Tại sao tôi lại lấy hai chữ "leo tháp" để mở đầu cho bài viết này? Có lẽ vì cơ hội để lứa U22 Việt Nam vô địch SEA Games trước khi giải đấu này bắt đầu còn khó khăn hơn việc trúng giải Jackpot 1 của xổ số Vietlott vậy.
Chúng ta đã thua, thua theo cách nghiệt ngã nhất: Đối thủ mất người và sau đó bất ngờ có bàn thắng ấn định tỉ số ở phút bù giờ gần như cuối cùng. Nhưng điều tôi lo sợ nhất không phải là việc các cầu thủ có ngã quỵ sau thất bại này hay không, mà là sợ "cư dân mạng" sẽ lại quay cuồng trong "nỗi nhớ thầy Park" và chỉ trích, phủi hết những gì mà HLV Troussier đã cố công xây dựng cho lứa U22 được coi là "yếu nhất" trong nhiều năm vừa qua.
Và thực tế, điều này đang bắt đầu diễn ra trên khắp các cộng đồng hâm mộ bóng đá Việt Nam, thậm chí đã có người thẳng thừng khẳng định bóng đá Việt Nam đã trở về cái thời 2017 đen tối từ trẻ đến già.
Phải chăng chúng ta đã quá khắt khe, hoặc là vì tấm HCV SEA Games một năm trước trên sân nhà đã làm "mờ mắt" không ít CĐV, dẫn đến những bình luận, ý kiến cực đoan, phiến diện như vậy?
Đúng, tôi đồng ý rằng những Công Đến, Văn Đô, Tuấn Tài, Văn Tùng... đã từng đeo huy chương trên sân Mỹ Đình, nhưng đóng góp của họ liệu có thể so được với ba người đàn anh trên 23 tuổi?
Đồng ý rằng gần một tháng sau chúng ta đã vào đến tứ kết U23 châu Á, nhưng những cái tên đã có những dấu ấn nhất định ở giải đấu đó như Mạnh Dũng, Thanh Nhân, Minh Bình, Danh Trung và đặc biệt là cặp trung vệ Việt Anh - Thanh Bình còn ở đây để cùng chinh chiến tại Campuchia hay không ?
Xin hãy hiểu cho HLV Troussier, bởi nếu có một hoặc một vài trụ cột đội tuyển quốc gia trong đội hình, tôi tin chắc rằng cơ hội vô địch của chúng ta đã sáng sủa hơn nhiều, hoặc chí ít các cầu thủ sẽ không gặp phải những sai lầm, những sự vội vàng như đã thấy, do có các đàn anh hỗ trợ.
Những cầu thủ được có mặt trong đội hình 20 người sang Campuchia thì trừ những người làm trụ cột ở các đội hạng Nhất hoặc hạng Nhì ra, thì tôi xin khẳng định rằng số phút Quang Hải được thi đấu chính thức khi xuất ngoại còn nhiều hơn số phút thi đấu tại giải vô địch quốc gia của không ít cầu thủ có tên trên tuyển U22.
Lý do Covid-19 đã đành, nhưng không thể phủ nhận rằng những người đàn anh hơn những cầu thủ lứa này 1-2 tuổi hoặc hơn thế đang thể hiện quá tốt tại các CLB ở V - League, hoặc ở mức tròn vai, hoặc đóng vai trò thủ lĩnh, nên chẳng có cơ hội cho những cái tên này chen chân vào đội hình chính thức. Làm gì có cơ hội cho Tiến Long, Văn Trường, Văn Tùng, Văn Chuẩn khi kể cả mất đi Văn Hậu, Quang Hải thì Hà Nội FC có quá nhiều sự lựa chọn ở cả va tuyến ?
Văn Khang trong một năm đá bốn cấp độ đội tuyển quốc gia, nhưng chỉ cần mình ngoại binh Jaha của Viettel, thêm nữa là đàn anh Đức Chiến là đã đủ để đánh bật cậu ra khỏi đội hình chính.
Trước khi SEA Games diễn ra thì có thể vì áp lực từ chủ tịch CLB, từ Liên đoàn hay chính HLV mà các cầu thủ trẻ mới được vào sân, nhưng số phút ít ỏi ấy liệu có đủ cho những người đá ở tuyển nhiều gấp 5, gấp 7 so với CLB chủ quản của họ ? Thật tội nghiệp và đáng tiếc cho những cầu thủ thi đấu SEA Games năm nay khi có quá nhiều nguyên do khách quan cản đường họ.
Khó khăn đủ đường, thậm chí nhiều cầu thủ trong đội hình này từng để thua U19 Campuchia trong quá khứ, nhưng HLV Troussier vẫn dũng cảm nhận nhiệm vụ. Nếu ví hành trình chinh phục HCV SEA Games năm nay như cuộc Đại Hải Trình trong truyện tranh One Piece, thì ông Troussier chính là Luffy, nhân vật chính, thuyền trưởng của con tàu Thousand Sunny trên con đường tìm tới kho báu cuối cùng.
