóa. Nhưng tôi vẫn mong mỏi sớm hết cảnh ngăn sông để được đón mừng chuyên gia, bạn bè thân hữu từ nhiều nơi đến làm việc và thưởng thức ẩm thực Việt sớm nhất.
Visa vaccine chính là hy vọng và giải pháp.
Việc Chính phủ khởi động chương trình tiêm chủng vaccine Covid trong nước và gần đây đề cập đến cơ hội mở cửa đất nước bằng visa vaccine đã cho tôi sự phấn khởi và động lực mới.
Hộ chiếu vaccine đơn giản là giấy chứng nhận cho người đã tiêm chủng vaccine được tự do di chuyển và sinh hoạt trong một xã hội bình thường. Thực tế, hình thức này đã có từ lâu, mỗi khi chúng ta cầm giấy tờ tiêm chủng, điều trị một số bệnh theo yêu cầu của quốc gia mình cần đến.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thực thi visa vaccine phức tạp và thử thách hơn rất nhiều, không chỉ với Việt Nam mà toàn cầu.
Không như các bệnh dịch đã được giải quyết, dịch Covid-19 hiện còn nhiều ẩn số và giới hạn trong việc kiểm soát, trị liệu và theo dõi. Các đánh giá về tình hình dịch và nhận định của giới chuyên gia chỉ ra rằng để có một visa vaccine an toàn, Việt Nam cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về khoa học, xã hội và sự khác biệt về hệ thống công nghệ.
Thật vậy, dù vaccine và tiêm chủng đóng vai trò chủ chốt, nhưng thế giới chưa đạt được những giá trị và tiêu chuẩn chung cần thiết. Các vaccine Covid-19 lưu hành đang rất cách biệt về hiệu quả.
Moderna, Pfizer hiện được coi là có chuẩn mực cao và an toàn, nhưng phần lớn được dùng ở Mỹ, rất khó được phân bổ đi các nước khác vì giá cả cao và kỹ thuật bảo quản dưới âm 20 độ C. AstraZeneca đã bị hoãn tới ba lần ở các nước Âu châu vì tai nạn liên quan đến đông máu. Vaccine Trung Quốc có hiệu suất bảo vệ thấp - chỉ khoảng 50% như báo cáo từ Brazil - là vấn đề rất lớn về an toàn.
Đáng chú ý, cho đến nay, thời gian đề kháng của vaccine vẫn chưa được biết là bao lâu, hàng năm hay chỉ vài tháng. Vì visa vaccine rất cần một thời hạn cụ thể để "dùng" - như mọi loại visa khác.
Một khía cạnh quan trọng khác là người được tiêm chủng vẫn có khả năng mang trong mình virus lây lan cho cộng đồng, chưa kể một số có thể bị nhiễm Covid sau tiêm chủng. Cơ chế visa vaccine cũng xem xét áp dụng cho những người đã nhiễm Covid khỏi bệnh. Con số này rất lớn, nhưng tỷ lệ không nhỏ có thể bị tái nhiễm.
Như vậy, thứ nhất, ở khía cạnh khoa học, để áp dụng visa vaccine an toàn, Việt Nam còn thiếu một chiến lược quốc gia toàn diện, sự đầu tư lớn để thiết lập một hệ thống ứng phó hiệu quả để giảm thiểu các hiểm họa nêu trên của virus.
Thứ hai, vì mục tiêu của visa vaccine là mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là du lịch, giao thương, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ sẽ là phát triển số người có visa vaccine trong nước để đi ra nước ngoài và gia tăng số người từ nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam làm được việc này chỉ khi xây dựng xong một hệ thống quản lý visa vaccine tương thích với luật lệ và tiêu chuẩn của nhiều nước đang vận hành.
Vì thế, tôi cho rằng, bên cạnh việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu y tế quốc gia liên quan đến vaccine Covid-19 - công việc đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về trí tuệ và tiền bạc - một chiến lược nghiên cứu, khảo sát để đánh giá trung thực các yếu tố trên có ý nghĩa quyết định cho mục tiêu phát triển visa vaccine của Việt Nam.
Triển khai visa vaccine là một thử thách lớn cho Chính phủ mới trong bối cảnh thế giới đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách của đại dịch, song có biến visa vaccine thành chìa khoá vàng mở ra những cơ hội hậu Covid cho đất nước hay không lại là chuyện khác. Đại dịch là thang đánh giá khả năng của những người lãnh đạo.
Nguyễn Đức Thái