Khổ nỗi, các học trò, những người thuyền viên của ông lại không phải là những cái tên xuất chúng, và cũng chẳng có tác giả nào sẵn sàng cho các cầu thủ ngồi nói về sức mạnh tình bạn, rồi đùng một cái, đội tuyển Việt Nam hoá Rồng như cách Nhật Bản thắng cả Đức lẫn Tây Ban Nha tại kì World Cup mới đây.
Nhưng ai dám nói là kỳ SEA Games năm nay là một kì SEA Games thất bại với bóng đá nam Việt Nam? Một lứa trẻ theo tôi là không được cọ xát nhiều, vậy mà lại cho thấy tâm lý vững vàng và không bỏ cuộc trước khó khăn, điều mà nhiều lứa trẻ trước thời của HLV Park Hang-seo không làm được.
Gỡ lại hai bàn dù bị đối phương dẫn trước hai lần, vẫn tự tin triển khai lối chơi trong hiệp một sau khi bị thua trước, vậy chúng ta có dám nói là lối chơi của đội tuyển là "bạc nhược", "vô hồn" hay không?
Nhiều người từng bi quan rằng đá như Doha Cup, đá như trận gặp Lào thì sẽ lại bị loại từ vòng bảng, nhưng giờ cơ hội giành huy chương vẫn còn, liệu những người đó có nên xin lỗi HLV Troussier và các cầu thủ hay không ? Những màn trình diễn trong hai trận vừa qua, dù hạn chế còn nhiều, nhưng liệu những điều đó có phủ nhận được sự tiến bộ của 20 cầu thủ này không ?
Còn với tôi, tôi có ức chế, có tiếc, có "lỡ lời" nói gì các cầu thủ trong trận này không? Có, tôi thừa nhận là tôi có nói là Văn Đô và Công Đến đá dở, có chẹp môi khi Văn Trường vội vàng sút xa. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phủ nhận những gì ông Troussier đã làm được với lứa này.
Ông đã cố gắng nói từ trong chỉ đạo trên sân, trong phòng họp báo, nhắc nhở các cầu thủ phải giữ nhịp, phải cầm nhịp, phải bình tĩnh không vội vàng. Ông đã biến đội hình Việt Nam trước giải từ một đội trẻ thua liểng xiểng các trận giao hữu trở thành một đội hình hoàn thiện hơn, có tổ chức, có nét hơn và đi đúng với xu thế bóng đá hiện nay, chứ không còn là đội hình đá phòng ngự phản công hoặc là nửa phòng ngự nửa tấn công như trước đó.
Chỉ có điều là các cầu thủ này còn thiếu kinh nghiệm, nên những pha bóng xử lý vội vàng rõ ràng là điểm yếu cố hữu không thể cải thiện một sớm một chiều. Tôi ước gì Tuấn Tài giờ đang là trụ cột đội tuyển quốc gia chứ không phải tuyển thủ gọi lên cho đủ suất, thì chắc là lỗi của Tiến Long, Duy Cương hay Công Đến đã không xảy ra.
Thành công không bao giờ là mãi mãi, tuyển Đức hay tuyển Tây Ban Nha từng một thời khuynh đảo cả thế giới 10 năm trước giờ đang chật vật tìm lại chính mình, vậy với một nền bóng đá Đông Nam Á non trẻ, không có sự ổn định và không có tên tuổi trên trường thế giới thì chuyện kẻ thắng người thua nó rất bình thường.
Nhưng thật đáng lo ngại khi các cầu thủ đang phải đối mặt với một cơn bão chỉ trích từ đủ kiểu người, và nhất là nhiều người hả hê vì thất bại này đã chứng minh ông Troussier kém cỏi - rất đúng ý của họ.
Họ quên mất rằng dù có 100 tấm HCV SEA Games, hay 1000 chức vô địch Đông Nam Á thì nó cũng không thể vĩ đại bằng một lần đến World Cup hay Olympic. Bóng đá Việt Nam muốn có được sự công nhận thì phải mang quân đến chiến đấu ở những giải đấu tầm cỡ thế giới, hoặc chí ít là được những đội bóng trong top 20, top 30 FIFA mời đá giao hữu thì mới nói chuyện được.
SEA Games được tổ chức hai năm một lần, toàn đối thủ quen thuộc, năm này không vô địch thì vẫn còn năm sau, đừng nâng cao quan điểm và "thần thánh hoá" tấm huy chương vàng này.
Riêng với những "chiến binh Sao Vàng", tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn điều này: Hãy lấy tiếng khóc của Quế Ngọc Hải, lời xin lỗi của Bùi Tiến Dũng và hình ảnh những CĐV ở lại cổ vũ đội U23 Việt Nam năm 2017 sau trận thua Thái Lan làm động lực để phấn đấu.
Thất bại ngày hôm qua đã trui rèn những con người ấy trở thành những thủ lĩnh thép của ngày hôm nay. Đừng vì một trận thua mà yếu đuối bỏ chạy, không dám đối diện, hãy đứng lên đi, đứng lên để một, hai hay nhiều năm nữa, lịch sử sẽ khắc ghi tên các bạn như cách nó đã khắc ghi tên của hai người đội trưởng mà tôi đã nhắc tên.
Ackermann
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.